Trong các lĩnh vực chủ yếu của ngành nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã có những cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Nhìn lại thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu, có thể nói, những kết quả mà tỉnh này đạt được là không hề nhỏ.
Về trồng trọt, Quảng Ngãi đã tiến hành đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu câu trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; phát triển các nhóm cây trồng chủ lực.
Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn từ năm 2017 đến vụ ĐX 2019 - 2020 trên địa bàn toàn tỉnh đến hơn 3.500ha . Nhìn chung, diện tích chuyển đổi đã cho thu hoạch khá, có hiệu quả, nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa như cây ngô cho thu nhập bình quân cao hơn 11 triệu đồng/ha; cây lạc: 24.58 triệu đồng/ha…
Đến giữa năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng 399 cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng, và cánh đồng mẫu trong sản xuất lạc, mía, dưa hấu… với tổng diện tích gần 7.500 ha. Với việc thực hiện canh tác nông nghiệp trên các cánh đồng mẫu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
“Sau khi thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản lượng lương thực cây có hạt qua các năm đều tăng. Đối với lúa, cây lương thực chính ở Quảng Ngãi, năng suất bình quân năm 2016 đạt 54,9 tạ/ha, sản lượng 416.313 tấn đến năm 2019 đạt năng suất 59,7 tạ/ha (tăng 8,74%), sản lượng 434.409 tấn (tăng 4,35%)”, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát lại từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực như vùng chăn nuôi trâu ưu tiên phát triển ở vùng trung du, miền núi, nuôi bò được phân bổ tập trung ở các huyện đồng bằng và một số huyện miền núi…
Chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh này cũng từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các nông hộ sang hình thức chăn nuôi tập trung ở các trang trại, gia trại nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực lâm nghiệp, Quảng Ngãi đã thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại dược liệu.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi… Đến năm 2020, diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh cộng dồn vụ I, vụ II và vụ đông ước 1.790 ha.
Về khai thác thủy sản, đã đẩy mạnh khai thác xa bờ, chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Chỉ đạo việc tạm dừng phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo và nghề lặn nhằm hạn chế phát triển, giảm các nghề có tác động xấu đến môi trường và nguồn lợi.
So với trước khi thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp, sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 sản lượng khai thác ước đạt 258.550 tấn (năm 2017 là 211.557 tấn). Tính đến tháng 4/2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.571 tàu cá với tổng công suất 1.854.986 CV (tăng 454.986 CV so với mục tiêu kế hoạch).