Tại Sơn La, những đối tượng tham gia đường dây sửa điểm cho biết, chi phí mỗi trường hợp lên đến 1 tỷ đồng. Thực trạng của Hà Giang và Hòa Bình có lẽ cũng khiến dư luận đau lòng không kém. Hệ lụy ấy, bao giờ giải quyết hết những tồn đọng bẽ bàng?
Ảnh minh họa. |
Ông Phùng Xuân Nhạ với tư cách người đứng đầu ngành Giáo dục, trả lời trước Quốc hội: "Về phía Bộ GD-ĐT, với trách nhiệm cá nhân, tôi là phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu sót trong một số công việc. Do tính chất phức tạp của vụ việc đến nay Bộ Công an đang tiếp tục quá trình điều tra và các địa phương đang trong quá trình xử lý theo trách nhiệm của mình. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Quan điểm của chúng tôi cũng là nghiêm khắc xử lý và đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân có con là học sinh, con em có dấu hiệu vi phạm được cơ quan điều tra xác minh".
Tuy nhiên, cách xử lý về tác hại “thiếu sót trong một số công việc” những lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì ông Phùng Xuân Nhạ lại không đề cập.
Với những lời khai chấn động của ông Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, thì rất nhiều nhân vật có địa vị ở địa phương này tham gia vào quá trình chi phối thay đổi điểm số kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
1 tỷ đồng cho một trường hợp gian lận, thì thật khủng khiếp. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh bày tỏ quan điểm: “Không cần nói việc có tiền nong hay không nhưng chỉ cần nói là anh làm cái việc đó là không đáng làm thầy giáo rồi. Nếu còn có tiền nong nữa thì càng không chấp nhận được. Khi anh lấy cơ hội cho con cái mình không xứng đáng là anh lấy mất cơ hội của người khác, những người xứng đáng hơn chứ.
Tôi đã nói thẳng trong cuộc họp là không ai tự nhiên gắp điểm bỏ tay con mình đâu. Nếu có thì phải nhận đi. Đây là chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí, các đồng chí hãy tự giác đi, sau này sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho các đồng chí. Còn nếu ai không nhận, sau này tìm ra chứng cứ, thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng”
Kết quả chấm thẩm định đã có đến 82 thí sinh ở ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm, thậm chí được nâng điểm lên mức thủ khoa hoặc á khoa đầu vào những trường đại học uy tín. Như vậy, 82 thí sinh khác đã bị tước đoạt cơ hội trở thành sinh viên. Làm sao giúp những thí sinh trượt oan quay lại giảng đường mơ ước của họ, đó mới là đoạn cuối mỹ mãn cho quá trình xử lý khuất tất thi cử. Thế nhưng, những người có trách nhiệm ở Bộ GD-ĐT lại không mấy hứng thú với nỗi u uất của những thí sinh bị trượt oan.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Mai Văn Trinh lý giải, việc xử lý sai phạm liên quan kết quả thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh không chỉ áp dụng bởi quy chế, mà còn căn cứ một số văn bản pháp luật khác và đề án tuyển sinh của trường đại học. Cụ thể, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học nên việc xử lý thí sinh bị hạ điểm trước hết thuộc thẩm quyền của trường. Các cơ sở giáo dục đại học có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Ví dụ, các trường thuộc khối công an đã chủ động xử lý theo quyền và trách nhiệm của họ.
Hình như các trường đại học vẫn còn bàng hoàng khi vừa nếm trải cuộc đạp cửa xông vào của những thí sinh khuất tất, nên chưa có biện pháp hữu hiệu nào. Xét tuyển lại với các thí sinh trượt oan uổng, mà cũng bế tắc phương pháp ư? Ông Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TPHCM khẳng định: “Về mặt lý thuyết, cần xét tuyển bổ sung các thí sinh bị trượt oan. Đây là những “nạn nhân” vì sự gian lận đã bị tước mất “chỗ”. Những thí sinh này thậm chí có điểm xét tuyển chỉ thấp hơn điểm chuẩn 0.01, nhưng vẫn bị trượt.
Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào cũng tuyển đúng chỉ tiêu, mà luôn có tỷ lệ vượt cho phép theo quy chế. Vì vậy, số lượng thí sinh gian lận bị đuổi, có thể vẫn không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của các trường. Chưa kể, đã gần một năm học trôi qua, nếu hạ điểm chuẩn sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, rắc rối từ trên xuống dưới!”.
Nghĩa là, mọi chuyện rất phức tạp, theo tác phong hoạt động luôn tìm kiếm sự đơn giản và sự dễ dàng của những nhà sư phạm, mặc kệ những bài giảng về sự đàng hoàng, sự sòng phẳng, sự minh bạch, sự tiến bộ vẫn nằm ngổn ngang giữa những trang giáo án dày cộm?
Cũng may, trong ngành giáo dục, cũng có những quan điểm khác. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học FPT - Lê Trường Tùng phân tích: “Trong quy chế tuyển sinh, không có điều nào cấm tuyển bổ sung các em trượt oan. Việc này chỉ phụ thuộc vào các hiệu trưởng. Còn nhập học hay không phụ thuộc vào thí sinh. Các trường có thể gửi thông báo cho thí sinh bị trượt oan rằng nếu vẫn còn mong muốn vào trường hoàn toàn có thể nhập học.
Tuy nhiên, do hiện tại đã gần kết thúc năm học nên có thể nhập học theo khoá 2019. Nếu cần thiết, trường có thể giảm bớt chỉ tiêu của năm sau. Xử lý hậu quả của việc nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, là trách nhiệm chung. Những gì các trường đại học làm được để hạn chế oan sai thì nên làm ngay".