| Hotline: 0983.970.780

Làn gió mới một vùng biên

Chuyện về cặp vợ chồng 'cha mẹ đặt đâu con ngồi đó'

Thứ Năm 27/10/2022 , 06:00 (GMT+7)

Đến ngày cưới cả 2 mới biết mặt nhau, nhưng họ vẫn vun đắp tổ ấm thành một gia đình hạnh phúc tiêu biểu, và từ 2 bàn tay trắng, kinh tế dần khấm khá.

Đó là vợ chồng anh Điểu Té và chị Ngô Thanh Nguyệt, ở Sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Ngày cưới mới biết mặt nhau

Trong chuyến công tác về xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, khi nghe tôi hỏi về gương nông dân là đồng bào thiểu số vượt khó, làm kinh tế giỏi, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội nông dân xã, nói: “Nhiều lắm. Giờ đồng bào không chỉ chịu khó, mà còn biết học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nên hiệu quả kinh tế rất cao. Trong số này, có gia đình anh Điểu Té, không chỉ chịu khó làm ăn, mà còn là một trong những gia đình hạnh phúc tiêu biểu của xã. Đặc biệt ở chỗ, trước khi về chung nhà, họ chưa từng một lần gặp mặt, làm quen”.

Quả là thú vị! Nghĩ thế, nên tôi “ưu tiên” gặp nhân vật này đầu tiên trong chuyến đi.

Ngôi nhà xây kiên cố, khang trang của cặp vợ chồng Điểu Té - Ngô Thanh Nguyệt là kết quả sau hơn chục năm về chung sống. Thời điểm lấy nhau, gia tài của cả 2 chỉ có sức trẻ và tính cần cù chịu khó, vì gia đình cả 2 bên đều không khá giả gì. Ngoài cơ ngơi tạo lập, cả 2 còn có “gia tài” lớn khác, đó là 2 cô con gái 8 và 6 tuổi.

Gia đình hạnh phúc của Điểu Té.

Gia đình hạnh phúc của Điểu Té - Ngô Thanh Nguyệt.

“Năm nay em 34 tuổi, vợ thì mới 28 thôi. Lấy vợ 12 năm rồi. Hồi đó là năm 2010, cha sang chơi nhà bà con bên xã Đoàn Kết (huyện Bù Đăng - PV), cha tình cờ gặp vợ em, thấy ưng mắt, nên hỏi thăm nhà, gặp cha mẹ cô ấy tìm hiểu. 2 bên nói chuyện thấy hợp nên nhận sui gia với nhau chứ chẳng nói gì với em hết. Sau đó cha mẹ 2 bên gặp nhau thêm 2 lần nữa là tổ chức cưới, cũng chẳng cho vợ chồng em gặp nhau lần nào. Lúc đó, cả em và vợ đều không đứa nào biết tình yêu là gì. Chỉ biết là khi về với nhau thì là vợ chồng, sinh con đẻ cái như cha mẹ mình, sống với nhau suốt đời, nên phải có trách nhiệm, chăm lo cho nhau, vậy thôi”, Điểu Té tủm tỉm cười, kể lại chuyện cũ.

Tôi quay sang hỏi chị Ngô Thanh Nguyệt, vợ anh Điểu Té: “Chưa từng gặp mặt, chưa nói chuyện lần nào mà đồng ý lấy, sao chị “liều” vậy?”. Chị Nguyệt cười ngượng: “Lúc đó em còn bé, biết gì đâu. Mà thấy cha mẹ anh ấy hiền lành, dễ gần, nên nghĩ chắc anh ấy cũng vậy. Chắc cũng do duyên số nữa. May mắn là em gặp được người chồng hiền lành, thương vợ con, chịu khó làm ăn”.

