| Hotline: 0983.970.780

Hoa Kỳ 'khát' mặt hàng gỗ của Việt Nam

Thứ Ba 17/05/2022 , 09:03 (GMT+7)

Lượng đồ gỗ của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chiếm đến hơn 60% trong tổng lượng hàng xuất khẩu. Trong đó, tủ gỗ và ghế sofa là những mặt hàng được ưa chuộng nhất.

Thị trường lớn của đồ gỗ xuất khẩu

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay cả nước có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Trong đó, có 4.760 doanh nghiệp chế biến gỗ, 820 doanh nghiệp sản xuất ván nhân tạo, 55 doanh nghiệp pallet và 188 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ.

Trong số 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản ở Việt Nam, trong đó có 4.813 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và 767 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường quốc tế có 2.600 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ ở khu vực này chiếm trên 42% trong tổng số doanh nghiệp cả nước.

Tại khu vực Nam Trung bộ, các doanh nghiệp chế biến gỗ chủ yếu tập trung tại Bình Định, Phú Yên và 1 số tỉnh trong khu vực phía Bắc, nơi có các làng nghề truyền thống như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định…

Tủ gỗ là một trong những mặt hàng được thị trường Hoa Kỳ 'ăn' mạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Tủ gỗ là một trong những mặt hàng được thị trường Hoa Kỳ "ăn" mạnh. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngành chế biến gỗ và lâm sản ở nước ta ngày càng khởi sắc, thu hút khoảng trên 500.000 lao động; trong đó, lao động được đào tạo, có việc làm ổn định chiếm 55-60%. Năng suất lao động bình quân đạt 25.000 USD/người/năm, tăng 25% so với năm 2015 và tăng 47% so với năm 2010”, ông Đỗ Xuân Lập, minh họa sức sống của ngành chế biến gỗ ở Việt Nam hiện nay.

Cũng theo ông Lập, hiện nay đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 5 thị trường chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam vẫn đạt đến 15,96 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu gỗ nguyên liệu và ván các loại đạt 3,74 tỷ USD, tăng 31,7%; sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 11,1 tỷ USD, tăng 16,1%; lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD, tăng 34,7%.

“Trong năm 2021, riêng 5 thị trường lớn tiêu thụ đồ gỗ của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc có tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 14,27 tỷ USD, chiếm đến 90,4% giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong 3 năm gần đây, thị trường Hoa Kỳ luôn chiếm hơn 60% lượng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Những mặt hàng thị trường Hoa Kỳ ăn mạnh nhất là tủ gỗ và ghế sofa. Trong năm 2022, những đơn hàng các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam nhận được từ các khách hàng Hoa Kỳ chiếm đến 68% trong tổng lượng hàng các doanh nghiệp ngành gỗ nước ta đã nhận được từ thị trường quốc tế”, ông Lập cho hay.

Tỉnh Bình Định, “thủ phủ” của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong khu vực Nam Trung bộ với trên 183 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh ngành gỗ, trong đó có gần 150 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ. Bình Định có thế mạnh của dòng hàng đồ gỗ ngoài trời, đang thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu dòng hàng theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng trong nhà sang thị trường Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn ở Bình Định như Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành, Tổng Công ty Phú Tài, Công ty TNHH Thiên Phát… đã lắp đặt dây chuyền hiện đại để sản xuất mặt hàng tủ bếp xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nhà máy sản xuất được đầu tư bài bản, có chiều sâu với công nghệ hiện đại để giảm sự phụ thuộc nhân công, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định chia sẻ.

Phải “chơi đúng luật”

Theo ông Đỗ Xuân Lập, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, kéo theo thị trường Hoa Kỳ “khát” các mặt hàng gỗ từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, nên ngành chế biến gỗ nước ta có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ.

“Tuy nhiên, muốn ổn định thị trường Hoa Kỳ, ngành chế biến gỗ Việt Nam phải phát triển bền vững kinh doanh gỗ hợp pháp, nhất định không chấp nhận gỗ nguyên liệu có nguồn rủi ro cao. Đặc biệt là phải tránh liên quan đến vấn đề trốn tránh xuất xứ và phải tẩy chay, không được tiếp tay cho những mã hàng áp thuế của các nước khác. Thị trường Hoa Kỳ đang “soi” mặt hàng gỗ của Việt Nam những vấn đề nói trên”, ông Đỗ Xuân Lập cho hay.

Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất tủ bếp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: V.Đ.T.

Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất tủ bếp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Lập, vào cuối năm 2020, Việt Nam đã từng bị Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cáo buộc ngành chế biến gỗ đã nhập khẩu gỗ bất hợp pháp khai thác từ các khu bảo tồn của Campuchia; nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Công Gô.

Việt Nam còn bị cáo buộc là không thực thi nghiêm khắc pháp luật về nhập khẩu và chế biến gỗ, nhất là các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp, sử dụng gỗ bất hợp chế biến những mặt hàng tiêu thụ nội địa. Đây là những rào cản thương mại khiến ngành gỗ Việt Nam không khỏi lúng túng trong lộ trình nỗ lực tăng trưởng mạnh xuất khẩu đồ gỗ, nhất là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

“Trước tình hình trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương làm việc với Bộ Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Cameroon, tăng cường công tác phối hợp kiểm soát xuất nhập khẩu gỗ nhằm đảm bảo thương mại gỗ hợp pháp giữa 2 nước. Đồng thời tiếp xúc với các cơ quan hữu quan Campuchia để tìm kiếm biện pháp ngăn chặn nạn buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới, đặc biệt là minh bạch thủ tục cấp phép xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ Campuchia…”, ông Đỗ Xuân Lập cho hay.

Bên cạnh đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung làm cho gỗ dán sản xuất từ các loại gỗ cứng, tủ bếp, tủ buồng tắm và một số sản phẩm gỗ khác của Trung Quốc không thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ, vì thế Việt Nam trở thành nơi dịch chuyển công nghiệp gỗ từ Trung Quốc, nên nguy cơ cao phải đối diện với cáo buộc gian lận thương mại.

Từ đầu năm 2020, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra gỗ dán của doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và trợ cấp sản xuất. Sau đó, Bộ Công thương Hoa Kỳ đã yêu cầu 60 doanh nghiệp sản xuất gỗ dán của Việt Nam phải giải trình nhiều câu hỏi liên quan đến xuất khẩu gỗ dán vào nước này.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan và Hải quan các địa phương tăng cường kiểm soát nhập khẩu gỗ của các doanh nghiệp FDI để tránh gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ; rà soát đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ; không cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư mới sản xuất gỗ dán, tủ bếp, tủ buồng tắm, những sản phẩm đang đối diện nguy cơ bị áp thuế rất nặng tại thị trường Hoa Kỳ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.