| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Ba 15/12/2020 , 08:32 (GMT+7)

Nhiều năm qua, Hậu Giang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với điển hình là xây dựng “Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” hiếm hoi ở các địa phương ĐBSCL.

Mới đây, Sở NN-PTNT có “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025” được dư luận quan tâm. Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Chí Hùng cho biết:

Nông nghiệp Hậu Giang chú trọng phát triển công nghệ cao thời gian qua đạt được những kết quả thiết thực. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được người dân quan tâm hơn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Tổ chức sản xuất đổi mới theo mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, có 1 liên hiệp HTX và 189 HTX với 4.947 thành viên, doanh thu bình quân của HTX đạt 1,1 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 42 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để nông nghiệp phát triển bền vững, chúng tôi xác định phải sản xuất hàng hóa lớn, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong các giải pháp là thực hiện “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”.

Ông Trần Chí Hùng trình bày một số nội dung cơ bản của 'Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025' tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh giữa tháng 10/2020. Ảnh: Duy Khương.

Ông Trần Chí Hùng trình bày một số nội dung cơ bản của “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025” tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh giữa tháng 10/2020. Ảnh: Duy Khương.

Đề án được xây dựng dựa trên quan điểm nào?

Thứ nhất là đổi mới về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

Thứ hai, lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng tối đa cơ hội từ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Thứ ba, huy động nguồn lực tổng thể từ ngân sách nhà nước, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Được biết, Hậu Giang nhiều năm xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả đáng chú ý. Với diện tích 5.200 ha, được quy hoạch mời gọi đầu tư lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi, nấm và chế phẩm vi sinh, cây ăn quả,… Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư canh tác. Từ kinh nghiệm này, Đề án đặt ra mục tiêu gì?

Kinh nghiệm cho chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu cụ thể cho đề án. Đó là, hỗ trợ xây dựng 15 mô hình HTX và 3 liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả. Xây dựng 1 mô hình dịch vụ cung ứng thiết bị cơ giới hóa phi lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp và 3 trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng hóa nông sản. Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ xây dựng 15 mô hình HTX và 3 liên hiệp HTX, cụ thể làm gì?

Trước tiên, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, hỗ trợ 1 cán bộ làm công tác kế toán và 1 cán bộ tham gia Ban Giám đốc của hợp tác xã.

Về kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo từng địa phương và điều kiện của HTX mang lại hiệu quả cao, bền vững.

Trong đó, chú trọng lựa chọn cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ và quy trình sản xuất an toàn; liên kết chuỗi giá trị, xây dựng, chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Về sản phẩm, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, qua đó lựa chọn những sản phẩm nông sản của HTX có chất lượng, tiềm năng phát triển và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu để xây dựng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên.

Có thực tế là ban lãnh đạo các HTX nông nghiệp hiện nay thường quen đề ra kế hoạch phấn đấu mà thiếu khả năng tính toán sản xuất để thực hiện. Đề án làm gì trong hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX?

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu, tiếp thị, quảng bá sản phẩm, quản lý tài chính của HTX. Đồng thời, để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi còn hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, kiến thức về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho lực lượng lao động tham gia các chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và nhân rộng mô hình sẽ tiến hành như thế nào?

Chúng tôi tổ chức thực hiện thí điểm và nhân rộng một số mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu như sau. Mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến nông sản, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp. Thay đổi kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với hạn, mặn, ngập úng. Chuyển giao các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích nghi tốt với điều kiện biến đổi khí hậu

Xin hỏi ông câu cuối, nguồn tài chính nào cho đề án?

Đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu có các nguồn vốn sau: Đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ có mục tiêu, ngân sách Nhà nước, tín dụng. Chú trọng kết hợp với vốn của HTX, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để triển khai thực hiện từng nội dung cụ thể, thiết thực với mục tiêu trung tâm là nâng cao đời sống người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.