Trò chuyện với Điểu Té, tôi mới biết thêm một nét văn hóa của người S’tiêng trong lễ cưới. “Vợ em người Kinh, nhưng lễ cưới theo phong tục S’tiêng. Đầu tiên là đãi tiệc bên nhà gái, nhà trai chuẩn bị 1 con trâu, 3 con heo, rượu cần rất nhiều, mang đến nhà gái để đãi họ hàng, người thân, làng xóm. Mỗi khách khi ra về còn được tặng một xâu thịt thịt làm quà. Sau đó làm tiệc bên nhà trai cũng giống như bên nhà gái, nhưng có thêm nghi thức cúng tạ trời đất, thần linh. Còn bên nhà gái chỉ làm lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên thôi”.

z3464492702665_b201713644c71286b98983a0e0f46449

Từ 2 bàn tay trắng, nay vợ chồng Điểu Té đã có cơ ngơi kha khá. Quan trọng hơn cả là có một gia đình hạnh phúc.

Rồi những tháng năm chung sống sau đó, Điểu Té càng yêu thương vợ hơn, vì thấy cô ấy không chỉ đẹp người mà còn tốt nết. “Bà xã ít nói nhưng làm việc giỏi lắm. Việc gì cũng làm, cái gì không biết thì mình chỉ, từ chuyện tình cảm đến công việc hàng ngày, giờ cái gì cũng biết, cũng giỏi hết rồi”, Điểu Té vừa nói vừa cười. Trong khi đó, chị Nguyệt ngồi bên cạnh, cũng chẳng nói gì, chỉ tủm tỉm cười và… lườm chồng.

Trong lúc nói chuyện, Điểu Té còn vui miệng “bật mí” rằng anh “vi phạm” luật hôn nhân khi lấy vợ lúc cô ấy mới 16 tuổi. “Lúc đó mình còn trẻ mà, biết gì đâu. Vợ còn nhỏ hơn. Cha mẹ hai bên sắp xếp sao thì mình nghe theo vậy thôi. Nhưng lần đầu gặp vợ mình mê ngay, vì vợ xinh lắm, nhìn lại hiền nữa. Sau này về ở quen rồi, cô ấy bảo 16 tuổi, mình biết vi phạm luật đấy. Nhưng cưới xong rồi, mà mình cũng thích cô ấy, nên phải giấu thôi”, Điểu Té cười, kể.

Ông Nguyễn Văn Đông, một cán bộ về hưu sinh sống ở TP Đồng Xoài, Bình Phước, nghe tôi kể chuyện vợ chồng Điểu Té, ông nói: “Đúng là con người đơn giản, suy nghĩ đơn giản. Dù lấy nhau chẳng có gì, từ tài sản đến kiến thức, thậm chí chẳng tìm hiểu, yêu đương gì, nhưng vẫn hạnh phúc, và rồi cũng có mọi thứ. Có thể nói, nếu có tấm lòng nhân hậu, có ý chí vươn lên, thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, tìm được hạnh phúc. Vợ chồng anh chàng Điểu Té này là minh chứng cho triết lý "cho yêu thương để nhận yêu thương”.

z3464492746992_83f2b6b6e48e5a4b702fd3b053327f38

Điểu Té cho biết: "Gà mình nuôi thả, ăn thêm thóc, ngô, cơm nguội chứ không ăn cám công nghiệp nên thịt rất ngon. Khách tham quan họ ăn khen ngon. Minh cũng có thể nấu nhiều món khác nếu khách yêu cầu". 

Chịu thương chịu khó, cái gì cũng sẽ có

Vợ chồng Điểu Té đều mới học xong cấp 1, và lúc mới về chung một nhà, cả hai chung nhiều cái “chưa”: Chưa biết gì về nhau, chưa có kinh nghiệm sống, chưa giỏi làm ăn, và chưa có tài sản gì trong tay. Còn bây giờ, sau 12 năm chung sống, tất cả những cái chưa có đó, đều đã có.

