| Hotline: 0983.970.780

Hết hạn cấp phép vẫn vô tư xả thải

Thứ Sáu 25/01/2019 , 13:30 (GMT+7)

Mặc dù đã hết thời hạn được cấp phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi từ tháng 8/2018, nhưng đến nay, Cty CP tập đoàn Hanaka Bắc Ninh vẫn hoạt động một cách vô tư. 

Thậm chí, sau nhiều năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp vẫn đang loay hoay xây dựng khu xử lý nước thải tập trung.

15-26-44_1
Kiểm tra đột xuất và lấy mẫu xả thải tại Cty CP tập đoàn Hanaka Bắc Ninh

Ngày 24/1, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Đuống trên địa bàn TX Từ Sơn (Bắc Ninh). Phối hợp kiểm tra có đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an).

Đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất khu vực xả thải của Cty CP tập đoàn Hanaka, trụ sở tại phường Đồng Nguyên, TX Từ Sơn. Tại đây, đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước thải để phân tích. Đại diện cán bộ môi trường của Hanaka có mặt, ký nhận niêm phong mẫu nước. Cty CP tập đoàn Hanaka được biết đến là khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh, diện tích 74ha, đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 2/2007. Người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp là ông Mẫn Ngọc Anh, Tổng giám đốc (SN 1971).

Ngày 24/1, ông Mẫn Hồng Cẩn, Phó Tổng giám đốc và ông Hoàng Văn Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn đại diện cho tập đoàn làm việc với đoàn kiểm tra. Theo ông Cẩn, khu công nghiệp hiện chia làm 2 cơ sở sản xuất. Một cơ sở sản xuất dây cáp điện, đồ gỗ mỹ nghệ, lưu lượng xả thải hiện khoảng 50m3/ngày đêm. Cơ sở thứ hai chuyên sản xuất vỏ lon bia, bao bì với lưu lượng xả thải 180m3/ngày đêm.

15-26-44_2
Cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường lấy mẫu xả thải

Tại buổi làm việc, phía tập đoàn Hanaka đã cung cấp cho đoàn công tác nhiều hồ sơ, giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Theo đó, ngày 29/7/2013, DN này được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép được xả nước thải sinh hoạt và công nghiệp vào bờ hữu kênh T4, hệ thống thủy lợi Bắc Đuống, thời hạn 5 năm.

Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu DN xử lý nước thải đạt quy chuẩn cột A theo quy định của Bộ TN-MT. Người ký quyết định là ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh).

Qua kiểm tra hồ sơ và hiện trường thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện hai lỗi vi phạm nghiêm trọng của Hanaka. Một là giấy phép xả thải vào hệ thống thủy lợi đã hết hạn từ tháng 8/2018 nhưng DN chưa có động thái gia hạn, vẫn vô tư hoạt động. Thứ hai, tới nay DN vẫn chưa có trạm xử lý nước thải tập trung theo quy định.

Ông Tạ Đình Tiến, Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, theo Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018, các DN muốn xả thải ra các hệ thống thủy lợi do Bộ NN-PTNT quản lý thì phải xin giấy phép của Bộ. Đơn vị được Bộ NN-PTNT giao cấp phép và quản lý trực tiếp là Tổng cục Thủy lợi. Ông Tiến khẳng định, thực tế kiểm tra cho thấy, Cty CP tập đoàn Hanaka đã và đang hoạt động xả thải không phép và chưa hề có động thái gia hạn giấy phép.

15-26-44_4
Giấy phép xả thải của DN này đã hết hạn nhiều tháng

Giải thích về việc này, ông Mẫn Hồng Cẩn cho biết, DN chưa hề nắm được quy định cấp phép xả thải theo Luật Thủy lợi. Về việc chậm trễ xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, theo ông Cẩn, nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ. Tháng 8/2018, DN này mới chuẩn bị được mặt bằng, xây dựng trạm xử lý nước thải trên diện tích 2.700m2. Dự kiến, ngày 30/4/2019 tới đây sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Đại diện DN, ông Cẩn thừa nhận những hành vi vi phạm, ký nhận biên bản, đồng thời cam kết sẽ có ngay văn bản xin cấp phép gia hạn xả thải gửi Bộ NN-PTNT. Trong khi đó, trao đổi với Báo NNVN, đại diện đoàn kiểm tra khẳng định, tới đây sẽ tiếp tục mời đại diện DN lên làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.