| Hotline: 0983.970.780

Tàn tạ vùng cam Cao Phong

Thứ Hai 18/09/2023 , 06:10 (GMT+7)

Vùng cam huyện Cao Phong (Hòa Bình) mênh mông một thời giờ chỉ còn lại hơn 1.350ha. Chủ vườn số chặt cam, bỏ vườn, số chuyển sang trồng cây ngắn ngày.

Vùng cam Cao Phong một thời bây giờ đang thành vùng trồng ngô, chuối, cây hoa màu... Ảnh: Kiên Trung.

Vùng cam Cao Phong một thời bây giờ đang thành vùng trồng ngô, chuối, cây hoa màu... Ảnh: Kiên Trung.

Một thời, vùng cam Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) là niềm tự hào của người dân địa phương. Nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ cây cam. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, diện tích trồng cam bị thu hẹp, chỉ còn hơn 1.000ha trên toàn huyện. Nhiều chủ vườn cam bỏ vườn không chăm sóc, thậm chí chặt bỏ hàng loạt để trồng cây màu thay thế.

Bài liên quan

Lạm dụng hóa chất trong quá trình canh tác, vắt kiệt sức cây khi cam được giá. Hậu quả mang lại, đất đai bị hủy hoại, không có thời gian nghỉ. Cây cam bị vắt kiệt sức, giảm tuổi đời khai thác. Điều lo ngại nhất, đó là môi trường đất đai bị ô nhiễm – thứ không dễ quan sát bằng mắt thường.

Vựa cam thành vùng ngô, chuối

Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ một vườn cam ở Cao Phong (Hòa Bình) buồn rầu chỉ cho chúng tôi những khu đồi bát úp trước kia là đất trồng cam bạt ngàn, nhưng hiện đã trở thành những đồi trồng cây ngắn ngày như chuối, dong riềng, ngô sinh khối… Vẻ tiếc nuối, anh Hoàng cho hay: “Cam tự dưng bị vàng lá hàng loạt, vườn nọ tiếp vườn kia, rồi cây cứ khô đi như người bị suy dinh dưỡng. Một thời gian sau, cây kiệt dần, chết thì không chết nhưng không ra quả ở vụ mới, hoặc nếu có ra quả thì chất lượng cũng không được là bao. Nó cứ lay lắt vậy, thế là đành bỏ vườn”.

Chỉ khu vườn 2ha trước đây trồng cam của gia đình mình, bây giờ đã chặt bỏ hết cam rồi cho người khác trồng ngô, anh Hoàng nói: “Nếu tiếp tục giữ vườn cam, chi phí chăm bón mỗi năm cả trăm triệu đồng, không đủ thu hồi vốn. Cho người khác trồng ngô, hoa màu… vừa để cải tạo đất, vừa trông giữ vườn giúp gia đình”.

Chị Vũ Thị Ngát (xã Hợp Phong) là một trong số những chủ vườn hiếm hoi đang có vườn cam xanh mướt vài ba năm tuổi mới trồng lại. Ảnh: Huy Bình.

Chị Vũ Thị Ngát (xã Hợp Phong) là một trong số những chủ vườn hiếm hoi đang có vườn cam xanh mướt vài ba năm tuổi mới trồng lại. Ảnh: Huy Bình.

Nhiều năm qua, Cao Phong là vùng cam nổi tiếng. Thời hoàng kim, cây cam cho người dân cuộc sống sung túc, dư giả. Những tỷ phú ở Cao Phong đổi đời nhờ cây cam, mua siêu xe tiền tỷ đỗ chật Quốc lộ 6 lúc cam huy hoàng. Thế nhưng, giai đoạn đó đã mau chóng qua đi.

Hiện tượng các vườn cam ở Cao Phong đổ bệnh vàng lá, cây suy kiệt không cho quả, nếu có quả năng suất cũng rất thấp trong mấy năm gần đây khiến các chủ vườn chán nản, bỏ vườn. Nhiều người đã chặt bỏ hàng loạt vì thu hoạch không đủ chi phí đầu tư, thuê người làm... Vài ba năm trở lại đây, các chủ vườn cam chặt bỏ hàng loạt. Hàng ngàn ha cam mắc bệnh, năng suất giảm tới 70 - 80%.

Con đường dẫn vào vùng cam xã Bắc Phong (huyện Cao Phong) bây giờ hiếm gặp những vườn cam trù phú, la đà như mấy năm về trước. Những quả đồi thoai thoải trải dài nối tiếp nhau từ thị trấn Cao Phong sang các xã Bắc Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Tân Phong, Đông Phong, Xuân Phong, Thu Phong… - những xã đã làm nên vùng cam rộng bạt ngàn, bây giờ chỉ còn lác đác những vườn cam vài năm tuổi.

“Rất nhiều vườn cam ở Cao Phong gặp hiện tượng lá đang tươi xanh dần chuyển sang vàng, rồi đỏ quạch như đồng, năng suất giảm trầm trọng. Bình thường, một cây cam cho sản lượng khoảng 2 tạ quả/năm thì bây giờ chỉ còn 30 - 40kg”, anh Nguyễn Xuân Tuấn, chủ một vườn cam cám cảnh. Mới đây, anh Tuấn vừa bán vườn, chuyển sang công việc khác.

Một vườn cam 3 năm tuổi vừa trồng mới trở lại lá đã vàng bệch, cây lên èo uột, chậm lớn ở Cao Phong... Ảnh: Kiên Trung.

Một vườn cam 3 năm tuổi vừa trồng mới trở lại lá đã vàng bệch, cây lên èo uột, chậm lớn ở Cao Phong... Ảnh: Kiên Trung.

Không chỉ năng suất giảm, trái cam khi sắp chín còn bị hiện tượng “beo” (vỏ như bị héo, múi teo, ăn nhạt…). Một số khác thì quả bị lụi, cháy đen ngay khi vừa đậu quả. Ban đầu, các chủ vườn nghĩ những vườn cam lâu năm đã hết tuổi khai thác, bị suy kiệt. Thế nhưng, nhiều đồi cam trồng mới, tuổi đời 2 - 3 năm cũng mắc bệnh tương tự.

Một số chủ vườn sáng tạo ra cách thức truyền dưỡng chất trực tiếp vào thân cây như người truyền nước. Nhưng cây chỉ xanh lá trở lại được một thời gian ngắn, sau đó cũng mau chóng vàng lá trở lại. Thời điểm tháng 4/2022, tổng diện tích vùng cam Cao Phong bị chặt bỏ đã lên tới hơn 50%. Sang năm 2023, diện tích trồng cam tiếp tục giảm bởi nhiều nhà vườn phá bỏ cam, chuyển sang trồng cây màu như ngô, chuối, dong riềng…

Nhiều hộ dân chặt bỏ cam để chuyển sang trồng ngô sinh khối bán cho các hộ chăn nuôi bò. Ảnh: Huy Bình.

Nhiều hộ dân chặt bỏ cam để chuyển sang trồng ngô sinh khối bán cho các hộ chăn nuôi bò. Ảnh: Huy Bình.

Chị Vũ Thị Ngát (xã Hợp Phong) có 5.000m2 vườn trồng 400 gốc cam Canh. Mỗi năm, gia đình chị đầu tư vài chục triệu đồng để mua phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Để cải tạo đất, mấy năm gần đây chị đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, phân lợn khô đóng bao mua từ các trang trại chăn nuôi trong vùng.

Tuy nhiên, vườn cam kế bên với vườn của chị Ngát cũng trồng 3 năm nhưng lên èo uột, lá vàng bệch, cây còi cọc không phát triển. “Chúng tôi không biết nguyên nhân như thế nào. Cam đã sâu bệnh, lại thêm nạn kích giun hủy hoại đất càng khiến chủ vườn thêm khó khăn, chán nản”, chị Ngát than phiền.

Vắt kiệt sức cây cam

Hiện tượng cam bị vàng lá, đỏ lá, giảm năng suất dẫn đến thất thu nhiều người dân vẫn chưa hiểu được nguyên nhân một cách rõ ràng. Một chủ vườn có kinh nghiệm hàng chục năm trồng cam cho biết, nguyên nhân có thể không phải do giống cây bởi cây giống đã được kiểm định chất lượng trước khi nhập, cũng không phải do thời tiết vì cam ở các huyện khác không bị hiện tượng này.

Những tấm biển quảng cáo bán thuốc diệt cỏ được tiếp thị tới tận vườn... Ảnh: Kiên Trung.

Những tấm biển quảng cáo bán thuốc diệt cỏ được tiếp thị tới tận vườn... Ảnh: Kiên Trung.

