| Hotline: 0983.970.780

Hết cảnh thiếu ăn vì biết trồng lúa nước

Thứ Sáu 22/10/2021 , 10:30 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Nhờ được đầu tư hệ thống hồ chứa, thủy lợi, bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã hết cảnh thiếu ăn nhờ trồng lúa nước.

Công trình thủy lợi giúp bà con đã biết trồng lúa nước

Xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) có 8 buôn đồng bào Ê Đê và M’Nông với 964 hộ, 4.766 khẩu. Trước đây, bà con đồng bào thiểu số chỉ quen làm lúa rẫy (lúa cạn), trồng bắp, sắn..., không mặn mà với cây lúa nước, cả xã chỉ có vài ha lúa nước. Vì canh tác theo kiểu truyền thống nên năng suất không cao.

Từ chỗ liên tục thiếu ăn, bà con ở xã Yang Mao nay đã đủ đầy lúa gạo, còn có dư để bán. Ảnh: Tùng Lâm.

Từ chỗ liên tục thiếu ăn, bà con ở xã Yang Mao nay đã đủ đầy lúa gạo, còn có dư để bán. Ảnh: Tùng Lâm.

Những năm gần đây, các buôn đồng bào thiểu số của xã Yang Mao được đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi, một số dự án hỗ trợ vốn, giống, phân bón, kỹ thuật, xây dựng mô hình nên bà con làm quen với phát triển cây lúa nước. Đến nay, diện tích cây lúa nước trong các buôn đồng bào thiểu số xã Yang Mao đã lên đến gần 200 ha.

Buôn Ea Chố (xã Yang Mao) trước đây gần như không có lúa nước. Thấy nguồn nước chảy từ suối Ea M'hưng luôn ổn định nên một số hộ trong buôn đã mạnh dạn vỡ hóa những khu đất ven suối lâu nay bỏ hoang, cỏ dại mọc để trồng lúa nước. 

Hiệu quả, dễ làm nên nhiều bà con trong buôn dần cải tạo và tận dụng những vùng đất ven suối, đất thấp để phát triển cây lúa nước. Vừa qua, buôn Ea Chố được xây dựng hệ thống kênh mương Ea M'hung, đủ nước tưới cho gần 30 ha lúa của bà con.

Từ khi hệ thống kênh mương Ea Kar, bà con Ê Đê buôn Mghí đã phát triển được hơn 26 ha lúa nước làm 2 vụ chắc ăn. Nhiều hộ trong buôn đã chủ động được lương thực, không còn phải lo chạy gạo từng bữa như trước nữa. Có hộ ruộng nhiều, được mùa thừa gạo ăn, bán bớt để mua phân bón và nhu yếu phẩm.

Nhờ công trình thủy lợi, kênh mương Ea Kar, bà con đã biết thâm canh lúa nước. Ảnh: Tùng Lâm.

Nhờ công trình thủy lợi, kênh mương Ea Kar, bà con đã biết thâm canh lúa nước. Ảnh: Tùng Lâm.

Cựu chiến binh Ama Nam là một trong những người đi đầu trong việc phát triển cây lúa nước ở buôn Mghí. Hiện gia đình ông có 5 sào ruộng làm được 2 vụ chắc ăn, mỗi vụ thu hoạch hơn 100 bao. Ama Nam chia sẻ: "Trước đây làm lúa rẫy nên phần lớn bà con trong buôn đều phải đi mua gạo ở quán. Nhờ hệ thống thủy lợi được xây dựng nên bà con trong buôn có điều kiện phát triển cây lúa nước. Hiện tại bình quân mỗi hộ có vài sào ruộng nên chủ động được nguồn lương thực".

Buôn Kiều trước đây chưa có hệ thống thủy lợi nên người dân làm ruộng phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên. Những năm hạn, thiếu nước đất lại bỏ hoang. Từ khi hệ thống thủy lợi Ea Tông được xây dựng, bà con buôn Kiều đã sử dụng 12 ha đất thấp để làm lúa nước 2 vụ.

Không chỉ đủ ăn, mà còn có bán

Do lượng nước của suối Ea Tông rất lớn nên năm 2019, hơn 20 hộ dân trong buôn góp tiền, góp công đào 2000 mét mương dẫn nước vào khu đất thấp; sữa chữa lại gần 500 mét đường đi để mở rộng và cải tạo hơn 10 ha đất trồng bắp kém hiệu quả làm lúa nước 2 vụ chắc ăn.

