| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Tư 24/01/2018 , 08:25 (GMT+7)

Đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn luôn được hệ thống khuyến nông tỉnh Hòa Bình quan tâm, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

15-28-01_dsc00054
Ảnh: Thanh Hằng

Bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tạo cơ hội cho lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện sản xuất ngay tại địa phương, với nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, hệ thống khuyến nông Hòa Bình xác định việc thực hiện đào tạo nghề là một nhiệm vụ trọng tâm.

Trong 2 năm 2016 - 2017, công tác đào tạo nghề nông nghiệp của hệ thống khuyến nông tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Từ việc đào tạo nghề nông nghiệp, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có cơ hội phát triển sản xuất; áp dụng những tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Qua đó ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập.

Kết quả là trong 2 năm 2016 - 2017, hệ thống khuyến nông trong tỉnh đã tổ chức được 52 lớp đào tạo kỹ năng nghề nông nghiệp cho 1.560 học viên. Cung cấp giảng viên tiến hành hàng trăm lớp dạy nghề nông nghiêp do các cơ sở dạy nghề trong tỉnh và ở các huyện tổ chức. Riêng Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong 2 năm qua đã tổ chức 19 lớp cho 587 học viên tham gia.

Các nghề được đào tạo đều tập trung vào thực hiện tái cơ cấu ngành, gắn với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Cây có múi; phát triển chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm bản địa theo hướng hàng hóa an toàn; nuôi cá lồng; trồng rau hữu cơ; trồng rừng cây gỗ lớn…

Để nâng cao chất lượng đào tạo, hệ thống đã xác định có 3 yếu tố mang tính then chốt đó là: Xác định nhu cầu đào tạo; năng lực thực hiện của giáo viên; nội dung và phương pháp đào tạo. Trong xác định nhu cầu (nghề đào tạo, nội dung đào tạo), hệ thống khuyến nông đã mạnh dạn áp dụng các phương pháp đánh giá, lập kế hoạch có sự tham gia để thực hiện. Tập trung nâng cao năng lực thực hiện của giáo viên thông qua việc đào tạo phương pháp và các tiến bộ kỹ thuật mới cho học viên.

Nội dung đào tạo được thực hiện linh hoạt và theo yêu cầu của người học, đảm bảo nguyên tắc chỉ tập trung giảng dạy những kiến thức kỹ năng mà người học cần; chú trọng hướng dẫn thực hành tại hiện trường. Về phương pháp giảng dạy, triệt để áp dụng phương pháp lấy học viên làm trung tâm và lớp học hiện trường (FFS) để thực hiện bài giảng; gắn việc dạy nghề với các mô hình trình diễn khuyến nông nên học viên có thể áp dụng thực hành ngay vào thực tế.

Với cách làm như trên, công tác dạy nghề của hệ thống khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã được các cơ quan Trung ương đánh giá cao. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xác định phương pháp FFS là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong việc chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là đào tạo nghề nên đã đưa nội dung giảng dạy phương pháp FFS là một nội dung bắt buộc trong đào tạo giảng viên khuyến nông cấp Quốc gia.

Việc áp dụng phương pháp đánh giá, lập kế hoạch, đào tạo có sự tham gia, đặc biệt là gắn đào tạo nghề với các mô hình khuyến nông đã được nhóm tư vấn đánh giá chất lượng cho các nhà tài trợ cho chương trình đào tạo nghề coi là điểm sáng khuyến cáo cần nhân rộng.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề còn tồn tại, đó là chương trình khung còn dài, nặng về lý thuyết, chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện tham gia của người dân. Chính sách dạy nghề còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thu hút, khuyến khích cán bộ trong hệ thống khuyến nông tham gia. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít nên học viên sau học nghề được nhận vào làm trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn khiêm tốn…

Những năm tiếp theo, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của tỉnh về đầu tư nguồn lực tài chính để đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề; Thống nhất xây dựng các bộ giáo trình khung để áp dụng đồng bộ trong toàn tỉnh; Thực hiện việc đánh giá nhu cầu đào tạo nghề trên phạm vi toàn tỉnh...

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.