Bứt phá ngoạn mục
Hợp tác xã (HTX) Đại Hà, xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông) được thành lập tháng 8/2015, với 7 thành viên, số vốn điều lệ 500 triệu đồng. Ngày đầu mới hoạt động, HTX chủ yếu trồng rau, cây ăn quả, sản xuất, kinh doanh nông sản sạch, nhưng quy mô nhỏ, hiệu quả thấp.
Cuối năm 2020, HTX Đại Hà được hỗ trợ gần 300 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước để xây dựng mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Với số tiền này, HTX đã xây dựng 1.000m2 nhà lưới trồng cây dưa lê, qua nhiều vụ, thu nhập từ trồng dưa tăng dần theo từng năm. Đến nay, quy mô của HTX đã tăng lên 17 thành viên, số vốn điều lệ đạt hơn 1 tỷ đồng. Từ 1.000m2 nhà lưới được hỗ trợ ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên 4.000m2, riêng năm nay, sản lượng dưa lê đạt 25 tấn, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Bùi Văn Tô, Giám đốc HTX Đại Hà chia sẻ, nguồn lực hỗ trợ đã giúp HTX “lột xác” thay đổi ngoạn mục, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đã vươn tầm sản xuất hàng hoá có ứng dụng công nghệ cao. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, hiện nay HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) được thành lập năm 2017, ngành nghề chính là chế biến nông sản, chủ lực là các sản phẩm chế biến từ củ nghệ vàng. Năm 2020, HTX được hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, từ đây, hoạt động của HTX có bước phát triển nhảy vọt. Có nhà xưởng, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, chế biến nên những sản phẩm tinh bột nghệ có chất lượng cao.
Cũng trong năm 2020, HTX này tiếp tục được Quỹ APIF hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng thực hiện dự án “Đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp”. Có vốn, HTX đã liên kết 260 hộ dân trồng cây nghệ vàng để tạo vùng nguyên liệu lâu dài. Nhờ đầu tư bài bản, đến nay HTX Nông nghiệp Tân Thành đã vươn tầm trở thành một trong những HTX hàng đầu của tỉnh Bắc Kạn, với các dòng sản phẩm tinh bột nghệ nếp đen, tinh bột nghệ nếp đỏ, nghệ thái lát sấy khô. Sản phẩm của HTX đạt OCOP 4 sao, có mặt tại nhiều siêu thị trên toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết, mỗi năm HTX bao tiêu khoảng 5.000 tấn củ nghệ cho người dân các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Na Rì, Chợ Đồn và Chợ Mới. Nhờ liên kết bền vững, đến nay HTX đã có 20 đại lý tại các tỉnh và đã ký hợp đồng cung cấp nghệ sấy lát cho một doanh nghiệp để xuất khẩu. HTX phát triển đã tạo việc làm cho người dân trong thôn, nhờ đó đời sống từng bước được cải thiện.
Điển hình về đầu tư trọng điểm cho các HTX nông nghiệp tại Bắc Kạn phải kể đến thành công của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì). Huyện Na Rì là thủ phủ trồng cây dong riềng của tỉnh Bắc Kạn. Nhưng trước đây, người dân chủ yếu sản xuất miến dong nhỏ lẻ theo hộ gia đình, hiệu quả kinh tế thấp.
Trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng, thương hiệu cho miến dong Na Rì, năm 2018, bà Nguyễn Thị Hoan thành lập HTX Tài Hoan. Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ, lúc đầu do thiếu máy móc nên công suất của HTX chỉ được 500kg miến/ngày. Đến năm 2020, nhờ được hỗ trợ nên HTX đã đầu tư xây dựng 5.000m2 nhà xưởng và dây truyền tráng miến hiện đại, tự động nên đến nay công suất đã đạt 2,5 tấn miến/ngày.
Hiện nay miến dong Tài Hoan là sản phẩm duy nhất của tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, nhiều năm nay, miến dong của HTX đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Đến đầu tháng 6/2023, tỉnh Bắc Kạn có 369 HTX (trong đó có 316 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp), tổng vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng.
Với một tỉnh miền núi, nền nông nghiệp có xuất phát điểm thấp như Bắc Kạn, số lượng HTX này là bước đột phá lớn. Chính những HTX này đã góp phần đưa nông nghiệp Bắc Kạn bứt tốc. Minh chứng rõ ràng nhất là các HTX đã tạo ra 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao. Bắc Kạn là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP đứng đầu cả nước.
Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn, cho biết, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng nội lực, là các HTX. Kết hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX phát triển theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, chất lượng cao, giá trị lớn. Các HTX sẽ là chủ thể chính nâng tầm các sản phẩm nông sản đặc hữu của tỉnh hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ…
Cụ thể hoá chủ trương này, năm 2019, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nghị quyết này đã mở đường để tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bài bản hơn.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX.
Năm 2022, HĐND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục ban hành Nghị quyết số 01 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này là cơ sở để tỉnh Bắc Kạn lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia để hỗ trợ tối đã cho các HTX nông nghiệp.
Điểm đáng chú ý của Nghị quyết 01/2022 là ưu tiên hỗ trợ cho các HTX, liên hiệp hợp tác xã nhân rộng mô hình các hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Hỗ trợ tối đa HTX, liên hiệp hợp tác xã hoạt động gắn với chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể khác, ưu tiên hỗ trợ HTX có số lượng thành viên lớn và có nhiều tác động tích cực đến các thành viên và cộng đồng. Song song với đó, tỉnh Bắc Kạn chú trọng lồng ghép nguồn lực từ chương trình khuyến công, các dự án khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình OCOP để hỗ trợ các HTX.
Ba năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ 3 HTX xây dựng nhà xưởng, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ 14 HTX (mỗi HTX 300 triệu đồng) xây dựng nhà lưới, mua máy móc phục vụ chế biến sản phẩm nông sản. Riêng năm 2023, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ 14 hợp tác xã xây dựng kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông, lâm sản.
Với chính sách hỗ trợ đúng trọng tâm, trọng điểm cho các HTX, nông nghiệp Bắc Kạn đã thực sự chuyển mình từ nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún sang sản xuất hàng hoá, sản phẩm chế biến sâu, có tính đặc hữu, sức cạnh tranh cao trên thị trường.