Anh Roe nói: “Trồng đào là nghề chính của gia đình tôi khoảng 10 năm nay, góp phần ổn định đời sống sinh hoạt cho 6 khẩu trong gia đình. Trung bình một năm tổng số gốc đào của gia đình có khoảng 150 gốc, chủ yếu đào cổ với giá cho thuê bình quân 8-9 triệu/gốc. Sau khi trừ các chi phí còn thu lãi khoảng 250 triệu/năm”.
Một gốc đào cổ của anh Roe |
Tiếp chúng tôi tại vườn đào của gia đình, anh Roe chia sẻ: Những gốc đào cổ khách hàng luôn lựa chọn để thuê chơi tết chứ không mua thẳng như những gốc đào tơ, bởi giá cho thuê sẽ rẻ bằng một nửa so với giá khi mua thẳng. Mặt khác việc chăm sóc những gốc đào cổ hết sức tỉ mỉ yêu cầu người trồng phải dầy dặn kinh nghiệm mới chăm sóc được.
Để có những gốc đào cổ đẹp, hàng năm vào trung tuần tháng 11 âm lịch anh thường lặn lội lên Lạng Sơn vào tận các bản vùng sâu, vùng xa tìm mua những gốc đào thuê xe trở về để trồng. Sau đó anh cắt tỉa tạo thế, vun vào đất khoảng 1 tuần sau bắt đầu ghép mắt.
Cũng theo anh Roe, kỹ thuật ghép mắt hết sức quan trọng yêu cầu người ghép phải có đôi tay khéo léo, tỉ mỉ mới cho tỷ lệ ghép thành công cao. Muốn gốc ghép không bị tác động xấu từ môi trường, tất cả các vết cắt đều được anh bịt kín bằng túi bóng. Mắt ghép anh chọn từ những cành bánh tẻ thân mập, mỗi điểm ghép tùy vào độ lớn nhỏ của gốc ghép mà ghép một hay nhiều mắt.
Sau khi ghép các mắt ghép được cố định bằng dây nhựa vào gốc ghép rồi bịt kín, cách biệt với môi trường bên ngoài tránh vi khuẩn xâm nhập vào vết ghép. Sau 1 tháng anh tháo túi bóng tránh mắt ghép bị hấp hơi làm thối. Tất cả những công việc trên anh tiến hành vào khoảng tháng 11 âm lịch.
Quá trình chăm sóc cây đào của gia đình anh cũng khác so với các hộ. Thay vì bón phân lân, đạm tổng hợp như các hộ khác thì anh thường mua đỗ tương nghiền nhỏ ngâm với nước phân lợn hoặc mua cá rô phi ngâm thối sau khoảng 15 ngày anh đem tưới cho đào.
Anh Roe dùng đỗ tương và cá thối tưới cho đào sẽ không bị sót như dùng phân lân tổng hợp. Cứ khoảng 15 ngày anh tưới một lần đến trung tuần tháng 7 thì anh ngừng tưới và bón cho cây, lúc đó anh tiến hành bón kali với mục đích để cho cây được bền hơn và nụ hoa to hơn.
Việc cắt tỉa, tạo dáng cho những gốc đào cổ được anh tiến hành 2 lần/năm vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch. Đặc biệt sau mỗi lần cắt tỉa anh bón, tưới ẩm cho cây nhằm cho cây bật nhiều răm hơn như vậy sẽ cho nhiều nụ hơn.
Thực tế cho thấy, trong quá trình trồng đào anh Roe thấy khó khăn nhất là hai vấn đề: Thứ nhất trong những năm gần đây điều kiện thời tiết diễn biến hết sức phức tạp đòi hỏi người trồng đào phải có óc phán đoán nhanh nhạy. Có những năm thời tiết nắng nóng kéo dài cây sinh trưởng nhanh nếu không có những biện pháp can thiệp tốt rất có thể hoa nở sớm. Tuy nhiên cũng có những năm thời tiết lạnh kéo dài nếu như vặt lá muộn hoa sẽ không nở do vậy đều ảnh hưởng đến thu nhập.
Do trồng đào lâu năm nên anh phần nào chủ động được khi điều kiện thời tiết bất lợi. Anh thường xuyên ghi chép diễn biến thời tiết để theo dõi nếu như năm nào nắng nóng kéo dài thì tiến hành khoanh gốc sớm để kìm hãm sự phát triển của cây, hãm cho hoa không nở sớm còn nếu thời tiết lạnh anh be bịt bằng túi bóng hoặc thắp điện tạo điều kiện ấm áp cho cây đào phát triển ra hoa đúng thời điểm tết.
Thứ hai là khó khăn về phòng bệnh nấm phấn trắng (rệp trắng). Các biểu hiện khi đào mắc bệnh nấm phấn trắng bệnh xuất hiện trên lá thân và cành non nụ hoa những chỗ bị bệnh có một lớp phấn trắng bao phủ như một lớp bột trắng phủ lên trên. Bệnh xuất hiện khi điều kiện thời tiết mưa nhiều độ ẩm không khí cao. Hàng năm bệnh thường xuất hiện vào hai thời điểm đầu xuân và trung tuần từ tháng 9 đến tháng 12. Nếu như không vệ sinh đồng ruộng, chọn những giống kháng bệnh tốt thì đào rất dễ mắc bệnh nấm phấn trắng. Khi đã mắc nấm phấn trắng thì hầu như trên thị trường chưa có loại thuốc đặc trị.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng thôn Núm, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì việc chuyển đổi giống cây trồng là việc hết sức quan trọng, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình trồng đào của gia đình anh Roe là một trong những điểm sáng của địa phương. |