| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại hàng tỷ đồng

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:04 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 6 địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 1.132 con, gây thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng.

Các đơn vị chức năng tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các đơn vị chức năng tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi của lợn với tỉ lệ chết gần như 100%. Virus gây bệnh có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh. Virus có sức đề kháng cao, chịu được nhiệt độ thấp, trong thịt lợn sống hoặc ở nhiệt độ không cao có thể tồn tại được 3-6 tháng, vi rút bị chết ở 70 độ C.

Do sức đề kháng của virus cao nên bệnh có khả năng lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát và chưa có thuốc điều trị. Khi phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan.

Hiện nay, đã có vacxin phòng bệnh và được Bộ NN-PTNT khuyến cáo tiêm cho lợn thịt, tuy nhiên thực hiện với quy trình giám sát nghiêm ngặt. Năm 2023, một số tỉnh đã thử nghiệm tiêm vacxin và đang đánh giá hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 14/5 - 09/6/2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 06 huyện, thị xã, thành phố gồm Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 1.132 con, trọng lượng hơn 55 tấn, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.

Virus dịch tả lợn Châu Phi vẫn lưu hành ngoài môi trường và trên lợn nhập từ các tỉnh về. Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi và gây bệnh.

Một số đơn vị đã chủ động trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Bà Đặng Thị Liên (Giám đốc HTX Vạn Thịnh Phát, TP Móng Cái), chia sẻ, HTX luôn đề cao trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

"Chúng tôi rắc vôi, khử trùng chuồng trại định kì 2 lần/tháng, thức ăn cũng phải kiểm soát, nấu chín thức ăn trước khi cho đàn lợn ăn. Cùng với đó, các chủ hộ chăn nuôi thuộc HTX hạn chế di chuyển sang vùng có dịch cũng như hạn chế cho người lạ vào chuồng trại để đảm bảo vật nuôi trước tình hình dịch đang bùng phát ở nhiều nơi", bà Liên nhấn mạnh.

Lợn Móng Cái của HTX Vạn Thịnh Phát được chăn nuôi theo quy trình phòng bệnh nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lợn Móng Cái của HTX Vạn Thịnh Phát được chăn nuôi theo quy trình phòng bệnh nghiêm ngặt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát khống chế ổ dịch tả lợn Châu Phi qua Văn bản số 2080-CV/TU ngày 04/6/2024 về việc phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi lợn phải xác định công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, nhất là trong thời điểm thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch với mục tiêu khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tuyệt đối không để lây lan diện rộng trên địa bàn. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.

Tổng số đã cấp phát và sử dụng 4.770 lít hóa chất, 29 tấn vôi bột thực hiện khử trùng, vệ sinh môi trường hạn chế mầm bệnh phát sinh, lây lan tại các hộ chăn nuôi, chợ kinh doanh, khu giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý ổ dịch.

Để kiểm soát, khống chế ổ dịch, Sở NN-PTNT tiếp tục báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các xe chở gia súc, gia cầm đặc biệt các xe chở lợn lưu thông trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, trang trại “đóng kín” chuồng nuôi, kiểm soát các nguồn đầu vào có nguy cơ lây nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất từ hộ, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; không nhập con giống từ các địa phương đang có dịch; không nuôi mới, tái đàn khi chưa công bố hết dịch; không đến tham quan trang trại, không tổ chức họp trực tiếp với chủ cơ sở, người chăn nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại, khu chăn nuôi.

Theo thông tin từ Cục Thú y, đến ngày 09/6/2024, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 392 xã/148 huyện của 40 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy 17.723 con, nhiều nhất là tại các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Sơn La, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến ngày 09/6/2024, cả nước còn 199 ổ dịch/199 xã, phường/63 huyện, thị xã, thành phố/18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.