Ngày 22/8 tới đây, tại tỉnh Gia Lai, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức Lễ khởi động triển khai thi công xây lắp Hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” thuộc dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu.
Đây là dự án nằm trong đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Việc dự án được đầu tư xây dựng là sự mong mỏi của nhiều bà con nông dân với nhiều kỳ vọng phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vươn tầm thế giới. Dụ án được Bộ NN-PTNT giao cho Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện.
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, công trình được xây dựng với mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương, các hợp tác xã góp phần giảm chi phí đầu tư trong sản xuất. Đồng thời, áp dụng đồng bộ các tiến bộ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê, gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao chất lượng cà phê cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, dự án nhằm thúc đẩy phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, làm cầu nối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cà phê có chất lượng.
Với Hợp phần 5 tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, dự án kỳ vọng sẽ hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Qua đó nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của 2 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk. Đồng thời, phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Đây là công trình xây dựng phục vụ nông nghiệp được nuôi dưỡng từ niềm mong mỏi của bà con 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phù hợp với chủ trương của Bộ NN-PTNT và sự đồng hành mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê.
Với nhiều năm kinh nghiệm triển khai các dự án ODA trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp đã được Bộ NN-PTNT giao trọng trách triển khai xây dựng nhiều công trình trên khắp mọi miền, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Trong đó, nổi bật với sự thành công của dự án VnSAT được thực hiện từ năm 2015 - 2021 đã được quốc tế công nhận và vinh danh là dự án tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á. Tại đây, Dự án VnSAT đã đào tạo quy trình tái canh cà phê bền vững cho hơn 30.000 hộ dân với diện tích gần 30.000ha, trong đó có 25.000 hộ tiến hành tái canh với diện tích hơn 22.000ha. Trong số đó, gần 12.000ha có vay vốn tái canh từ chương trình tín dụng của Dự án với tổng vốn vay hơn 2.000 tỷ đồng.
Mặt khác, dự án VnSAT cũng hỗ trợ hơn 200 tổ chức nông dân, xây dựng và nâng cấp 233km đường giao thông nông thôn, 2km kênh mương, xây dựng 75 nhà kho, hơn 34.000m2 sân phơi cà phê, 58 máy sấy cà phê. Những hỗ trợ của dự án về trang thiết bị và hạ tầng đã được các tổ chức nông dân đưa vào hoạt động có hiệu quả.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp cho biết, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững tiếp tục hỗ trợ một số hợp tác xã đầu tư các hạng mục xây dựng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu sản xuất cà phê với diện tích 19.700ha.
Với Hợp phần 5 ở vùng Tây Nguyên, dụ án được đầu tư xây dựng khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nguồn vốn không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu và là sự mong mỏi rất lâu của nhiều bà con nông dân.
“Là một trong các đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp và đơn vị thi công phấn đấu hoàn thành hệ thống đường giao thông trong năm 2023 và toàn bộ hoạt động Hợp phần 5 vào quý I/2024, đưa vào sử dụng để góp phần xây dựng vùng cà phê chất lượng cao”, ông Hiến khẳng định.
Được biết, Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp được giao triển khai thực hiện dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu với 5 hợp phần khác nhau gồm: Phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La); Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC vùng duyên hải miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); Phát triển vùng nguyên liệu gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang); Phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang); Phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk).
Hợp phần 5 của dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên gồm: Xây dựng đường giao thông nông thôn loại A, B có tổng chiều dài 27,43km kết nối vùng nguyên liệu. Trong đó, tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng 6 tuyến đường, tổng chiều dài 12,43km, tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng 5 tuyến với tổng chiều dài 15km). Xây dựng mới 3 nhà kho chứa cà phê cho 3 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích 1.125m2. Xây dựng mới 2 nhà kho kết hợp nhà trưng bày sản phẩm cà phê cho hợp tác xã tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk với diện tích 158 m2/nhà.