| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang khống chế thành công ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi

Thứ Hai 19/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tháng 7, TP Vị Thanh xảy ra 3 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, hệ thống phòng chống dịch đã được kích hoạt, khống chế không để mầm bệnh lây lan diện rộng.

Heo dự án dính dịch bệnh

Đứng thất thần bên chuồng nuôi heo đang bỏ trống, được rải vôi trắng xóa, bà Thị Chanh (59 tuổi, ở ấp 7, xã Vị Tân, TP Vị Thanh) như muốn khóc khi 10 con heo giống mới thả được vài ngày đã dính dịch bệnh dịch tả heo châu Phi.

Là người đã từng gắn bó với nghề nuôi heo nông hộ hàng chục năm, nhưng đợt bùng phát bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 đã buộc bà Chanh phải để trống chuồng.

Bà Thị Chanh đang dùng vôi bột khử trùng chuồng nuôi sau khi 10 con heo giống do dự án cấp vừa bắt về nuôi đã bị bệnh dịch tả heo Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Thị Chanh đang dùng vôi bột khử trùng chuồng nuôi sau khi 10 con heo giống do dự án cấp vừa bắt về nuôi đã bị bệnh dịch tả heo Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: Trung Chánh.

Theo bà Chanh, trước đây bà thường nuôi 1-2 con heo nái. Heo đẻ con, bà để nuôi thành heo thịt, có khi lên đến vài chục con. Nhưng do dịch bệnh bà phải ngưng nuôi 3-4 năm nay, cũng đồng nghĩa mất nguồn thu nuôi sống gia đình. Các con phải đi làm công nhân ở xa nhà, còn bà chuyển sang mua bắp về luộc bán hoặc nhận vót đũa, cần câu thuê để có tiền sống qua ngày.

May mắn thay, hộ bà Thị Chanh được chọn tham gia “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, do TP Vị Thanh triển khai. Bà đã đầu tư xây lại chuồng heo vốn bị bỏng hoang nhiều năm, làm mùng lưới chống muỗi… chờ ngày được quay trở lại với nghề nuôi heo.

Đầu tháng 7, hộ bà Thị Chanh được dự án hỗ trợ 10 con heo giống để nuôi heo thịt. Bà Thị Chanh cho biết: “Có heo thả nuôi tôi mừng lắm nên chăm rất kỹ, cho ngủ mùng, treo đèn điện để sưởi ấm và sáng vào ban đêm. Thế nhưng, mới nuôi được vài ngày đã có dấu hiệu bị bệnh. Heo bị sốt, bỏ ăn, con đỏ mình, con xanh, con tím tái. Thấy vậy, tôi liền báo cho cán bộ thú y xã xuống nhưng cũng không cứu chữa được”.

Ngày 8/7, qua xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang xác định đàn heo của hộ bà Thị Chanh bị dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi và đã tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Cùng với hộ bà Chanh, còn có 5 hộ dân khác ở xã Vị Tân, cũng nhận được heo của dự án nói trên hỗ trợ, với tổng số là 61 con heo giống (trọng lượng khoảng 20kg/con) cũng cùng bị mặc bệnh và phải tiêu hủy.

Cán bộ thú y xã Vị Tân  phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, buộc phải tiêu hủy đàn heo tại các hộ dân vùng ổ dịch. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ thú y xã Vị Tân  phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, buộc phải tiêu hủy đàn heo tại các hộ dân vùng ổ dịch. Ảnh: Trung Chánh.

Trước đó, cũng từ nguồn heo giống của “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, TP Vị Thanh đã chuyển giao cho 10 hộ dân ở xã Hỏa Lựu, với tổng số 72 con. Số heo này cũng bị mắc bệnh và ngày 3/7 cơ quan chuyên môn đã xác định bị dịch bệnh dịch tả heo châu Phi và đã tiến hành tiêu hủy.

Ngoài ra, tại một hộ nuôi heo ở phường III, TP Vị Thanh, đã xảy ra 1 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi trên đàn heo 12 con, trong đó có 7 con trọng lượng khoảng 40 kg/con và 5 con trọng lượng 20 kg/con. Ngày 18/7, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn heo này, với tổng trọng lượng 470kg.

Như vậy, chỉ trong khoảng nửa đầu tháng 7, trên địa bàn TP Vị Thanh đã xảy ra 3 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, tại 17 hộ chăn nuôi thuộc xã Hỏa Lựu, Vị Tân và phường III. Tổng số heo chết, tiêu hủy là 145 con, với trọng lượng gần 3 tấn.

Nhờ phát hiện kịp thời, mầm bệnh được khống chế tốt, nên các ổ dịch không lây lan ra diện rộng. Đến nay, đã qua 21 ngày (tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng 18/7) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang không có heo bị mắc bệnh và chết do dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi.    

Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, tỉnh Hậu Giang đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch, tiến hành tiêu hủy nhanh đàn heo bị mắc bệnh và bố trí lực lượng thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch hàng ngày.

Ngoài ra, còn cấp phát hóa chất, hướng dẫn và giám sát các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn TP Vị Thanh, các huyện tiếp giáp là Long Mỹ và Vị Thủy, tự tiêu độc sát trùng chuồng trại, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cán bộ thú y TP Vị Thanh hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, khống chế không để bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan trên địa bàn, bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ thú y TP Vị Thanh hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, khống chế không để bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan trên địa bàn, bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân thực hiện tốt khâu an toàn sinh học trong chăn nuôi, chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng. Thực hiện tốt khâu vệ sinh tiêu độc chuồng trại, tiêm phòng các bệnh thường xảy ra trên đàn heo, nhất là vaccine phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân thực hiện 5 không: không giấu dịch, không mua bán vận chuyển heo bệnh, heo chết, không giết mổ heo bệnh, heo chết, không vứt xác heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho heo ăn.

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết, nhờ phát hiện ổ dịch bệnh kịp thời và đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch, mầm bệnh được ngăn chặn, khống chế tốt nên không lây lan ra diện rộng.

Người đứng đầu ngành Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay, vacxin phòng dịch tả heo Châu Phi đã có bán trên thị trường. Tuy nhiên, việc người dân tiếp cận để chủ động tiêm phòng bệnh cho vật nuôi còn ít.

Sở NN-PTNT tỉnh đang phối hợp với Sở Tài chính, xin chủ trương hỗ trợ để thực hiện tiêm phòng cho đàn heo thịt ở địa bàn vừa qua xảy ra dịch tả heo Châu Phi và cac vùng lân cận, với cơ số khoảng 5.000 liều.

UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Sở NN-PTNT tập trung hướng dẫn, kiểm tra việc phòng, chống dịch tả heo Châu Phi tại các địa phương. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ngoài ra, tăng cường thông tin, tuyên truyền đến hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát.

Hậu Giang đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, tiến hành tiêu hủy nhanh đàn heo bị mắc bệnh và bố trí lực lượng thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khống chế không để dịch bênh lây làn diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Hậu Giang đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, tiến hành tiêu hủy nhanh đàn heo bị mắc bệnh và bố trí lực lượng thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khống chế không để dịch bênh lây làn diện rộng. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường các biện pháp hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn heo. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.

Song song đó, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Các ngành liên quan tăng cường kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo sống, thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Hiện, tỉnh Hậu Giang có tổng đàn heo trên 146.000 con, trong đó có trên 100.000 con heo thịt. Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo, hướng dẫn người dân thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Bố trí thời vụ hợp lý vụ đông xuân

PHÚ YÊN Ngành nông nghiệp Phú Yên đề nghị các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).