| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình trao đổi, thông tin thêm về bài báo 'Tan tác vùng cam Cao Phong'

Thứ Ba 19/09/2023 , 15:11 (GMT+7)

Ngày 19/9, Sở NN-PTNT Hòa Bình có văn bản gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi, cung cấp thêm một số thông tin về nội dung bài báo 'Tan tác vùng cam Cao Phong'.

Ngày 18/9/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài "Tan tác vùng cam Cao Phong". Xung quanh nội dung bài viết, hôm nay (19/9), Sở NN-PTNT Hòa Bình đã có văn bản gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi, cung cấp thêm một số thông tin về vấn đề này.

Bài liên quan

1. Theo thông tin của Sở NN-PTNT Hòa Bình tại văn bản gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 19/9, cam là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Thời kỳ cao điểm (2018) cả tỉnh có khoảng 5,1 ngàn ha; đến năm 2022, diện tích cam toàn tỉnh có 4.112ha, trồng tập trung nhất tại huyện Cao Phong. Giai đoạn 2018 - 2022 cũng là thời điểm hết chu kỳ khai thác của nhiều diện tích trồng trong thời điểm 2008 - 2013 (tùy theo giống).

Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm diện tích trồng mới khoảng 300ha, nhưng diện tích hết chu kỳ khai thác và một số diện tích bị sâu bệnh nặng phải tiêu hủy khoảng 400 - 500ha/năm. Tính riêng tại huyện Cao Phong, từ khi bắt đầu trồng cam (những năm 1960) đến nay đã qua 4 - 5 chu kỳ trồng tái canh. Chu kỳ gần đây nhất cũng là chu kỳ có diện tích trồng lớn nhất, do vậy khi hết chu kỳ canh tác thì diện tích phải hủy đi trồng lại cũng lớn nhất. Điều này dễ gây ra nhận định về việc vùng canh tác bị phá vỡ, tuy nhiên đây là điều bình thường trong canh tác cam.

Những năm gần đây, nhiều chủ vườn ở Cao Phong hiện nay đã hạn chế dùng hóa chất, thuốc BVTV và chuyển sang phân bón hữu cơ. Ảnh: Kiên Trung.

Những năm gần đây, nhiều chủ vườn ở Cao Phong hiện nay đã hạn chế dùng hóa chất, thuốc BVTV và chuyển sang phân bón hữu cơ. Ảnh: Kiên Trung.

Bài liên quan

2. Trong giai đoạn tăng nhanh diện tích cam (2012 - 2017), một số diện tích cam không đáp ứng được các yêu cầu về nguồn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh... dẫn đến vườn cây không đem lại hiệu quả kinh tế, phải hủy sớm. Những nguyên nhân gây suy thoái vườn cam đã được đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030" chỉ ra và xác định rõ các giải pháp khắc phục. Đến nay, đề án tái canh đang được Sở NN-PTNT Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Cao Phong triển khai bài bản, chặt chẽ. Đã có nhiều kết quả ban đầu quan trọng như:

- Hệ thống hạ tầng (giao thông nội đồng, điện nội đồng, cấp nước) tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây mới.

- Đã vận hành ổn định hệ thống nhà lưới 3 cấp đủ khả năng cung cấp cây giống sạch bệnh, đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia cho toàn bộ vùng trồng cây có múi của cả tỉnh.

- Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua chính sách hỗ trợ cây giống cho diện tích trồng tái canh cây cam tại huyện Cao Phong đến 2025, mức hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống sạch bệnh, đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia.

- Đã cấp được 03 mã số vùng trồng, diện tích trên 30ha.

- Đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu về tái canh cây cam tại huyện Cao Phong, quy mô gần 14ha.

