| Hotline: 0983.970.780

Hóa giải lời nguyền làm lúa thu nhập thấp

Thứ Năm 20/04/2023 , 08:28 (GMT+7)

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ giúp nông dân thoát lời nguyền làm lúa thu nhập thấp.

“Chìa khóa” để thoát trồng lúa thu nhập thấp

Tại hội thảo “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh” do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây tại TP Vị Thanh, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh không chỉ riêng về kỹ thuật mà cả về yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội.

Empty

Nông dân ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa dưới 2ha/hộ sẽ khó có thể làm giàu. Ảnh: LHV.

Mục tiêu xuyên suốt của đề án là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với hệ thống sản xuất được tổ chức theo chuỗi giá trị; áp dụng các tiêu chuẩn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đồng thời giúp xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Địa bàn triển khai đề án tại 12 tỉnh/thành ĐBSCL (trừ Bến Tre) và sẽ triển khai theo từng giai đoạn cụ thể. Năm 2024, sẽ bắt đầu triển khai khoảng 200 ngàn ha trên diện tích đã thực hiện dự án VnSAT trước đây. Đến năm 2025, diện tích đạt 500 ngàn ha với sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn và đến năm 2030 tăng lên 1 triệu ha, sản lượng 13 triệu tấn.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang rất đồng tình, ủng hộ triển khai đề án này và cam kết tỉnh sẽ tham gia đến năm 2025 là 28.000ha và mở rộng diện tích lên 46.000ha vào năm 2030.

Theo ông Thanh, Hậu Giang là tỉnh chuyên về nông nghiệp, điều kiện khí hậu thích hợp cho phát triển trồng lúa và cây ăn trái. Qua tham gia dự án VnSAT, Hậu Giang đã mở rộng diện tích canh tác lúa áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" và gieo sạ lúa chất lượng cao chiếm phần lớn dịch tích canh tác. Tỉnh cũng đã thành lập được các tổ chức nông dân để liên kết sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn giúp nâng cao giá trị lúa gạo.

Empty

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được kỳ vọng là chìa khóa giúp nông dân cải thiện thu nhập. Ảnh: TL.

Tham luận tại hội thảo, ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nghề sản xuất lúa ở ĐBSCL từng vướng phải “3 lời nguyền”, đó là năng suất thấp, chất lượng thấp và thu nhập thấp. Suốt thời gian dài, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu chọn tạo giống mới giúp nông dân vượt qua được 2 "lời nguyền". Hiện nay, năng suất lúa của Việt Nam đã đạt rất cao. Chất lượng gạo cũng đã tăng lên rất nhiều, giá xuất khẩu đã vượt cả Thái Lan... Tuy nhiên, cây lúa vẫn chưa đem lại thu nhập tốt cho nông dân như kỳ vọng.

Lấy ví dụ một hộ nông dân chuyên trồng lúa có diện tích dưới 2ha thì không đủ chi phí cho gia đình. Trong khi đó ĐBSCL hiện có hàng triệu hộ nông dân có diện tích sản xuất dưới 2ha, vì vậy nếu không thay đổi phương thức sản xuất sẽ rất khó khăn.

Ông Bình kỳ vọng, đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ là chìa khóa, lối mở để giúp nông dân thoát "lời nguyền" làm lúa thu nhập thấp. Theo ông Bình, con số 1 triệu ha chỉ là mục tiêu phấn đấu, còn khi thực hiện sẽ không cứng nhắc dừng lại ở con số này.

Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đề án triển khai sẽ giúp cả triệu hộ nông dân được hưởng lợi. Tập đoàn Lộc Trời tham gia đề án với tư cách là người làm, trong cuộc, người thực hiện. Tuy nhiên, phải có hệ thống HTX tham gia đồng hành, vì liên kết chuỗi doanh nghiệp chỉ có thể liên kết với tổ chức nông dân chứ không thể liên kết với từng cá nhân.

Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh được kỳ vọng là sẽ sớm giúp nông dân thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thu nhập thấp… Ảnh: Trung Chánh.

Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh được kỳ vọng là sẽ sớm giúp nông dân thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thu nhập thấp… Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao là vấn đề mới, rộng, bao trùm nên cần phải tham vấn kỹ lưỡng trước khi triển khai. Đề án không chỉ đơn thuần là thay đổi từ lúa chất lượng thấp lên chất lượng cao mà là thay đổi tư duy, phương thức sản xuất… Mọi thay đổi đều gặp phải khó khăn nhưng không thay đổi thì càng khó khăn hơn. "Chúng ta thường đắn do về cái phải bỏ ra để thay đổi mà lại không nghĩ đến cái chúng ta có thể mất đi nếu không thay đổi", Bộ trưởng Hoan nói.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cùng giải quyết: “Một là phải thực hiện chuỗi liên kết sản xuất. Hai là công bố quy trình sản suất và tiêu chuẩn chất lượng. Ba là nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Bốn là tăng thu nhập cho người trồng lúa”. Để thực hiện, cần phải tri thức hóa nông dân, thay đổi quy mô sản xuất của nông hộ. Tốc độ áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ diễn ra rất nhanh.

Hợp tác xã là nòng cốt 

Tại hội nghị do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức có chủ đề “Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL..." mới đây, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho rằng, điểm sáng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL những năm qua là số lượng HTX ngày càng tăng.

Hợp tác xã được đánh giá là lực lượng nòng cốt tham gia thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp tác xã đóng vai trò là lực lượng nòng cốt tham gia thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: Trung Chánh.

Tính đến hết năm 2022, toàn vùng có 2.615 HTX và 20 liên hiệp HTX nông nghiệp. Trong đó, khoảng 60% HTX tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ, ứng dụng cơ giới hóa, số HTX yếu kém ngày càng giảm. Đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến.

Tuy nhiên theo ông Thịnh, năng lực của các HTX nông nghiệp trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, còn yếu về trình độ của cán bộ quản lý và thiếu cán bộ kỹ thuật. Quy mô HTX nhỏ, số thành viên còn ít, doanh thu không lớn, đa số lãnh đạo là người lớn tuổi… Đây là những rào cản, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm mở đường cho HTX phát triển trong giai đoạn mới.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có 252 HTX, trong đó số HTX làm ăn có hiệu qua chiếm khoảng 70%. Tỉnh đã xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với trên 40 tỷ đồng nhằm hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao, đào tạo lao động trẻ có trình độ để làm lãnh đạo, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP… Ngành nông nghiệp Hậu Giang xác định kinh tế tập thể là con đường tất yếu để phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Empty

Đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa hợp tác xã với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở lên khá phổ biến. Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải có cái nhìn đa chiều, cái nhìn khác đi và mới hơn về HTX. Không chỉ nhìn HTX ở diện hẹp, gói gọn trong không gian của HTX mà phải rộng ra trong không gian sản xuất nông nghiệp, thương hiệu nông sản.

Chỉ có con đường phát triển HTX thì nông nghiệp mới thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thu nhập thấp… Khi có những HTX mạnh và bền vững thì xã viên mới cùng nhau mua chung, bán chung, cùng hưởng lợi chung, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. 

Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải quan tâm phát triển HTX với các chính sách, hành động cụ thể. Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN-PTNT, các viện, trường cần hỗ trợ địa phương phát triển HTX, áp dụng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thiết kế gói tín dụng riêng cho HTX, đặc biệt là HTX tham gia thực hiện đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

“HTX là sáng kiến của nhân loại để hợp sức cùng nhau phát triển sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị và phân chia hài hòa các lợi ích kinh tế. HTX mở đầu bằng 2 từ “hợp tác”, nghĩa là hợp tác cả về niềm tin, tinh thần, văn hóa, tư tưởng, chứ không chỉ đơn thuần về kinh tế, phân chia lợi ích. Muốn có HTX mạnh và bền vững thì cả hệ sinh thái nông nghiệp phải có tinh thần hợp tác, doanh nghiệp phải có vai trò dẫn dắt, tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa các HTX để cùng đồng hành, phát triển”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.