Công trình thủy lợi hồ Đồng Xoài nằm cách thành phố Đồng Xoài hơn 15km, được xây dựng và chính thức đưa vào vận hành khai thác vào năm 2005. Với dung tích 9,66 triệu m3, công trình này là một trong những hồ lớn nhất tỉnh Bình Phước có trọng trách đặc biệt quan trọng. Bên cạnh phục vụ tưới trên 500 ha các loại cây trồng, cấp nước sinh hoạt hơn 3.000 hộ trong vùng dự án, nhiệm vụ quan trọng khác là điều hòa nguồn nước, cắt lũ cho các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú.
Theo chân cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Phước đến hồ Đồng Xoài những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là công trình khang trang, hiện đại với mặt nước mênh mông trong vắt. Ông Nguyễn Hữu Thành - Trạm trưởng Trạm Dịch vụ Thủy lợi Đồng Xoài cho biết, hồ nằm ở phía Bắc của thành phố, được hình thành từ nhánh suối Rạt và một nhánh suối khác từ huyện Bù Đăng đổ về.
Do địa hình thành phố Đồng Xoài như lòng chảo, trước khi hồ được xây dựng, nhiều khu vực tại thành phố Đồng Xoài và một phần của huyện Đồng Phú là điểm nóng ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa bão của tỉnh Bình Phước. Từ khi có hồ, tuy ngập lụt vẫn còn xảy ra ở một số nơi nhưng mức độ giảm thiểu đáng kể, trong đó, nhiều điểm đen ngập lụt tại nơi đây dần được xóa bỏ.
“Địa hình khu vực xung quanh hồ có sự khác biệt lớn về cao độ do trong vùng có đồi thấp và đồng bằng, nước mưa từ các đồi nhanh chóng đổ về các vùng trũng thấp. Mùa mưa thường có lưu lượng nước rất lớn, nhưng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Nhờ dung tích trữ của hồ khá lớn, vai trò điều tiết nước mưa, cắt lũ và ngăn nước tràn vào khu vực dân cư xung quanh đã cơ bản được phát huy”, ông Nguyễn Hữu Thành nhấn mạnh.
Đơn cử như phường Tân Thiện, Tân Đồng, Tân Xuân nằm trên lưu vực suối Rạt thường xuyên bị ảnh hưởng ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Mặc dù ngập cục bộ vẫn còn xảy ra ở một số thời điểm, một số nơi, nhưng nhìn chung đã thuyên giảm hơn rất nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Văn Định ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú cho biết, hằng năm nơi đây thường đối mặt hàng chục lần bị ngập lụt. Từ khi có hồ Đồng Xoài, chỉ khi nào mưa bão quá lớn thì mới xuất hiện ngập nhưng nước cũng rút đi rất nhanh.
Theo ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Tân Thiện, nguyên nhân ngập lụt là do dòng suối hẹp, quanh co, đi qua nhiều khu dân cư. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, xả rác bừa bãi xuống lòng suối. Nếu như không có hồ thủy lợi Đồng Xoài điều tiết, cắt bớt lũ, không chỉ khu vực phường mà nhiều địa bàn khác sẽ bị nhấn chìm trong nước lũ mỗi khi cao điểm mùa mưa bão.
“Ngày 6/7 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Dự án Tăng cường khả năng thoát lũ suối Rạt. Quy mô dự án có chiều dài 13,4km, gồm các hạng mục xây dựng như tôn cao bờ bao để chống ngập lụt, ngăn lũ hằng năm, gia cố một số vị trí xung yếu và các công trình phụ trợ kết nối hỗ trợ tiêu thoát, kết hợp quản lý, vận hành… Chúng tôi kỳ vọng dự án này cùng với điều tiết lũ của hồ Đồng Xoài sẽ giải quyết dứt điểm ngập lụt cho địa phương”, ông Thắng chia sẻ.
“Các hồ chứa đóng vai trò quan trọng như cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan môi trường, điều tiết nước mưa làm giảm ngập úng, cải tạo vi khí hậu… Khi điều kiện khí hậu biến đổi theo chiều hướng cực đoan và các đô thị mở rộng không ngừng thì vai trò của hồ điều hòa càng cần được quan tâm đúng mức”, ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Phước nhận định.