“Lúc ra riêng được cha mẹ cất cho một căn nhà nhỏ chung trong miếng đất của gia đình để ở, rồi cho thêm ít đất sản xuất, ngoài ra không còn gì. Em thương vợ ngay từ lần đầu gặp, cũng là ngày cưới đó, nên chăm chỉ làm việc. Vợ thấy vậy cũng thương em, rồi việc gì cũng cùng làm. Thế là vợ chồng thương nhau nhiều hơn, khó khăn nào cũng qua hết”.

Năm 2016, gia đình Điểu Té được Ban quản lý Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo chọn vào ở trong một căn nhà xây kiên cố trong Khu bảo tồn để duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng. Sở dĩ gia đình Điểu Té được chọn vì ngoài tính cần cù chịu khó, chí thú làm ăn, Điểu Té còn có nghề truyền thống là làm rượu cần S’tiêng.

z3464492617220_e61ecfe952121ed1389bc6c33ffab9e7

Điểu Té không chỉ làm ăn giỏi mà còn nắm bí quyết làm rượu cần truyền thống S'tiêng rất ngon. 

“Rượu cần của người S’tiêng Bình Phước là rượu truyền thống đã có từ rất lâu đời. Theo cha kể lại, rượu cần của người S’tiêng do thần Lé Lon (thần rừng, chuyên bảo vệ người S’tiêng đi rừng - PV) chỉ cho người dân làm, để giúp người dân sống vui vẻ hơn, con người yêu thương nhau hơn và mừng cho những vụ mùa bội thu. Rượu cần là sợi dây kết nối con người với các vị thần linh trong các buổi cúng tế, lễ hội”, Điểu Té nói với vẻ mặt tự hào.

Nói về bí quyết làm rượu cần, Điểu Té khoe tiếp: “Toàn bộ quy trình làm ra loại rượu này đều là bí quyết được cha ông gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác. Em nghe mẹ kể, gia đình em là một trong những nhà làm rượu cần truyền thống nổi tiếng của đồng bào S’tiêng. Từ bé em đã thuộc hết cách làm rượu, với mấy chục loại lá, vỏ cây rừng làm men, công thức trộn, ủ… Công thức làm rượu cần không phải ai cũng biết, mà biết rồi chưa chắc làm rượu đã ngon vì phải có kinh nghiệm, và phải dành hết tâm trí, tình cảm vào mỗi mẻ rượu, như vậy rượu mới ngon được. Những người không tốt thì không thể làm rượu cần ngon được đâu”.

Rượu cần của đồng bào S'tiêng Bình Phước đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là

Rượu cần của đồng bào S'tiêng Bình Phước đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia". Điểu Té vinh dự là một trong những thành viên góp phần duy trì, phát triển sản phẩm của cha ông.

Hiện nay, ngoài phát huy nghề truyền thống làm rượu cần, vợ chồng Điểu Té còn có 1,8ha đất canh tác, trồng các loại rau rừng như đọt mây, lá nhíp, điều, cà phê, tiêu, chăn nuôi gà thả vườn, heo rừng sinh sản bán giống. Khi có khách đến tham quan khu bảo tồn Sóc Bom Bo, anh có thể làm hướng dẫn viên, sau đó nấu các món ăn truyền thống của người S’tiêng theo yêu cầu của khách.

“Làm nhiều vậy chắc mỗi năm vợ chồng Điểu Té thu vài trăm triệu”, tôi ướm hỏi. Anh cười khiêm tốn: “Không được đâu”. Tôi hỏi tiếp: “Thế vợ đã bao giờ giận nhau chưa?”. Điểu Té lại cười: “Có chứ. Thỉnh thoảng cũng cãi nhau chứ. Nhưng chỉ cãi nhẹ, giận ít thôi. Thấy vợ buồn là mình hết buồn, làm hòa vợ ngay”.

“Vợ chồng anh Điểu Té là gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở sóc Bom Bo. Ngoài ra, vợ chồng anh chị còn tích cực tham gia gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc S’tiêng, tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan các hoạt động do Ban quản lý Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo khởi xướng”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng, Phó Ban quản lý Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.