Hiện nay, một số gia đình có đất thấp ven suối, trồng các loại cây kém hiệu quả đang tiếp tục bỏ kinh phí thuê máy ủi chuyển đổi để làm ruộng cấy lúa.

Anh A ma Được, người dân buôn Kiều cho biết: “Gia đình có hơn 2 ha đất canh tác. Những năm trước đây gia đình chủ yếu trồng sắn, bắp lai. Những cây này bây giờ giá lại rẻ, làm không có lời nên năm nào cũng thiếu ăn.

Cách đây 3 năm, gia đình đã thuê máy cải tạo 2 sào đất thấp chuyển đổi sang trồng cây lúa nước. Vừa qua lại thuê máy san ủi 700 m2 đất trồng bắp lai để làm lúa nước hết 15 triệu đồng. Do có hệ thống thủy lợi Ea Tông ngay bên cạnh, không bao giờ hết nước nên làm được 2 vụ chắc ăn. Không những đủ ăn mà còn thừa lúa để bán”.

Những chiếc máy cày đã về buôn làng ở xã Yang Mao, giúp bà con không còn phải lao động tay chân. Ảnh: Tùng Lâm.

Những chiếc máy cày đã về buôn làng ở xã Yang Mao, giúp bà con không còn phải lao động tay chân. Ảnh: Tùng Lâm.

Buôn Tul có 96 hộ đồng bào M’nông nhưng có diện tích lúa nước nhiều nhất với gần 40 ha. Trước đây bà con trong buôn chủ yếu trồng lúa đồi; diện tích đất bằng ven suối chỉ trồng các loại đậu, bắp hoặc bỏ hoang.

Nhờ lợi thế 2 dòng suối đầu nguồn là suối Ea Sai và suối Ea M’hắt quanh năm không cạn và được địa phương đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước đến tận những cánh đồng nên mấy năm gần đây, bà con ở đây đã tận dụng những phần đất bỏ hoang; cải tạo, chuyển đổi những diện tích đất thấp trồng các loại cây kém hiệu quả mở rộng hàng chục ha lúa nước.

Hầu hết các hộ dân trong buôn Tul đều có ruộng nước. Nhiều gia đình trong buôn đã dùng tiền bán lúa để đầu tư mua máy công nông để làm đất, vận chuyển nông sản; tận dụng rơm để chăn nuôi trâu bò.

Gia đình anh Ama Lét cải tạo được 5 sào đất trồng lúa nước, mỗi năm làm 2 vụ, thu về khoảng hơn 3 tấn lúa khô mỗi vụ. Ama Lét cho biết: "Trước đây chưa làm ruộng thì hay thiếu ăn. Bây giờ ngoài có đủ gạo ăn phục vụ cho gia đình hàng ngày thì hàng năm gia đình mình còn tiết kiệm tiền bán lúa, bán sắn, bán bắp mua được xe công nông phục vụ sản xuất và mua sắm một số đồ dùng trong gia đình".

Là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 72%, trong khi chưa tìm ra cây trồng phù hợp để chuyển đổi thì việc phát triển cây lúa nước trong các buôn đồng bào thiểu số đang được lãnh đạo xã Yang Mao hết sức quan tâm.

Ông Trần Kim Phụng, Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: Lãnh đạo xã Yang Mao đang khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích đất thấp, trồng các loại cây không hiệu quả sang làm cây lúa nước ở những nơi chủ động được nguồn nước.

Hệ thống thủy lợi của xã Yang Mao hiện nay đủ cung cấp nước tưới cho khoảng 160 ha diện tích lúa 2 vụ chắc ăn. Số diện tích còn lại phụ thuộc vào các nhánh suối nhỏ hoặc nước tự nhiên. Năm nào hạn nặng chỉ làm được 1 vụ.

Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đề xuất với cấp trên hỗ trợ vốn từ các dự án, xây dựng thêm một số kênh mương nội đồng ở các thôn, buôn, để bà con chủ động nguồn nước tưới, làm được 2 vụ chắc ăn...

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.