Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng 8 năm, xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần.
Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, đạt kim ngạch khoảng 250 triệu USD vào năm 2023, chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa cả nước.
Sự phát triển nhanh chóng này đang dẫn tới những khó khăn, bất cập cho các doanh nghiệp trong việc quy hoạch thu mua và chế biến. Chẳng hạn, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua trái dừa tươi với số lượng lớn mà đạt được sự đồng đều về chủng loại, kích cỡ, chất lượng, hay chưa có nhiều vùng dừa nguyên liệu tập trung.
Do thiếu những vùng trồng tập trung cho từng chủng loại dừa xuất khẩu nên nếu một doanh nghiệp ký được một hợp đồng xuất khẩu 50 container dừa xiêm xanh, thì việc thu mua riêng loại dừa này là rất khó. Doanh nghiệp buộc phải mua tất cả các loại dừa trên cùng một địa bàn rồi mới phân loại ra để có những trái dừa phù hợp với yêu cầu của đối tác.
Vì vậy, để xuất khẩu dừa bền vững, trước hết phải có vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư vùng dừa nguyên liệu với diện tích từ 100 đến 500 ha/doanh nghiệp. Dọc biên giới Tây Nam, ở các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng của Long An, một số huyện của tỉnh Tây Ninh, đang có những trang trại dừa như vậy.
Ở các tỉnh Duyên hải Miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định cũng đã có trang trại với diện tích từ 40, 50ha tới gần 100ha chuyên trồng dừa.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu dừa tươi cũng như phát triển ngành dừa bền vững, cần có quy hoạch phát triển cho cây dừa, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi trồng dừa lớn nhất cả nước. Trên cơ sở quy hoạch đó, các doanh nghiệp sẽ có những định hướng đầu tư hình thành các vùng dừa nguyên liệu tập trung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người nông dân trồng dừa cần đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của nhiều thị trường để mở rộng xuất khẩu, mà trước mắt là tới thị trường Trung Quốc. Vì vậy, cần phải xây dựng các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và triển khai thực hiện các tiêu chuẩn cho trái dừa phù hợp với thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, phải làm được truy xuất cho dừa tươi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cũng cho rằng, để xuất khẩu dừa tươi một cách ổn định, bền vững, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tạo ra được vùng nguyên liệu đủ lớn, có mã số vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc.
Trên mỗi vùng nguyên liệu, phải tổ chức sản xuất sao cho trái dừa có chất lượng đồng đều và nên trồng thuần giống. Có nghĩa là một vùng nguyên liệu chuyên trồng dừa xiêm thì chỉ chuyên trồng dừa xiêm. Vì một vùng dừa mà trồng nhiều giống khác nhau thì sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Bởi mỗi một thị trường hay một nhóm đối tượng khách hàng sẽ có sở thích riêng về loại dừa tươi, về hương vị nước dừa.
Mặt khác, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cần phải nâng cao năng lực sản xuất cho ngành dừa Việt Nam. Để nâng cao năng lực, cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa phải đi cùng nhau, cùng thực hiện tốt các tiêu chuẩn về chất lượng và những yêu cầu khác. Có như vậy, trái dừa tươi dù được xuất khẩu bởi bất cứ một doanh nghiệp nào, khi ra khỏi biên giới Việt Nam thì cũng đều bảo đảm được chất lượng chung của dừa Việt Nam.