| Hotline: 0983.970.780

Hậu Lộc (Thanh Hoá): Ngao chết trắng bờ biển

Thứ Hai 26/04/2010 , 10:55 (GMT+7)

Hàng trăm hecta ngao của huyện Hậu Lộc đang đứng trước nguy cơ xoá sổ. Xác ngao chết rải trắng bờ biển. Những ông chủ đầm như đứng trên đống lửa...

Hàng trăm hecta ngao của huyện Hậu Lộc đang đứng trước nguy cơ xoá sổ. Xác ngao chết rải trắng bờ biển. Những ông chủ đầm như đứng trên đống lửa vì nợ ngân hàng chất cao như núi.  

Ngao chết trắng bãi

Cơn mưa chiều nặng hạt khiến trời vùng biển Hậu Lộc thêm u ám. Từng làn gió biển mang theo mùi xú uế rất khó chịu. Từ nhiều ngày nay, cái mùi “khủng bố” thính giác này làm người nuôi ngao thêm rầu lòng.

Đứng trên kè biển mặc cho mưa sa gió táp, ông Mai Văn Tự ở thôn Hùng Thắng, xã Hải Lộc nhìn trân trân về phía lều canh ngao mà lòng quặn thắt. Ông đi liêu xiêu trên bờ biển giống như người vô hồn. Hình ảnh một ngư dân cứng rắn đã vượt qua phong ba bão táp ngày nào không còn nữa, thay vào đó là thân hình tiều tụy trước bãi triều. Điều đó càng chứng tỏ cú sốc này phải nặng lắm mới đánh ngục được một người đã thâm niên nuôi ngao cả đời như ông Tự. “Vụ ni mất sạch rồi, không thể nào cứu vãn được”, ông thở dài. Không buồn sao được khi mà 7 ha ngao của gia đình ông chuẩn bị đến thời kì thu hoạch thì lăn ra chết. 

Không riêng gì ông Tự, hàng trăm hộ nuôi ngao khác ở các xã Hải Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc cũng đứng trước nguy cơ mất trắng.  Dọc theo kè biển, vỏ ngao chất lên nhau như có người vãi ra vậy. Khi nước thuỷ triều rút đi, để lại trên mặt bãi hàng vạn, hàng triệu xác ngao trắng xoá. Có những chỗ ngao chết chất thành đống.

Cầm nắm vỏ ngao trên tay, ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản Hải Lộc xót xa: “Trên 50% lượng ngao trong đầm đã bị xoá sổ”. Ông Lợi nhẩm tính, nếu thời tiết thuận lợi, thả 1ha ngao, sau gần 2 năm, có thể thu được hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, ngao trên đầm của gia đình anh Lợi “thi nhau chết” hết lớp này đến lớp khác, thiệt hại vô cùng lớn lớn. Ngao chết nghĩa là tiền của...ném không xuống biển!

Huyện Hậu Lộc hiện có 405 ha vùng bãi ngang ven biển chuyên nuôi ngao. Năm 2005, tại vùng nuôi ngao của huyện đã xuất hiện tình trạng ngao chết hàng loạt. Năm 2009, tại khu vực này ngao chết trên diện tích khoảng 40ha. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hoá đang xác định nguyên nhân.

Theo tính toán của các hộ nuôi ngao, mỗi ha ngao (nuôi từ lúc ngao giống đến lúc thu hoạch là 18 - 20 tháng) chi phí hết khoảng 250 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền ngao giống 150 triệu đồng, còn lại là chi phí tiền thuê lao động chăn nuôi, trang thiết bị phục vụ đồng ngao...Gia đình nào chăm nuôi tốt thu được 30 tấn ngao thịt, bán với giá thị trường hiện nay được hơn 400 triệu đồng, như vậy là có lãi. Riêng năm nay nhiều diện tích ngao chết tới 70% số ngao đang kỳ thu hoạch, nên nguy cơ mất trắng, hoặc lỗ đã hiện rõ đối với hầu hết các gia đình, nhất là những hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi ngao. 

Do độ mặn nước biển tăng cao?

Sau khi tình trạng ngao chết hàng loạt được phản ánh, các hộ nuôi ngao đã mời cơ quan chức năng xác định nguyên nhân bằng cách lấy mẫu nước tại đầm. Theo kết quả phân tích, nguyên nhân ngao chết là do lâu ngày trời chưa có mưa nên độ mặn của nước biển tăng cao.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân không đồng tình về kết luận này. Theo ông Lợi và một số chủ đầm có kinh nghiệm nhiều năm, nguyên nhân chính là do nước biển bị nhiễm bẩn vì cách đây không lâu, tại xã Minh Lộc, UBND huyện Hậu Lộc đã cho phép triển khai hang loạt các trang trại nuôi lợn. Chất thải chưa được xử lý từ các trại lợn này được đổ trực tiếp ra kênh Gie, qua cửa Lạch Trường rồi ra biển. 

Trong một bài báo mới đây, NNVN đã phản ánh việc chính quyền huyện Hậu Lộc đưa ra phương án mỗi năm, 1 ha đầm nuôi ngao phải nộp cho huyện và xã 20 triệu đồng đối với đầm ngao của xã Hải Lộc, 12 triệu đồng/ha đối với hai xã Minh Lộc và Đa Lộc. Sau khi báo phát hành, UBND huyện Hậu Lộc lại điều chỉnh số tiền trên xuống còn 12 triệu đồng/ha đối với Hải Lộc và 8 triệu/ha đối với 2 xã còn lại. Tuy nhiên, so với mức 3 triệu đồng từ trước đến nay, giá trên tăng chóng mặt.

Theo lý giải của huyện Hậu Lộc, trước đây vùng bãi ngang là do người dân chiếm đất tự do, xã và huyện đứng ra thu 3 triệu đồng/ha/năm. Không biết UBND huyện dựa trên những tiêu chí nào để quyết định mức giá trên, nhưng một điều có thể nhìn thấy được, là tâm lý của những chủ đầm nuôi ngao đang rất hoang mang.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.