| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng giảm phát thải ở Cần Thơ tăng lợi nhuận ròng hơn 6 triệu đồng/ha

Thứ Hai 08/07/2024 , 17:42 (GMT+7)

Kết quả mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Cần Thơ cho năng suất lúa đạt 6,13 - 6,51 tấn/ha, tăng lợi nhuận ròng 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Francisco P.Tiu Laurel, Jr. (đứng thứ 2, từ phải sang) tham quan cánh đồng giảm phát thải Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Francisco P.Tiu Laurel, Jr. (đứng thứ 2, từ phải sang) tham quan cánh đồng giảm phát thải Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Lợi nhuận ròng tăng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha

Ngày 8/7, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức Hội thảo sơ kết mô hình thí điểm đầu tiên của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Mô hình triển khai trong vụ hè thu 2024 tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận (đổi tên từ HTX nông nghiệp Thuận Tiến) ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Cánh đồng sử dụng giống xác nhận OM5451, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), bón phân theo vùng chuyên biệt (SSNM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Quá trình thu hoạch, mô hình áp dụng máy gặt đập liên hợp, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để làm nấm rơm và phân bón hữu cơ.

Sau 3 tháng gieo trồng, cánh đồng giảm phát thải đầu tiên của TP Cần Thơ đã thu hoạch với nhiều kết quả khả quan.

Khách tham quan đánh giá chất lượng hạt lúa tại cánh đồng giảm phát thải ở Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Khách tham quan đánh giá chất lượng hạt lúa tại cánh đồng giảm phát thải ở Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Về lượng lúa giống gieo sạ, giảm từ 140kg/ha xuống còn 60kg/ha. Số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ giảm xuống còn 2 lần/vụ. Từ đó, tối thiểu 20% lượng phân bón hóa học đã được kéo giảm.

Ngoài ra, việc áp dụng đồng bộ gói kỹ thuật canh tác theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao do Bộ NN-PTNT ban hành cũng giúp HTX Tiến Thuận tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, rủi ro dịch bệnh, cây lúa hạn chế bị đổ ngã và giảm tổn thất sau thu hoạch...

Về hiệu quả kinh tế, TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của IRRI phân tích, việc giảm giống và phân bón đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí khoảng 1,9 triệu đồng/ha, tăng được hiệu suất sử dụng phân bón.

Đặc thù vùng đất xã Thạnh An bị nhiễm phèn nhẹ, năng suất lúa trung bình vụ hè thu chỉ đạt khoảng 5,9 tấn/ha (sạ lan truyền thống). Thế nhưng, trong mô hình canh tác theo quy trình giảm phát thải, năng suất lúa tăng lên 6,13 - 6,51 tấn/ha.

Việc canh tác theo quy trình đưa ra tại Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giúp năng suất lúa trong mô hình tăng lên 6,13 - 6,51 tấn/ha. Ảnh: Kim Anh.

Việc canh tác theo quy trình đưa ra tại Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giúp năng suất lúa trong mô hình tăng lên 6,13 - 6,51 tấn/ha. Ảnh: Kim Anh.

Sau khi cân đối doanh thu từ cây lúa, rơm và tiết giảm chi phí chuẩn bị đồng ruộng, bơm nước, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý giống, phân bón và gieo sạ, ông Hùng đưa ra mức tăng lợi nhuận ròng của mô hình thí điểm tại HTX Tiến Thuận từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha.

Kết quả này tuy chỉ mới đánh giá qua 1 vụ canh tác, tuy nhiên ông Hùng tin tưởng đây là các con số đáng tin cậy, do mô hình được triển khai liên tiếp 3 vụ và thực hiện trên diện rộng, đại trà với sự hỗ trợ của các công nghệ có liên quan.

Đặc biệt, mô hình đã giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường khoảng 2 - 6 tấn CO2 tương đương/ha, nhờ các cảm biến đo mực nước được lắp đặt trên đồng ruộng để thu thập các thông số một cách chính xác, minh bạch.

Doanh nghiệp liên kết chân thực, trách nhiệm hơn

Cánh đồng giảm phát thải đầu tiên của TP Cần Thơ có sự tham gia đồng hành của 3 doanh nghiệp. Công ty máy nông nghiệp Tư Sang cung cấp công nghệ gieo sạ kết hợp với vùi phân. Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cung cấp gói giải pháp kỹ thuật sử dụng phân bón công nghệ mới, chống thất thoát và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật liên kết thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân trong mô hình.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, sự tham gia chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo đầu ra sẽ giúp chuỗi liên kết trở nên thiết thực, trách nhiệm và thể hiện đúng cam kết của các bên.

Đây là yếu tố quan trọng, giúp cánh đồng giảm phát thải gặt hái thành công và từng bước lan tỏa trên toàn TP Cần Thơ và 4 địa phương khác đang triển khai thí điểm đề án.

Lễ ký kết hợp đồng kinh tế mua bán lúa tươi trong 3 vụ liên tiếp giữa Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật và HTX Tiến Thuận. Ảnh: Kim Anh.

Lễ ký kết hợp đồng kinh tế mua bán lúa tươi trong 3 vụ liên tiếp giữa Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật và HTX Tiến Thuận. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cũng cho rằng, sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp “đủ sức, đủ lớn” sẽ góp phần giúp Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai nhanh và bền vững hơn.

Để nhân rộng mô hình theo kỳ vọng của ngành nông nghiệp, theo ông Tâm còn nhiều chuyện phải làm. Nhất là đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp những thông tin chuẩn và phải được đồng bộ trên các nền tảng xã hội để bà con nông dân tin tưởng, hưởng ứng, đồng tình tham gia đề án.

Dịp này, Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật và HTX Tiến Thuận đã thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế mua bán lúa tươi trong 3 vụ liên tiếp: hè thu 2024, thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025.

Cục Trồng trọt đã trao Giấy chứng nhận vùng sản xuất áp dụng Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL cho HTX Tiến Thuận theo Quyết định số 322 ngày 5/7/2024 của Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).