Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên các mặt đời sống, kinh tế xã hội trên khắp cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông thuỷ sản ở nhiều địa phương, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, có không ít các sản phẩm OCOP như cá song, hàu, ngao… bị tồn đọng do không thể tiêu thụ.
“Thị trường trong nước và xuất khẩu đình trệ khiến chuỗi tiêu thụ bị đứt gãy, sản xuất hạn chế, ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người dân. Vì thế, khơi thông chuỗi tiêu thụ cùng giải pháp lâu dài là cách “tiếp sức” hiệu quả cho doanh nghiệp OCOP” - ông Trần Phong, Trưởng phòng Quản lý Công thương, Sở Công thương cho biết.
Trước thực trạng đó, ngành công thương, nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, tích cực kết nối tiêu thụ nội địa, đa dạng hoá sản phẩm, tìm nguồn xuất khẩu… Nhờ cách làm đó, chỉ trong gần 1 tháng (từ 15/9 đến ngày 7/10), toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ trên 3.200 tấn thủy sản các loại, đem lại nguồn thu gần 35 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Theo đại diện Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua để tăng hiệu quả, thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông sản OCOP của nông dân, các cấp Hội đã đề nghị UBND cùng cấp bổ sung ngân sách và vận động từ cán bộ, hội viên nông dân đóng góp bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ hội viên trong việc xây dựng logo, nhãn mác, bao bì sản phẩm OCOP.
Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn từ phía các ngành, địa phương, nhiều chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới, không ngừng cải tiến quy trình, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng. Trong đó chú trọng xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững cho các sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, các sở, ngành trong tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên tổ chức chấm điểm, đánh giá, xếp hạng sản phẩm; mạnh dạn loại bỏ những sản phẩm OCOP không đảm bảo tiêu chuẩn, kém chất lượng hoặc không có tiềm năng.
Bên cạnh đó, ngành công thương cũng thúc đẩy, vận động các doanh nghiệp tham gia vào chế biến sâu, tạo sản phẩm mới dễ tiêu thụ; cùng các địa phương kết nối thêm nguồn xuất khẩu; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến... Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, đã có nhiều hoạt động XTTM được tổ chức.
Hiện Quảng Ninh có 29 trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại và đưa gần 20 sản phẩm vào chuỗi siêu thị, các bếp ăn công ty than, điện, trường học, chuỗi các trung tâm mua sắm, cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn... Để tiếp sức đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khích lệ người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình.
Tiêu biểu là Tuần tiêu thụ nông thuỷ sản Quảng Ninh ở Móng Cái, Hải Hà đầu tháng 10 vừa qua. Tại Móng Cái, chỉ trong 3 ngày, sự kiện đã thu hút hơn 8.000 lượt người tham gia, doanh thu bán hàng đạt 980 triệu đồng, trong đó khu gian hàng OCOP đạt 820 triệu đồng, hàng thủy sản đạt 160 triệu đồng. Sự kiện tại Hải Hà cũng thu hút trên 3.500 lượt người tham dự.
Với quy mô chủ yếu là các gian hàng OCOP, các sự kiện này thực sự đã tạo không khí sôi động, kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Phát triển Công thương chia sẻ: “Chúng tôi mong các hoạt động này không chỉ là "cầu nối" tiếp sức, hồi sinh doanh nghiệp OCOP mà còn giúp kích cầu, khôi phục sản xuất và gắn chuỗi sản xuất - tiêu thụ với kích cầu du lịch, dịch vụ từ nay tới cuối năm 2021”.
Qua các sự kiện này, nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh như nước mắm Nam Hải (Uông Bí), bánh kẹo Tiên Yên, sữa tươi, mật ong, chè… mang lại doanh thu cho doanh nghiệp trung bình từ 50 - 80 triệu đồng/sự kiện. Với kết quả khả quan đó, nhiều sự kiện xúc tiến thiết thực khác sẽ tiếp tục được nối dài, như Tuần tiêu thụ nông thuỷ sản, tuần lễ hàng Việt ở Cẩm Phả, Ba Chẽ, Uông Bí cuối tháng 10 đầu tháng 11.
Đặc biệt, hội chợ OCOP quy mô khoảng 300 gian hàng sẽ được tổ chức tại TP Hạ Long vào ngày 26/11/2021. Cùng với đó, ngành Công thương tiếp tục triển khai các kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hoạt động xúc tiến thương mại nội tỉnh quý IV/2021. Việc liên tục có các cách làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sôi động các hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới sẽ là nền tảng để hồi phục sản xuất, kết nối chuỗi tiêu thụ, cung cầu.
Quảng Ninh hiện có 500 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó trên 230 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với doanh số bán hàng hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP ngày càng phát triển. Chương trình OCOP được đánh giá góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.