3. Đến nay, sau khi thực hiện 02 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Tỉnh, đã tìm ra được nguyên nhân gây suy thoái vườn cam. Trong đó ngoài một số cây cam bị bệnh greening thì phần lớn hiện tượng vàng lá, thối rễ cam là do các sinh vật gây hại ở phần rễ cây gây ra (tuyến trùng ký sinh, nấm Fussarium, nấm Phytophthora, rệp sáp hại rễ). Đã có quy trình kỹ thuật xử lý các đối tượng này và được phổ biến rộng rãi trong sản xuất; hiện đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng quy trình, sử dụng chế phẩm sinh học để khôi phục vườn cam bị vàng lá thối rễ.

Sở NN-PTNT Hòa Bình cũng nhận thấy công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người sản xuất cần quyết liệt hơn nữa và sẽ tiếp tục phối hợp với huyện Cao Phong đẩy mạnh nội dung này.

Đến nay, một số diện tích trồng cam trước đây ở huyện Cao Phong đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Ảnh: Kiên Trung.

Đến nay, một số diện tích trồng cam trước đây ở huyện Cao Phong đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Ảnh: Kiên Trung.

4. Từ các kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm đúc rút từ thực tế sản xuất, Sở NN-PTNT Hòa Bình đã ban hành Quy trình tạm thời tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo quy trình đã ban hành thì việc luân canh cây trồng khác họ khi hết chu kỳ khai thác cam là công việc bắt buộc. Thời gian luân canh từ 2 - 3 năm trước khi cải tạo xử lý đất để trồng chu kỳ mới.

Do vậy, việc người dân trồng chuối hay ngô sinh khối trong thời kỳ luân canh là việc làm bình thường, được huyện Cao Phong và Công ty TNHH MTV Cao Phong tổ chức bài bản, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chứ không phải là hoạt động tự phát của người dân.

5. So với vài năm trước đây, hiện nay nhận thức của đa số người trồng cam đã thay đổi tích cực. Người trồng cam đã tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất. Trong niên vụ cam 2022 - 2023, đã có 7 tấn cam Cao Phong được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Vương Quốc Anh. Kết quả phân tích mẫu cam xuất khẩu với trên 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đều đảm bảo theo yêu cầu của Vương quốc Anh hay EU đã chứng minh mức độ an toàn của sản phẩm.

Đến nay, cũng còn rất ít hộ trồng cam còn sử dụng thuốc trừ cỏ mà thường giữ thảm cỏ để giữ ẩm cho đất, chống rửa trôi.

Sở NN-PTNT Hòa Bình đang triển khai đề án tái canh cây cam với mong muốn sẽ cung cấp nguồn giống chuẩn, đảm bảo nguồn gốc, không sâu bệnh để vực lại vùng cam. Ảnh: Kiên Trung.

Sở NN-PTNT Hòa Bình đang triển khai đề án tái canh cây cam với mong muốn sẽ cung cấp nguồn giống chuẩn, đảm bảo nguồn gốc, không sâu bệnh để vực lại vùng cam. Ảnh: Kiên Trung.

Mặt khác, theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong, trên toàn bộ diện tích mà công ty giao khoán cho các hộ đều được hợp đồng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, nên nhìn chung tình trạng vứt bỏ bừa bãi bao gói thuốc sau sử dụng đã được hạn chế rất nhiều, chỉ là những trường hợp cá biệt. Người sản xuất cũng ý thức được điều này, vì nhiều hộ gia đình, hợp tác xã trồng cam đã và đang phát triển hình thức du lịch trải nghiệm tại vườn cam.

6. Với hàng loạt giải pháp đã và đang bắt đầu triển khai trong tiến trình tái canh cây cam tại huyện Cao Phong, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành NN-PTNT và của huyện Cao Phong. Đồng thời rất cần sự tham gia, đồng lòng ủng hộ của người sản xuất; sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan liên quan...

Xem thêm
Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống

NGHỆ AN Săn ong giống không chỉ là công việc khởi đầu gắn với nghề nuôi ong rừng lấy mật, mà còn là thú chơi hấp dẫn, đem lại thu nhập cho nhiều người dân.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.