Ngày 22/8, tại tỉnh Gia Lai, Bộ NN-PTNT tổ chức Lễ khởi động triển khai thi công xây lắp Hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” thuộc dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu; với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng.
Hỗ trợ HTX đồng bộ hạ tầng vùng nguyên liệu
Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Tây Nguyên được Bộ NN-PTNT giao cho Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện.
Mục tiêu dự án nhằm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; Phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao và giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương, các HTX sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, thúc đẩy phát triển của các HTX nông nghiệp, làm cầu nối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cà phê có chất lượng.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, đây là 1 dự án được xây dựng trên cơ sở phát huy kết quả thành công của dự án VnSAT trong việc hỗ trợ các HTX đã thực hiện tái canh bền vững, liên kết thành vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao.
“Mục tiêu quan trọng là tiếp tục lựa chọn đầu tư cho các HTX hạt nhân, trọng điểm để xây dựng nền tảng vững chắc cho vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao. Sau gần 2 năm chuẩn bị đầu tư, dự án đã đủ điều kiện để tổ chức triển khai thi công”, ông Hiến cho biết.
Cũng theo ông Hiến, tuy vốn đầu tư dự án không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu cà phê.
Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp và đơn vị thi công hứa sẽ phấn đấu hoàn thành hệ thống đường giao thông trong năm 2023 và toàn bộ hoạt động Hợp phần 5 vào quý 1 năm 2024.
Tỉnh Gia Lai là địa phương trồng cà phê lớn của cả nước với diện tích trên 98 ngàn ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 46.000 ha sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, Rain Forest.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Chúng tôi cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê, công trình nhà kho cho các HTX.
"Trong thời gian tới, Gia Lai rất mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT để tiếp tục thực hiện các dự án còn lại của tỉnh như hạng mục 2 hệ thống Silo, đầu tư xây dựng Trung tâm logistics chuỗi cà phê tỉnh. Đồng thời, tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông", ông Nghĩa chia sẻ.
Hiện thực hóa mục tiêu vùng cà phê chất lượng cao
Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Tây Nguyên có xuất phát điểm tương đối thuận lợi với sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Bên cạnh đó, dự án còn nhận được sự ủng hộ của các HTX và doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi.
Ông Lâm Quốc Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Du lịch sinh thái Hàm Rồng cho biết, HTX được Bộ NN-PTNT đầu tư hạng mục nâng cấp tuyến đường giao thông, qua đó rất thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc cà phê bền vững. Đặc biệt, HTX cũng thuận lợi chế biến, thu hoạch, áp dụng khoa học kỹ thật giúp nâng cao sản lượng.
“Nhằm đồng bộ hạ tầng vùng nguyên liệu cà phê, mong Bộ NN-PTNT xem xét, sớm phê duyệt dự án logistics chuỗi cà phê", ông Triều kiến nghị.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết, tại Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng có tầm quan trọng cho các HXT để phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh. Việc dự án được đầu tư xây dựng là sự kỳ vọng của nhiều bà con nông dân với khát vọng phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vươn tầm thế giới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là 1 trong những nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê, với giá trị xuất khậu 2,7 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Hiện Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn với diện tích 19.700ha gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 HTX sẽ được hưởng thụ với 5.230 hộ dân sản xuất cà phê.
Kết cấu hạ tầng chỉ là 1 phần, cái quan trọng nhất cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất ở các vùng miền để nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho cà phê Việt Nam.
"Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến cà phê giảm phát thải. Nội dung này, Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đia phương xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ cho người dân sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề liên kết sản xuất giữa các hộ dân, HTX và doanh nghiệp là quan trọng nhất. Tuy nhiên, vấn đề này đang còn yếu và có những hạn chế nhất định. Cho nên, bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, Bộ NN-PTNT cũng hướng đến xây dựng chuỗi giá trị cà phê từ người nông dân, HTX và doanh nghiệp sản xuất, chế biến.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, bên cạnh 2 vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và theo chuỗi giá trị cà phê, thì việc nâng cao năng lực cho các HTX thông qua các lớp đào tạo kế hoạch, phương án sản xuất, hỗ trợ kế toán cũng cần phải được thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần đào đạo về chuyển đổi số cho HTX, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm.