| Hotline: 0983.970.780

Hát dô Liệp Tuyết: [Bài 2] Tìm đâu người trẻ giữ hồn quê?

Thứ Ba 16/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hát dô tồn tại những lời nguyền khiến cái hay, cái đẹp của chúng có nguy cơ biến mất. Chấp nhận 'rủi ro', bà Lan đi tìm giữ hồn quê suốt 30 năm qua.

Nếu người dân ở những vùng quê khác được lớn lên trong làn điệu của quê hương thì những người dân ở Liệp Tuyết lại khác, rất hiếm người được nghe, được xem hát dô, bởi lần hội đền Khánh Xuân gần nhất tổ chức hát dô là năm 1926.

36 năm sau, cả nước đang chìm trong binh lửa, hội không được tổ chức. Lại thêm 36 năm nữa, hát dô “ngủ yên”, tư liệu bị thất lạc dần, đặc biệt là cuốn sách cổ về hát dô vốn để thờ Thánh bị thất lạc, những người tham gia hội đền Khánh Xuân năm xưa cũng không còn nhiều. Hát dô đứng trước nguy cơ thất truyền.

Năm 1989, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) kết hợp cùng Trung tâm Văn hóa huyện Quốc Oai về Liệp Tuyết tìm lại điệu hát dô trong quá khứ. Giai đoạn này trong hành trình khôi phục lại điệu hát dô, bà Lan gặp nhiều trở ngại. Một phần do thiếu tư liệu, thiếu nhân chứng sống. Lúc ấy, bà Lan đang làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liệp Tuyết là người đi gõ cửa từng nhà các cụ già có mặt trong hội hát dô năm 1926 để xin được học các điệu dô cổ.

Bà Lan không giấu được sự tự hào khi nhắc đến danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Ảnh: Minh Toàn.

Bà Lan không giấu được sự tự hào khi nhắc đến danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Ảnh: Minh Toàn.

Bà chia sẻ: “Những ngày ấy tìm các cụ khó lắm. Sáng đi gặp không được thì trưa tìm. Trưa ăn cơm xong thì chiều tối đi tiếp. Mà có phải gặp một lần là người ta đồng ý đâu, phải thuyết phục nhiều lắm”. Sau này, bà Lan đã thuyết phục được 3 cụ là cụ Đàm Thị Điều, cụ Kiều Thị Nhuận và cụ Tạ Văn Lai từng tham gia hát Hội đền Khánh Xuân năm 1926 chỉ dạy. Kể về những ngày “sáng thu hoạch lúa, chiều trồng ngô, tối đi hát”, ánh mắt bà Lan ánh lên niềm tự hào.

Những năm đầu sau khi tìm lại được cuốn sách cổ ghi chép các làn điệu hát dô. Bản ghi này được chép lại bằng chữ Nho, phải thuê người dịch rồi trao cho hội người cao tuổi cất giữ. Bà Lan phải chép trộm bản dịch để lưu và đối sánh với tư liệu bà chép lại được của các cụ. “Các cụ đọc cho chép xong, đối chiếu với bản cổ thì giống đến 99% không kể những chỗ tiếng địa phương thì mừng lắm…”. 

Hát dô là một loại hình nghệ thuật "độc bản", chỉ có ở Liệp Tuyết, và giá trị của nó đã được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của cộng đồng, đặc biệt là hoạt động của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan, hát dô vẫn cần một chính sách cụ thể, một chương trình bảo tồn nghiêm túc từ phía chính quyền.

Khi xưa bà Lan học chủ yếu là truyền miệng không có sách vở, hơn nữa các cụ phát âm không rõ, lời hát láy đi láy lại nhiều lần rất khó nghe và đọc. Sau này, bà xin các cụ được chép từng câu, từng chữ cho dễ học.

Những ngày cắp sách đi nghe các cụ chỉ dạy, bà Lan bị người làng chê cười “vô công rồi nghề” hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Những lời gièm pha, những ánh mắt nghi ngờ cùng khó khăn khi mới học hát dô như dao cắt vào lòng bà. Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ để cản bước bà Lan phục dựng làn điệu dân ca độc đáo của quê hương.

Lời dặn dò của cụ Đàm Thị Điều trong lúc dạy bà hát dô đã níu bà Lan tiếp tục sứ mệnh “giữ lửa” hát dô: “Con ơi, con chịu khó ngày đi làm vất vả, tối về đây cụ đọc cho mà chép…Con giữ sách này mà hát, không được cho ai mang đi mà mất gốc”. Bà dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho hát dô, miệt mài học hỏi, rèn luyện và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nhờ có sư nỗ lực không ngừng của bà Lan, hát dô dần được nhiều người biết đến và yêu thích. Tiếng hát dô lại vang vọng khắp xóm làng, không chỉ bó hẹp trong lễ hội của làng với lề lối, thời gian nghiêm ngặt, giờ đây hát dô đã và đang phát triển, nhân rộng, nhiều người biết hát. Đó như một lời khẳng định về sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hoá quê hương.

Thế nhưng, hầu hết mọi chi phí cho “sứ mệnh” phục dựng hát dô đều được bà Lan chi trả. Từ việc đưa các đoàn đi giao lưu, tiền ăn, tiền nghỉ, tiền điện cho các em tập luyện cũng là một tay bà Lan quán xuyến. Vì chỉ là một nông dân lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp làm kinh tế chính nên có đôi lúc bà Lan đã muốn từ bỏ bởi khó khăn, vất vả. Thế nhưng “sứ mệnh” đã gắn bà với hát dô. Bà đã thành công trong việc bảo tồn, nhưng phát triển bằng cách nào vẫn luôn là một dấu hỏi lớn.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cho rằng cần có cuộc họp, tọa đàm, bàn thảo về thời gian tổ chức lễ hội để hát dô có thể được thực hành nhiều hơn. Ảnh: NVCC.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cho rằng cần có cuộc họp, tọa đàm, bàn thảo về thời gian tổ chức lễ hội để hát dô có thể được thực hành nhiều hơn. Ảnh: NVCC.

Bà Lan vẫn luôn trăn trở về chuyện phát triển hát dô khi chia sẻ: “Tôi làm là vì sự yêu thích cả bản thân với làn điệu quê hương, chứ cũng chẳng có công lao. Lỡ mai này có chuyện gì, tìm được người biết hát dô thì dễ chứ tìm người để yêu giai điệu này mà bỏ qua lợi ích về kinh tế thì khó”.

Người đàn bà 68 tuổi với hơn 30 năm cống hiến công sức cho hát dô hiện tại chỉ còn một ước vọng để phát triển “hồn quê”. “Bây giờ tôi chỉ muốn, mỗi thôn thành lập được một đội hát, rồi hát thi vào các dịp lễ. Có như vậy, hát dô mới đi vào lại được đời sống, mới bảo tồn, phát triển được…”, bà Lan ao ước.

Các thế hệ học trò của bà Lan là những người nắm giữ 'chìa khoá' để bảo tồn và phát triển hát dô trong tương lai. Ảnh: NVCC.

Các thế hệ học trò của bà Lan là những người nắm giữ “chìa khoá” để bảo tồn và phát triển hát dô trong tương lai. Ảnh: NVCC.

Ước vọng là vậy, nhưng điều kiện hiện tại chỉ cho phép bà Lan mở các lớp học. Hiện lớp hát dô do bà Lan trực tiếp giảng dạy phần lớn là học sinh từ lớp 4 đến lớp 8. Thế nhưng mỗi năm, bà Lan đều phải tuyển thêm những học sinh mới vì trong quá trình giảng dạy bị “rơi rớt” mất nhiều em. Nhiều lớp được mở, nhiều học sinh được dạy nhưng chỉ bà Lan là bất biến. Bởi ở thời điểm hiện tại khó có thể tìm được người tâm huyết với hát dô như bà Lan.

Trao đổi về định hướng để phát triển hát dô trong tương lai, ông Tạ Văn Nguyệt (Phó chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) cho biết: “Hàng năm, chúng tôi tổ chức các lớp truyền dạy cho các em học sinh tiêu học, trung học cơ sở. Thứ hai, cũng mong có các đợt biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn di sản văn hoá phi vật thể để CLB được đi diễn… Ngoài ra, về các nguồn đầu tư, xã cũng đang đợi để được cấp các nguồn kinh phí hỗ trợ, vì hiện tại xã chỉ có thể hỗ trợ tiền xe, tiền đi lại cho các cháu thôi…”.

Bà Lan và các cô gái trẻ vẫn đam mê với hát dô bằng cả tình yêu. Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn đó, khi không có lớp người kế cận xứng đáng, đặc biệt khi bà Lan ngày một  cao tuổi. 

Xem thêm
Dàn nghệ sĩ khách mời 'đốt cháy' sân khấu 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'

Vừa qua, ca sĩ Will, Khải cùng Ngô Trúc Linh đã đem đến bữa tiệc cảm xúc tại đêm nhạc gây quỹ từ thiện 'Đêm mùa Đông #3: Nguyện'.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.