Ông Nguyễn Văn Mướt nói về hiệu quả của mô hình sản xuất lúa hữu cơ
Dự án sản xuất lúa hữu cơ được Cty TNHH Xuất khẩu lương thực - thực phẩm Miền Tây (Cty Miền Tây) phối hợp cùng ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL thực hiện với diện tích 1.000ha trong vụ ĐX 2016 - 2017.
Tại Hậu Giang, mô hình SX lúa hữu cơ được Cty Miền Tây thực hiện thí điểm đầu tiên tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy với diện tích 40ha. Vừa qua, Cty Miền Tây và liên doanh Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao cùng Cty Bạch Đằng tổ chức hội nghị tổng kết dự án.
Sau khi thực địa cánh đồng lúa hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Mướt (tại ấp 7A1, xã Vị Thanh) nhiều đại biểu tấm tắc khen sự thành công của mô hình. Dễ thấy nhất, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa, hàng loạt diện tích lúa của bà con bị đổ sập. Tuy nhiên, 10 công đất canh tác lúa hữu cơ của gia đình ông Mướt vẫn đứng thẳng tắp.
Theo ông Mướt, đây là lần đầu tiên ông kết hợp làm sản phẩm lúa hữu cơ cho Cty Miền Tây. Tham gia mô hình ông không chỉ được hỗ trợ giống, kỹ thuật mà còn được hướng dẫn sử dụng phân bón sinh học Bồ Đề 688. Loại phân bón này giúp bộ rễ phát triển mạnh, tăng cường khả năng hấp thụ phân bón. Vì vậy ruộng lúa của gia đình ông không bị đổ ngã. Ước năng suất vụ này đạt khoảng 700kg/công. Giá bán được Cty Miền Tây bao tiêu 5.200 đồng/kg, cao hơn hẳn so với thị trường nên có lãi nhiều hơn.
Cánh đồng lúa hữu cơ giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất
Ông Trương Thành Huy, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Vị Thanh 2 cho biết, vụ ĐX này HTX liên kết với Cty làm 40ha lúa hữu cơ, được hỗ trợ giống và một máy cày. Điều nông dân tâm đắc nhất là giá lúa bán được cao hơn bên ngoài tới 400 đồng/kg, chi phí sản xuất giảm khoảng 10%. “Chúng tôi mong muốn được liên kết làm ăn với Cty lâu dài. Định hướng của HTX sẽ cùng Miền Tây phát triển cánh đồng lúa hữu cơ lên đến 500ha”, ông Huy nói.
Phát biểu trong hội nghị tổng kết dự án sản xuất lúa hữu cơ, ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ Cty Miền Tây cho biết: "Chúng tôi sẽ chia sẻ lợi ích với nông dân. Tham gia sản xuất lúa hữu cơ, năng suất lúa sẽ cao hơn bên ngoài 10 - 20%, giảm chi phí 10%. Bên cạnh đó, Cty còn đảm bảo luôn đầu ra cho nông dân với giá ưu đãi hơn thị trường. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị triển khai chương trình quản lý sản xuất lúa theo công nghệ hiện đại của Đức. Áp dụng công nghệ này, bà con có thể quản lý mảnh ruộng, cây lúa của mình ngay trên điện thoại. Đây là hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu thế mà bà con cần phải hướng tới".
Trong vụ mùa tới, Cty Miền Tây sẽ phát triển tăng lên 200ha ngay tại vùng nguyên liệu này. Ngoài ra Cty còn mở rộng thực hiện cánh đồng lúa hữu cơ thêm trên địa bàn nhiều tỉnh khác như: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, TGĐ Cty Miền Tây cam kết chia sẻ lợi ích với người nông dân
“Hiện Cty đang trong giai đoạn hoàn thành xây nhà máy xay xát tại Cần Thơ. Chúng tôi sẽ khép kín quy trình làm ra sản phẩm gạo hữu cơ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi Nhật Bản, Thái Lan. Cty đồng hành cùng bà con để phát triển lúa sạch hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế”, ông Tuấn nói.
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao kết quả bước đầu của mô hình này. "Trước những khó khăn người làm lúa đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, thị trường bấp bênh, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh... thì đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để tăng giá trị. Đề nghị tỉnh Hậu Giang và các tỉnh trong vùng ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp triển khai, nhân rộng mô hình, hướng tới chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân…", ông Môn phát biểu. |