| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả từ cây lạc gò đồi ở Cam Lộ

Thứ Hai 27/04/2020 , 05:30 (GMT+7)

Lạc là cây trồng được huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xác định nằm trong bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Hàng trăm ha lạc đang được thu hoạch.

Hàng trăm ha lạc đang được thu hoạch.

Từ bao đời nay, cây lạc luôn gắn bó với người nông dân Cam Lộ. Trên những biền bãi mênh mông, ngọt vị phù sa dọc sông Hiếu, những ruộng lạc xanh tươi đã dâng hiến cho con người những vụ mùa bội thu.

Hạt lạc nơi đây đã xuất đi khắp nơi mang tiền về làm thay đổi bao cuộc đời lam lũ. Tuy nhiên, do mãi trồng lạc với phương pháp thủ công nên cây lạc cho năng suất thấp. Năm được mùa có lúc đạt trên 22 tạ/ha, nhưng năm thấp chỉ đạt bình quân 13 tạ/ha/vụ.

Tất cả đã thay đổi từ khi huyện Cam Lộ đã xây dựng đề án nâng cao hiệu quả cây lạc. Mục tiêu đề ra là từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân bằng việc mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với công thức thâm canh tiến bộ.

Huyện Cam Lộ phấn đấu hoàn chỉnh quy hoạch vùng trồng lạc, tổ chức đánh giá các mô hình thâm canh, thực hiện nhân rộng các mô hình trồng lạc hiệu quả. Cố gắng phục hồi diện tích lạc đạt năng suất trên 2 tấn/ha/vụ, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Trước hết, huyện liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai mô hình trồng lạc bằng phương pháp lên luống phủ bạt ni lông và sử dụng phân hữu cơ vi sinh tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành. Sau mấy mùa thử nghiệm, mô hình này khá thuyết phục, nhiều nông dân quan tâm.

Rồi huyện Cam Lộ được dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tư các mô hình sản xuất lạc theo phương pháp mới, mang lại hiệu quả tích cực, hình thành tập quán canh tác tiến bộ cho nông dân.

Kết quả lạc phát triển tốt hơn, không bị cỏ dại cạnh tranh chất dinh dưỡng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao, lãi cao hơn trồng lạc truyền thống 7 triệu đồng/ha.

Trong niềm vui được mùa lạc, nông dân Nguyễn Ngọc Du tại thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền cho biết, gia đình ông vụ này trồng 8 sào lạc (4.000m2) theo kiểu truyền thống, năng suất đạt gần 120 kg/sào (tương đường 2,4 tấn/ha) lạc khô. Với giá ở thời điểm hiện tại, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Du lãi 7 triệu/ ha.

Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, vụ này nông dân trong xã trồng 160 ha lạc, tập trung ở các thôn dọc bờ sông Hiếu như Ba Thung, An Mỹ… đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận mỗi ha trồng lạc gấp 2- 3 lần trồng lúa.

Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn từ năm trước đến nay nên năng suất mặc dù cao vẫn không như dự kiến. Đặc biệt ở Cam Tuyền người dân trồng lạc xen canh cây ngô, sắn để nhân đôi nguồn lợi trên cùng một diện tích. Ông Sơn cho hay, bây giờ thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua lạc, người dân không cần mất công tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Lạc Cam Lộ cho hạt to tròn và hàm lượng tinh dầu cao.

Lạc Cam Lộ cho hạt to tròn và hàm lượng tinh dầu cao.

Mô hình trồng lạc hữu cơ của ông Từ Linh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Từ Phong ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ là nổi bật nhất. Ông Nhân chia sẻ, lạc là cây trồng thế mạnh của huyện Cam Lộ, mang lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.

Thay vì canh tác theo phương thức truyền thống, ông Nhân tập trung phát triển cây lạc theo hướng hữu cơ, hỗ trợ nông dân trong vùng về nguồn giống, phân bón và thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Với phương thức canh tác hiện đại, có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong canh tác và tưới tiêu, 30 ha lạc của công ty trồng ở xã Cam Thành đạt năng suất gần 4 tấn lạc/ha, nên lãi  45- 50 triệu đồng/ha.

Ngoài chế biến sản phẩm lạc tự trồng, mỗi năm công ty còn thu mua thêm lạc của nông dân chế biến hàng trăm tấn tinh dầu lạc (khoảng 100.000 chai) cùng nhiều sản phẩm khác như bơ lạc, kẹo đậu phộng…có nhãn hiệu Super Green, mang lại doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng và giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương.

Sản phẩm dầu lạc của công ty TNHH Từ Phong được bày bán tại nhiều siêu thị trên khắp cả nước.

Sản phẩm dầu lạc của công ty TNHH Từ Phong được bày bán tại nhiều siêu thị trên khắp cả nước.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết: Lạc được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, vụ này tổng diện tích trồng lạc trên địa bàn huyện hơn 500 ha, tập trung chủ yếu ở xã Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ.  

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Ngô Quang Chiến cho biết, nhằm tạo điều kiện phát triển vùng chuyên canh lạc hữu cơ, huyện có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê đất, huyện đầu tư hệ thống kênh tưới tiêu, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Cam Lộ kỳ vọng mô hình liên kết thâm canh lạc hữu cơ cũng như chuyên canh cây lạc trên diện rộng sẽ mở ra hướng đi phù hợp, giúp doanh nghiệp và nông dân liên kết, mạnh dạn hơn nữa trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lạc để nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu lạc Cam Lộ.

Huyện phấn đấu phát triển hơn 1.000 ha lạc, qua đó nâng cao hơn nữa thu nhập cho các hộ nông dân trồng lạc.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Philippines học hỏi kinh nghiệm tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi cho lợn nái

Những kết quả khả quan trong việc tiêm đại trà vacxin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam sẽ trở thành những cơ sở đánh giá quan trọng cho các quốc gia khác.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.