Đó là không đảm bảo vấn đề ATVSTP: nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và đủ thứ bệnh khác mà những món ăn nhanh ấy mang vào cơ thể con người.
Những "nhà hàng di động"
Vào mỗi buổi sáng, dạo một vòng vài con đường ở TP.HCM, có thể đếm được vài trăm xe đẩy bán đủ loại đồ ăn. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm tiệm ăn cố định, quán ăn “di động không xe”, sát cánh bên nhau. Người tiêu dùng đủ thành phần, người lao động bình dân, sinh viên học sinh, công nhân…
Rất nhiều “quán ăn di động” như thế này trên khắp mọi nẻo đường TP.HCM |
Ghé vào khuvực trước cổng một công ty may trên QL13. P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM, lúc 6 giờ 30 sáng, tôi hấy có hàng chục công nhân đang xúm xít vào các xe hàng mua đồ ăn sáng. Nhiều nhất là các loại xôi, khoai lang, khoai mì, bánh mì, cơm. Tất cả đều bày “lộ thiên”, không tủ kính, không che chắn. Còn người bán bàn tay trần cáu bẩn, nhận tiền người trước xong lại vô tư bốc đồ ăn bán cho người sau.
“Chị dùng tay không cầm tiền giấy, xong lại bốc đồ ăn thế, nhìn… ghê quá”. Hơn 7 giờ, khi không còn khách mua, tôi lân la lại gần một sạp đồ ăn, hỏi người bán. Chị thản nhiên: “Các xe đồ ăn này tôi nuôi 2 đứa con học lên tới đại học rồi, tính ra hơn chục năm chứ không ít, nhưng chưa có ai bị gì cả”.
Hơn 11 giờ trưa, tôi ghé vào khu vực cổng một trường THCS trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, thấy một nhóm học sinh tan trường, trong lúc đợi phụ huynh đến đón, đã xúm xít quanh một xe đẩy bán đồ ăn đậu cách cổng trường vài chục mét. Quanh chiếc xe với nồi nước lèo đang nghi ngút khói bên trên, những đứa trẻ đứa đứng đứa ngồi bệt xuống vỉa hè đang cắm cúi ăn tô mì nóng hổi. Nhìn chúng ăn, chắc không ít người… nuốt nước miếng vì thấy quá ngon miệng. Chỉ trong vài phút, tụi nhỏ đã làm sạch loáng tô mì, sạch cả nước. Chúng ăn xong, lại chuyền tay nhau chiếc ly nhựa cũ mèm thọc vào chiếc xô nhựa đựng trà đá làm một hơi ly trà đá. Uống xong ly trà, chúng nhìn nhau cười, nét mặt rất thoả mãn!
Sau khi đón những chiếc tô không tụi nhỏ đưa, người bán thả vào chiếc vỏ thùng sơn nước loại 20kg, đặt trong lòng chiếc xe đẩy. Nhìn thấy vậy, tôi cứ đinh ninh là số tô bẩn này sẽ được mang về nhà rửa sau khi bán hết, nhưng không phải. Một đứa trẻ khác, có vẻ là con của bà chủ xe đẩy, bắt đầu rửa tô…Tôi không lại sát gần để xem xô nước rửa kia có màu gì, trong hay đục, chỉ thấy cô bé đưa tay vào xô, ngoắng sơ sơ rồi lấy tô ra, dùng một nùi giẻ lau phía trên xe đẩy, lau khô bên trong, bên ngoài tô, sau đó úp vào chiếc chậu nhựa sát bên xô nước rửa.
Xe bán hàng rong tận dụng mấy bô rác làm chỗ để vật dụng và tiện thể chứa chất thải, thức ăn thừa. (Ảnh: Minh Đức) |
Tiến lại gần một đứa trẻ vừa ăn xong, tôi hỏi: “Ăn vậy con không sợ đồ ăn không đảm bảo vệ sinh à?”. Cậu bé đáp: “Tụi con ăn hoài, có sao đâu. Mì ngon lắm chú ơi, lại rẻ, có 10 ngàn hà”. Tôi hỏi tiếp: “Có khi nào bị đau bụng, tiêu chảy chưa?”, cậu bé ngập ngừng: “Dạ, cũng có. Mà đau bụng chắc tại uống nước đá”.
