Theo thông tin dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh Hòa Bình, ổ dịch đầu tiên đã được phát hiện ở một hộ chăn nuôi nhỏ tại xóm Cáp- xã Hợp Thanh- huyện Lương Sơn vào ngày 05/3/ 2019 với xuất hiện lợn ốm, chết. Và ổ dịch thứ hai được phát hiện tại 3 hộ chăn nuôi ở xóm Sấu Hạ, Gò Mu, Xuân Dương- xã Thanh Lương- huyện Lương Sơn vào ngày 8/3/2019.
Sau khi kiểm tra triệu chứng lâm sàng, do nghi lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu phi, nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm bệnh. Sau khi có kết luận phát hiện vi rút dịch tả lợn Châu Phi từ mẫu bệnh phẩm và mẫu máu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã trực tiếp cùng Trạm chăn nuôi- thú y huyện Lương Sơn phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã Hợp Thanh, Thanh Lương tiến hành tiêu hủy 55 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi (xã Thanh Lương 40 con, xã Hợp Thanh 15 con) với tổng trọng lượng 2067kg.
Trước diễn biến nguy hiểm của dịch tả lợn châu phi, các biện pháp xử lý, khống chế, dập dịch, hạn chế tối đa sự lây lan được tỉnh Hòa Bình khẩn trương triển khai như: Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận thôn xóm, ngay khi có gia súc ốm chết sẽ có lực lượng kịp thời đến khoanh vùng xử lý ngay. Mặt khác, siết chặt hàng rào quản lý, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên thị trường.
Đồng chí Vương Đắc Hùng- PGĐ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: Cho đến thời điểm này, qua lấy mẫu giám sát ở tất cả các huyện, thành phố (trên 100 mẫu) trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm trường hợp nào dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi, ngoài ổ dịch đã được xử lý theo đúng quy định tại 2 xã Hợp Thanh, Thanh Lương, huyện Lương Sơn.
Để ngăn chặn, khống chế sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương đã lập các chốt trạm kiểm dịch, tăng cường kiểm soát tại các trục đường làng, ngõ xóm, khu vực giáp với các tỉnh lân cận, hạn chế người qua lại, phun khử trùng tiêu độc tất cả các loại phương tiện đi qua chốt. Các địa phương thành lập đội liên ngành kiểm soát tại các chợ, đảm bảo lợn phải có giấy kiểm dịch và xuất xứ nguồn gốc mới được phép đưa vào buôn bán, giết mổ. Cấp phát hóa chất cho các địa phương thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm, tiêu diệt mầm bệnh, bao vây ổ dịch, hạn chế việc lây lan ra diện rộng.
Đến nay, đã tiến hành cấp phát cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh 15.000 lít hóa chất. Riêng huyện Lương Sơn đã mua 100 tấn vôi bột, 2000 lít thuốc sát trùng cấp cho các xã và cấp 11 máy bơm cho các chốt kiểm dịch. Với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch tăng cường khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình. Khi có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý kịp thời. Tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, tỷ lệ lợn mắc bệnh chết là 100%. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khẳng định, vi rút bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây và gây bệnh cho người. Do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn và được chế biến hợp vệ sinh, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến người chăn nuôi.
Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có trên 410 nghìn con lợn, vì vậy tỉnh yêu cầu người chăn nuôi, các ngành liên quan cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi để tránh lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.