Bởi thế, theo nhận định của nhiều chủ vườn, nguyên nhân chính khiến cam suy kiệt là do việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật khiến đất suy thoái, chai cứng làm mất cân bằng hệ sinh vật trong đất, các loại nấm bệnh phát sinh gây hại. “1.000 gốc cam mỗi năm tiêu tốn lên tới 160 - 170 triệu đồng/năm chỉ tính riêng tiền thuốc trừ sâu và phân bón”, anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ vườn cam ở Cao Phong (Hòa Bình) cho biết.

Chưa hết, theo phản ánh của nhiều nhà vườn, nếu như mua được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng hàng chuẩn, có xuất xứ nguồn gốc đã là một nhẽ, đằng này có tình trạng không ít hộ còn mua cả phân, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ nên càng có hại cho đất trồng, tốc độ suy thoái đất càng nhanh.

Vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên con đường vào các vườn cam ở Cao Phong. Ảnh: Kiên Trung.

Vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên con đường vào các vườn cam ở Cao Phong. Ảnh: Kiên Trung.

Tại khu vực thôn 1 (xã Hợp Phong), gia đình ông Phạm Ngọc Chính đang bận rộn tra ngô sinh khối trên quả đồi vừa vỡ đất. Hai tuần trước, gia đình ông đã chặt bỏ vườn cam 1,7ha vì cam bị sâu bệnh, thoái hóa, năng suất quả không đạt.

“Cam ngày càng lụi, chất lượng quả kém, nếu giữ cũng không cho năng suất, chất lượng nên đành phải phá bỏ. Hầu hết các hộ tự cải tạo đất bằng việc trồng cây ngắn ngày thay thế, hi vọng đất sẽ được "hồi sinh" rồi sẽ trồng cam trở lại, nhưng chắc cũng phải sau 5 năm nữa mới có thể trồng cam trở lại”, ông Chính chia sẻ.

Gia đình ông Phạm Ngọc Chính vừa chặt bỏ 1,7ha cam để chuyển sang trồng ngô sinh khối vì cam chết không rõ nguyên nhân. Ảnh: Kiên Trung.

Gia đình ông Phạm Ngọc Chính vừa chặt bỏ 1,7ha cam để chuyển sang trồng ngô sinh khối vì cam chết không rõ nguyên nhân. Ảnh: Kiên Trung.

Trên những vườn cam xây tường bao cao quá đầu người hay quây tôn, rào sắt mắt cáo để bảo vệ, nhiều tấm biển quảng cáo bán hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật được treo nhan nhản, tiếp thị tận vườn. Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên những con đường xuống các vườn cam mà không được gom lại để tiêu hủy.

“Để đỡ công làm cỏ, đã có thời kỳ thuốc diệt cỏ được các chủ vườn mua về phun đẫm. Hóa chất bị nước mưa thẩm thấu xuống đất, làm ô nhiễm nước ngầm, tích tụ từ năm này sang năm khác, anh bảo làm sao mà đất đai không nhiễm độc”, một chủ vườn cam có thâm niên ở Cao Phong ngán ngẩm.

Những vườn cam đã bị chặt bỏ, chủ vườn rời đi, chỉ còn lại nhà hoang tại xã Hợp Phong. Ảnh: Huy Bình.

Những vườn cam đã bị chặt bỏ, chủ vườn rời đi, chỉ còn lại nhà hoang tại xã Hợp Phong. Ảnh: Huy Bình.

“Chúng em là người trồng cam cũng thấy có lỗi. Thời kỳ cam được giá, sốt giá, một ha cam trừ hết các chi phí cho lợi nhuận 800 triệu đồng. Như nhà tôi có 3ha mỗi năm bỏ túi hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận cao như thế ai chả ham. Cho nên, mạnh ai người nấy sử dụng hóa chất để bón, phun cho cam, phun kích rễ, kích hoa, kích quả…, mục đích là đạt năng suất cao nhất mà không biết rằng đã làm hủy hoại đất, vắt kiệt sức cây khiến chu kỳ khai thác cây cam rất ngắn, đất đai, môi trường nhanh chóng bị hủy hoại”, anh Hoàng Nguyễn Văn Hoàng, chủ vườn cam ở Cao Phong chân tình.

Xem thêm
Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống

NGHỆ AN Săn ong giống không chỉ là công việc khởi đầu gắn với nghề nuôi ong rừng lấy mật, mà còn là thú chơi hấp dẫn, đem lại thu nhập cho nhiều người dân.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.