| Hotline: 0983.970.780

Làn gió mới một vùng biên

Hết thời 'phó mặc cho trời'

Thứ Sáu 28/10/2022 , 06:00 (GMT+7)

Cuộc sống của đồng bào thiểu số S’tiêng ở vùng biên giới Bình Phước bao đời nay vốn chìm trong lạc hậu, bệnh tật, đói nghèo. Nhưng quá khứ đó qua đã lâu.

Người S’tiêng ở Lộc Ninh đã thay đổi tư duy, năng động và siêng năng, chịu học hỏi, dám làm. Vì thế, rất nhiều hộ làm ăn giỏi, đời sống ngày một đi lên.

Cơ giới hóa sản xuất

Xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh có gần 1.500 hộ, hơn môt nửa số này là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào S’tiêng. Lâu nay, phần lớn các hộ đồng bào làm kinh tế chăn nuôi là chính. Các loại gia súc, gia cầm như trâu,bò, heo, gà là những vật nuôi chủ lực. Đây là những loài vật nuôi gắn bó lâu đời với đồng bào bởi chúng “dễ chịu”, dễ nuôi và không yêu cầu cao về kỹ thuật chăm sóc.

Già làng Điểu Vem là người đầu tiên

Già làng Điểu Vem là người đầu tiên "rước" chiếc máy này về trước sự ngạc nhiên của bà con trong thôn. Ảnh: Phúc Lập.

Bài liên quan

Nhưng bây giờ, đồng bào thiểu số không chỉ trông vào vài chục gốc điều, vài con bò, heo, chăm sóc theo kiểu tự nhiên như xưa nữa, mà đã biết áp dụng quy trình kỹ thuật, chăm sóc bài bản.

Rất nhiều hộ đã đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cho thu nhập cao gấp hàng chục lần trước kia. Chỉ cần đi vào các thôn xóm, dễ dàng thấy hình ảnh những chiếc máy cày, máy kéo, xe chở hàng, đậu trong vườn, bên hông nhà.

Dẫn tôi đến nhà già làng Điểu Vem, 60 tuổi, ở ấp 8B, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, cho biết: “Chú Điểu Vem là một trong những người làm kinh tế giỏi nhất xã, tiên phong áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng. Cách đây gần chục năm, chú đã sắm máy cày, trồng lúa theo quy trình”.

Ngay bên hông ngôi nhà xây khá khang trang của già làng Điểu Vem là một chiếc xe cơ giới đa năng (cày, làm đất, gặt). Ông Điểu Vem là người đầu tiên ở Lộc Hòa sắm chiếc xe máy đa năng này. “Giờ nhiều người trong làng có chiếc máy này rồi”, già làng Điểu Vem nói. “Lúc mới mua chú có biết dùng không?”, tôi hỏi. “Chưa. Nhờ cán bộ chỉ thôi, mất mấy ngày là biết dùng”, ông cười, đáp.

IMG_0653

Điểu Vức là người thứ 2 ở ấp 8B, Lộc Hòa sắm "con ngựa sắt" này về làm ruộng. Ảnh: Phúc Lập.

Nhờ có sức khỏe tốt, nên sau khi sử dụng thành thạo, một mình ông quán xuyến hết việc ngoài ruộng, từ làm đất đến thu hoạch. Cày hết ruộng nhà mình, ông cày giúp bà con. Toàn bộ các khâu trong sản xuất đều được “cơ giới hóa”, từ phun thuốc, bón phân, cắt cỏ, thu hoạch, vận chuyển nông sản.

“Từ nhiều năm nay, ông Điểu Vem vừa là nông dân sản xuất giỏi, vừa là tấm gương sáng, đi tiên phong trong mọi việc làng xóm. Được người dân rất quý trọng, có chuyện gì cũng đến hỏi, nhà nào có mâu thuẫn gia đình, ông đứng ra hòa giải. Trong làm ăn, ông cũng là người rất giỏi, giúp đỡ nhiều gia đình thoát nghèo”, ông Nguyễn Xuân Cường, nói.

