Họa sĩ Trần Nhật Thăng năm nay 50 tuổi. Họa sĩ Trần Nhật Thăng là con trai của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Trần Văn Thủy, nhưng anh không nối nghiệp thân phụ mà chọn con đường riêng. Họa sĩ Trần Nhật Thăng là một trong số ít nhân vật trong giới mỹ thuật kiên trì với thể loại tranh trừu tượng suốt hơn ¼ thế kỷ qua.
Năm 1996, khi vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Trần Nhật Thăng đã có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Một mình” rất hoành tráng. Từ đó đến nay, họa sĩ Trần Nhật Thăng đã có 13 triển lãm cá nhân, và vẫn hết mực chung thủy với tranh trừu tượng.
Tranh trừu tượng kén công chúng và cũng kén thị trường. Cuộc chơi tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Nhật Thăng khiến nhiều người thán phục nhưng cũng khiến nhiều người ái ngại. Tuy nhiên, họa sĩ Trần Nhật Thăng có thái độ nghệ thuật rất sòng phẳng: “Nhiều người cho rằng, thành công của nghệ sĩ là phải nổi tiếng, bán được tranh, có xe hơi, nhà lầu. Tôi lại nghĩ, thành công của nghệ sĩ chân chính là trưởng thành về nhận thức. Có những giai đoạn không bán được tranh, phải đi vay mượn, tôi nghĩ đó cũng là điều vốn quý và không thể khác được. Rất khó để có thể trôi chảy cả việc muốn tự do, muốn vẽ, muốn tu thân lại muốn có ô tô để đi. Như thế quá tham lam rồi”.
Với triển lãm “Miền không” tại Hakio Let’s Art (số 38 Trần Cao Vân, quận 3, TP.HCM) họa sĩ Trần Nhật Thăng trưng bày 30 tác phẩm trừu tượng khổ lớn. Vẫn là một họa sĩ Trần Nhật Thăng sáng tác theo quan niệm “nhìn vào trong mình để vẽ”, nhưng “Miền không” lại mang đến cho giới thưởng lãm một cảm giác sẻ chia ấm áp.
Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng mấy năm gần đây họa sĩ Trần Nhật Thăng dọn về Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La để sống lặng lẽ và vẽ an nhiên. Anh kinh doanh homestay để nuôi gia đình mình và anh có xưởng vẽ Lưng Đèo để nuôi tâm hồn mình.
30 tác phẩm trừu tượng khổ lớn ra mắt công chúng phương Nam ở triển lãm “Miền không”, hầu hết được họa sĩ Trần Nhật Thăng vẽ trong thời gian ứng phó đại dịch Covid-19. Đó là những đường nét bay bổng của sự ung dung tự tại.
Họa sĩ Trần Nhật Thăng thổ lộ: “Khi nuôi dưỡng được cảm xúc thì tôi sẽ thể hiện rất trôi chảy. Đó là lý do có đêm tôi vẽ được 10 bức, vẽ xuyên đêm và không ngừng nghỉ. Trong hội họa, tôi nghĩ nên chân thành bằng cái tâm của mình. Làm việc một cách thực sự chân thành. Một khi đã không chân thành thì tranh cũng chỉ là diễn. Điều này nghiệt ngã nhưng nó là sự thật”.