Tương tự, trước cổng một ngôi trường THPT khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, một dãy hàng ăn bán thập cẩm đủ món, từ phá lấu, bột chiên, bò bía đến các loại nước giải khát và trái cây ướp lạnh. Và từ người bán đến khách ăn, hình như chẳng ai để ý đến tiêu chí “sạch”. Thức ăn thừa trong tô sau khi được trút xuống miệng cống sát bên, được rửa ngay bên cạnh.
Nguy cơ nhiễm đủ thứ
Có thể nói, hầu hết các cổng trường học, bệnh viện tại TP.HCM đều có vài chục đến cả trăm điểm cố định và di động bán đồ ăn, hàng rong. Vì buôn bán ngoài đường, vỉa hè không bảo đảm vệ sinh do thiếu nước rửa, lại thường xuyên hứng nắng, bụi nên ngoài nguy cơ ngộ độc cũng không loại trừ nhiễm KST do thức ăn chưa đủ chín; khuẩn, tả sinh sôi. Trước cỗng BV Hùng Vương, đường Triệu Quang Phục, Q.5, nơi từng xảy ra vụ nhiều học sinh bị tiêu chảy cấp, rất nhiều học sinh tranh thủ ăn.
Nói về ATVSTP các quán ăn di động, quán ăn đường phố, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng Chi Cục ATVSTP TP.HCM cho biết, kết quả nghiên cứu của bộ môn Ký sinh trùng – Vi nấm học, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho thấy, rau sống của các quán ăn đường phố trên địa bàn TP.HCM có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng lên đến 72%. Đây là kết quả chọn mẫu ngẫu nhiên từ 100 quán ăn trong nhà và ngoài phố, trong đó, tỷ lệ nhiễm của các quán đường phố, bán rong cao gấp 2,4 lần so với trong nhà. Theo kết quả này. các mẫu rau sống ăn kèm với hủ tiếu, bún bò, bún riêu, bún mắm, mì Quảng và nhiều loại thức ăn khác, khi cho quay ly tâm và cho vào kính hiển vi thì tỷ lệ nhiễm vi sinh đạt ở mức độ rất cao. Các rau sống nhiễm khuẩn chủ yếu vẫn là trùng lông, trùng roi, bào nang amip, ấu trùng giun (giun móc, giun đĩa).
Súp cua dễ ăn và rẻ tiền, là một trong những mặt hàng bán khá chạy ở khu vực các cổng trường, bệnh viện |
Còn BS Lê Vinh, Viện vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thông tin, các loại rau, thức ăn đường phố, hải sản tươi sống, nước giải khát thu được tại nhiều địa bàn TP, phần lớn đều nhiễm các loại vi sinh như Coliforms, E.Coli...Bên cạnh đó, nhiều loại rau quả, trái cây có tỷ lệ thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu cao do chưa được rửa sạch, nhưng người tiêu dùng không biết. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc cấp tính trong thời gian vừa qua, nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cũng đành “chào thua”, do không biết lấy mẫu thức ăn ở đâu để xét nghiệm, ai chịu trách nhiệm.
Theo một cán bộ Sở Y tế TP.HCM cho biết, 100% người bán hàng rong trên địa bàn chưa từng được tham gia lớp tập huấn về VSATTP. Mặc dù ngành y tế đã có kế hoạch xử phạt hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, tuyên truyền cho người dân, nhất là lứa tuổi học sinh nói không với thức ăn vỉa hè, đặc biệt là trước cổng trường. Tuy nhiên, việc tuyên truyền không hiệu quả, các xe hàng rong vẫn hiện diện khá nhiều tại các cổng trường học, bệnh viện ở hầu hết các địa bàn TP.
“Thức ăn đường phố, các xe hàng rong nằm trong diện không đủ điều kiện để buôn bán, bởi nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng, các bệnh truyền nhiễm, ngộ độc… nhưng đây là loại hình kinh doanh tồn tại từ rất lâu, thậm chí trở thành nét văn hoá ẩm thực tại Việt Nam, nên rất khó loại bỏ. Tốt nhất hãy là người tiêu dùng thông minh, nói không với thức ăn đường phố, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bởi khi xảy ra ngộ độc, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt chứ cơ quan chức năng không có cơ sở nào để xử lý. Khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm đường phố”, đại diện Sở Y tế TP.HCM. |