Ngoài hơn 3ha đất lúa, điều, cao su, ông Điểu Vem còn có đàn bò lên đến hơn 3 chục con. Sau khi thu hoạch lúa, ông lùa đàn bò ra nhốt ngay tại ruộng để chúng ăn cỏ, rơm, rạ. Đến khi vào vụ lúa mới ông mới đưa chúng về chuồng. “Thả chúng ra đó cũng giảm được thức ăn, lại không phải đi chăn thả. Chúng ăn rồi thải ngay ra ruộng, khi cấy lúa đỡ tốn phân, lại không phải đi hốt”, ông Điểu Vem nói.

Cách nhà già làng Điểu Vem không xa là nhà anh Điểu Vức, 38 tuổi, cũng là một nông dân S’tiêng sản xuất giỏi với mô hình kinh tế tổng hợp. Điểu Vức cũng noi gương già làng Điểu Vem, đưa cơ giới vào sản xuất và rất thành công, được nhiều người ngưỡng mộ.

DSC01201

Chị Thị Xuân, vợ anh Điểu Vức, cũng là người làm ăn giỏi, và chẳng thua đàn ông khi cầm lái chiếc xe này chở mọi thứ nông sản thu hoạch về nhà. Ảnh: Phúc Lập.

Gia đình anh Điểu Vức có 4,3ha đất, trong đó 1,5ha cao su đang cho thu hoạch, 2ha trồng lúa nước, 6 sào tiêu, chuồng dê hơn 50 con. Điểu Vức cho biết, anh còn đàn trâu, bò hơn chục con nữa, đang đi chăn thả. Tương tự già làng Điểu Vem, Điểu Vức mua sắm đầy đủ các thiết bị phục vụ sản xuất gồm máy cày, máy cuốn rơm, máy xịt thuốc, chế biến thức ăn, phát cỏ, tuốt, xay tiêu, xe ba gác… Không chỉ anh, mà cả vợ anh đều sử dụng được các thiết bị này. Từ nhiều năm nay, gia đình Điểu Vức thu nhập đều đều mỗi năm cả tỷ đồng.

Mặc dù mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình Điểu Vức có diện tích không phải ít, nhưng 2 vợ chồng anh vẫn còn thời gian nhàn rỗi nên nhận cạo mủ thuê cho 4ha cao su. “Đó là nhờ mình đầu tư máy móc. Nó làm nhanh hơn, còn mình thì đỡ mất sức, nên vẫn đi làm thêm được”, Điểu Vức cười, nói.

Chăn nuôi cũng khởi sắc

Anh Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết, xã có hơn 1.300 con trâu và hơn 1.100 con bò, phần lớn của đồng bào S’tiêng, Khmer. “Nuôi trâu, bò không mất nhiều công, chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi. Bò ít bệnh, sinh sản nhanh, giá ổn định. Một con bê lai Sind 1 năm tuổi giá từ 20 - 25 triệu đồng. Nếu có đàn bò 5 con sinh sản thì chỉ cần 1 người chăm sóc là đủ, sau 1 năm có thể kiếm hơn trăm triệu. Bây giờ bà con có ý thức tự giác trong chuyện làm ăn kinh tế rồi chứ không còn kiểu trông chờ vào sự chăm lo của nhà nước như trước nữa đâu. Vì thế, không còn hình ảnh nhếch nhác thiếu thốn như xưa. Chưa kể là số hộ khá, giàu ngày càng nhiều, song song với số hộ nghèo giảm dần. Nhiều hộ đồng bào S’tiêng có thu nhập ổn định hàng năm hơn 500 triệu đồng”, ông Ngọc nói.

Nhờ chịu khó học hỏi, siêng năng, áp dụng công nghệ, cơ giới vào sản xuất, gia đình già làng Điểu Vem sớm trở thành người giàu nhất ở Lộc Hòa. Ảnh: Phúc Lập. 

Nhờ chịu khó học hỏi, siêng năng, biết áp dụng công nghệ, cơ giới vào sản xuất, gia đình già làng Điểu Vem sớm trở thành một trong những người S'tiêng có "của ăn của để" ở Lộc Hòa. Ảnh: Phúc Lập. 

