Cụ thể, trong khuôn khổ dự án sẽ thí điểm triển khai trên 20 cơ sở (nông hộ hoặc HTX) nuôi gà Tiên Yên (quy mô từ 1.000 gà thương phẩm trở lên). Các cơ sở này được đơn vị chuyên môn hướng dẫn quy trình chăn nuôi, giám sát các bước thực hiện của cơ sở từ khâu đầu vào (giống, thức ăn, thuốc thú y...) đến việc ghi chép hàng ngày, sản phẩm đầu ra (trứng, con giống, thịt...); công tác an toàn thực phẩm, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Các hộ tham gia dự án chăn nuôi theo quy trình VietGAP, trong quá thực hiện được hưởng hỗ trợ 50 triệu đồng chi phí đầu tư (theo Nghị quyết 45 của tỉnh Quảng Ninh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung) và 30 triệu đồng nhận chứng chỉ VietGAP (theo Nghị quyết 43 của tỉnh về cơ chế tài chính khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ).
Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, triển khai dự án chăn nuôi theo quy trình VietGAP đối với giống gà Tiên Yên và lợn Móng Cái sẽ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, mà quan trọng là nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, tạo sức lan tỏa để nhân rộng các mô hình VietGAP trong đàn gà Tiên Yên.
Sau một thời gian triển khai, kinh tế nông hộ ở tỉnh Quảng Ninh thay đổi rõ nét, ngày càng nhiều người dân hưởng ứng, áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi gia cầm.