| Hotline: 0983.970.780

Heo dự án hỗ trợ người dân vùng khó khăn chết hàng loạt

Thứ Tư 15/09/2021 , 19:14 (GMT+7)

KON TUM Hơn 800 con heo trong tổng số 905 con đã bị chết chưa rõ nguyên nhân, Dự án hỗ trợ phát triển nuôi heo địa phương ở vùng khó khăn xem như thất bại.

Năm 2020, Dự án phát triển nuôi heo địa phương được thực hiện trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) thuộc các chương trình 135 và 30A. Theo đó, UBND 4 xã Đăk Nên, Đăk Ring, Ngọc Tem và thị trấn Măng Đen là chủ đầu tư đã mua lại toàn bộ 905 con heo giống của Trung tâm Nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông. Tổng số tiền mua số heo giống này trên 3,2 tỷ đổng và cấp phát cho 337 hộ nghèo của địa phương để chăn nuôi, chăm sóc.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, heo giống cấp cho người dân đem về nuôi đã bị chết hàng loạt. Theo tìm hiểu được biết, hiện hơn 800 con heo đã bị chết không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, tại xã Đăk Ring, toàn bộ 144 con heo trong dự án đã bị “xóa sổ”.

Theo người dân, nguyên nhân có thể do heo không chịu ăn nên bị ốm rồi lăn ra chết.

Theo người dân, nguyên nhân có thể do heo không chịu ăn nên bị ốm rồi lăn ra chết.

Ghi nhận thực tế tại xã Đăk Nên, dự án nuôi heo xem như phá sản khi heo chết gần hết sau vài tháng chăn nuôi. Người dân xem như không được hưởng lợi từ dự án vốn được xem là kỳ vọng để phát triển kinh tế trong vùng khó khăn.

Ông A Luân, Trưởng thôn Đăk Tiêu (xã Đăk Nên) cho biết, năm 2020, trong thôn có 13 hộ dân được hỗ trợ 26 con heo giống đem về nuôi. Tuy nhiên, heo nuôi được vào tháng thì bị chết hết mà không rõ nguyên nhân, chỉ còn lại 2 con heo còn sống của 1 hộ gia đình.

“Tháng đầu tiên đem về nuôi, heo ăn rất khỏe nhưng càng về sau thì ăn rất ít rồi bị ốm lăn ra chết. Cũng có thể do người dân vệ sinh chuồng trại chưa được tốt dẫn đến heo bị ghẻ rồi rụng hết lông dẫn đến bị chết”, ông A Luân nói và cho biết, ngay sau khi heo chết, chúng tôi đã báo về xã nhưng không thấy có biện pháp gì xử lý.

Tương tự, theo ông Và, Trưởng thôn Đăk Pút (xã Đăk Nên) cho biết, trong thôn có 20 hộ dân được hỗ trợ cấp 40 con heo giống. Tuy nhiên, đến nay số heo giống được cấp đã bị chết hết. Theo ông Và, không chỉ thôn Đăk Pút, nhiều thôn khác trên địa bàn xã heo cũng bị chết hàng loạt, nguyên nhân có thể do dịch tả lợn Châu phi gây ra.

“Khi đem heo giống về nuôi, các hộ dân cũng đã thực hiện xây dựng chuồng trại, chăm sóc bài bản nhưng không hiểu sao heo vẫn cứ bị gầy rồi chết”, ông Và chia sẻ.

Liên quan đến việc heo bị chết hàng loạt, UBND huyện Kon Plông cho biết đã nắm được sự việc và đang tiến hành kiểm tra, thanh tra. Sau khi có kết quả, UBND huyện sẽ thông tin đến báo chí.

Theo tìm hiểu được biết, năm 2020, Trung tâm Nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông đã mua heo giống tại huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông để cung ứng cho các địa phương.

Theo ông Phan Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông, sau khi đem về trại giống chăm sóc và theo dõi 1 tháng, cũng như việc tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, thấy heo khỏe mạnh bình thường, Trung tâm mời các xã đến nghiệm thu rồi phát cho người dân.

Cũng theo ông Vinh, tại thời điểm bàn giao, mỗi con heo đã được 8 tháng tuổi và nặng trung bình 13kg. Số heo này theo kế hoạch sau khi người dân chăn nuôi khoảng 6 tháng sẽ bắt đầu sinh sản.

Liên quan đến việc heo chết hàng loạt, ông Vinh cho biết đã nắm được thông tin nhưng không biết cụ thể số lượng heo chết. Về nguyên nhân heo chết, theo ông Vinh, có thể do người dân không đủ điều kiện chăm sóc.

“Quan trọng là điều kiện chăm sóc, cũng như phải có kỹ thuật nuôi. Tuy nhiên, nhiều người dân được nhận heo đều là hộ nghèo nên không có điều kiện chăn nuôi. Nuôi heo mà không cho ăn và không có tay nuôi nên heo gầy nhom rồi chết dần. Cần phải kiểm tra xem lại heo chết vì nguyên nhân gì chứ chúng tôi đi kiểm tra thấy có một số hộ không có heo cúng nên bắt làm thịt cúng luôn.” ông Vinh cho biết.

Khi đề cập heo chết, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, ông Vinh khẳng định UBND các xã là chủ đầu tư mà không theo dõi, giám sát nên phải chịu trách nhiệm. Khi heo bị bệnh, các xã không báo qua Trung tâm để xác định nguyên nhân, tìm hướng xử lý.

Theo tìm hiểu được biết, dù chưa xác định nguyên nhân heo chết hàng loạt nhưng Trung tâm Nông nghiệp dịch vụ huyện Kon Plông vẫn tiếp tục được giao làm chủ đầu tư dự án cấp phát heo cho người dân. Theo đó, đơn vị này sẽ thực hiện 16 mô hình phát triển kinh tế với tổng trị giá 912 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm này tiếp tục cấp phát 96 con heo về cho 16 hộ dân.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.