Theo chân anh Ngọc đến thăm gia đình anh Điểu Tuấn, 35 tuổi, ở ấp 8, một trong những nông dân S’tiêng vươn lên thoát nghèo nhờ siêng năng, chịu khó, dù gia đình anh chỉ có hơn 2 sào đất trồng điều năng suất thấp, thu nhập khá bấp bênh. “Còn thua người ta nhiều lắm, lên báo họ cười cho”, Điểu Tuấn e ngại, né tránh khi thấy tôi giơ máy ảnh lên.

Khi tôi hỏi chuyện thoát nghèo, anh lại ngập ngừng lúc lâu mới nói: “Trước giờ cả nhà 4 miệng ăn chỉ có vườn điều nhỏ thôi, nuôi thêm mấy con gà, vịt, lợn nữa. 2 vợ chồng còn khỏe nên hết việc nhà lại đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Nhưng mà vẫn khổ lắm. Mấy năm trước, cán bộ xã vào bảo xã hỗ trợ vốn mua dê giống về nuôi, rồi hỏi có đồng ý không. Đồng ý liền chớ, nuôi dê cũng dễ mà. Rồi cán bộ cũng chỉ thêm cách nuôi sinh sản nữa. Lúc đầu có mấy cặp thôi, giờ cũng được 4 chục con rồi. Mỗi năm cũng bán được 15 con. Giờ hết nghèo rồi”.

Ngoài đàn dê, hiện Điểu Tuấn còn có 5 con bò nuôi thả. Trong đó 3 con bò cái chuẩn bị sinh. “Sang năm giờ này có 3 con bê 1 tuổi bán rồi, nhưng 2 con bán cho người bà con, họ khó khăn nên xin trả tiền chậm. Trước nhiều người giúp mình rồi, giờ mình cũng đi giúp lại”, Điểu Tuấn cười, cho biết.

DSC01159

Vườn điều của gia đình anh Điểu Tuấn được đánh giá là đẹp nhất, năng suất cao nhất ấp 8B nhờ chăm sóc đúng quy trình theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Ngọc cho biết, do mặt bằng dân trí ở vùng đồng bào chưa cao, nên để các gia đình đồng bào thiểu số có thu nhập khá, cuộc sống ổn định như gia đình Điểu Tuấn, là thành công. “Tương lai sẽ có thêm nhiều hộ khác khá lên. Vì bây giờ phong trào làm kinh tế hiện đại đang phát triển khá”, anh Ngọc nói.

DSC0369

Ở Lộc Hòa, Điểu Tuấn là một trong những người siêng năng, chịu khó học hỏi, nhờ vậy mà kinh tế gia dình đang dần khá lên. Ảnh: Phúc Lập.

Ở Lộc Hòa, có anh Điểu Ngân, năm nay 48 tuổi, ở bên ấp 8B, là người chăn nuôi, làm kinh tế giỏi nhất, nhì huyện. Cách đây hơn 20 năm, anh này đã đưa giống bò lai Sind về nuôi rồi. Sau mấy năm, anh này đã xây căn nhà 2 tầng to nhất xã. Ngoài nuôi bò, anh còn nuôi dê, gà thả vườn, trồng tiêu. Bình quân thu nhập của gia đình Điểu Ngân khoảng 2 tỷ đồng/năm. Đến nay, hộ anh Điểu Ngân được coi là một trong số ít gia đình đồng bào làm ăn giỏi nhất và giàu nhất Lộc Ninh. Hiện đàn bò của gia đình anh Ngân lên đến hơn 100 con và đàn dê 30 con. Ngoài ra còn có 15ha đất trồng lúa, tiêu, cao su. Điểu Ngân cũng là người tiên phong áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, như máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy cấy, chế biến thức ăn cho vật nuôi.

Anh Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa.

“Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chuyển giao KH-KT vào sản xuất nên nhận thức của bà con đã nâng lên rất nhiều. Nếu như trước đây bà con chỉ sử dụng 1 giống lúa trồng từ năm này qua năm khác, thì nay đã biết đưa các giống lúa mới chất lượng, năng suất cao vào trồng như Đài Thơm, 4900. Ngoài ra, nhiều người biết đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên vừa giảm công lao động, vừa cho năng suất cao hơn. Trước người dân chỉ cấy 1 - 2 vụ lúa/năm thì nay tăng lên 2 - 3 vụ”, anh Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.