| Hotline: 0983.970.780

Hoa sim nở tím đồi cằn

Thứ Tư 29/04/2020 , 06:35 (GMT+7)

Bỏ hàng trăm triệu ra đầu tư trồng một loại cây hoang dại, không ngờ rằng, loại cây này lại giúp cho gia đình ông Khôi thu được hiệu quả ngoài mong đợi.

Một góc trang trại ông Khôi với hoa sim tím đẹp mê lòng người. Ảnh: Lê Khánh.

Một góc trang trại ông Khôi với hoa sim tím đẹp mê lòng người. Ảnh: Lê Khánh.

Thành công để trở về

Nhắc đến cái tên Huỳnh Đăng Khôi, có lẽ người dân ở huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) đã cảm thấy quá thân thuộc.

Ông được biết đến không chỉ là một người làm ăn kinh tế giỏi ở vùng đất này mà còn là một người có những suy nghĩ rất táo bạo. Trải qua nhiều năm với biết bao gian khó, ông Khôi bắt vùng đồi núi cằn cỗi phải “đẻ ra tiền”.

Trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) với mong muốn gặp được người nông dân đặc biệt này. Từ con đường chính liên huyện, rẽ vào chừng 3km về hướng đồi núi là trang trại của ông Khôi.

Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là con đường đất nhỏ với 2 bên trồng đầy cây sim tím. Phía bên dưới là một hồ cá rộng lớn hai bên cây trái sai trĩu quả trông rất mát mắt. Tất cả dường như xóa tan đi hết cái nắng chang chang, khét lẹt của những ngày đầu hè.

Gặp khách, ông Khôi niềm nở rót nước trò chuyện. Ông bảo, ông vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bình Lâm đầy gian khó này. Sau khi xuất ngũ trở về quê, ông cưới vợ và sinh được 3 người con. Đến năm 1990, thấy cuộc sống ở quê quá khó khăn, ông quyết định cùng gia đình vào TP.Hồ Chí Minh để lập nghiệp.

Ông Huỳnh Đăng Khôi đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng hơn 3.000 gốc sim trên vùng đất đồi nhà mình. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Huỳnh Đăng Khôi đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng hơn 3.000 gốc sim trên vùng đất đồi nhà mình. Ảnh: Lê Khánh.

Vào Nam, những ngày đầu tiên gia đình ông cũng đã trải qua rất nhiều vất vả. Để có tiền trang trải cuộc sống, ông cũng không nhớ nổi mình đã làm biết bao nhiêu công việc từ công nhân, cho đến người giao hàng vải…nhờ chịu thương, chịu khó, gia đình ông cũng đã vượt qua được khó khăn.

Bài liên quan

Khi có trong tay một số vốn kha khá, ông Khôi quyết định thuê đất làm xưởng in lụa, rồi thuê công nhân làm. Công việc làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình ông cũng dần khá giả, không những nuôi được 3 người con ăn học đến nơi đến chốn mà còn có “của ăn, của để”.

“Đến năm 1998, trong một lần về quê, nghe một số người bạn khuyên tôi trở về góp sức xây dựng quê hương thì lúc đầu tôi cũng từ chối. Sau một thời gian suy nghĩ lại thì tôi quyết định nghe theo. Và rồi, tôi vào TP. Hồ Chí Minh gom góp tiền của tích cóp được về vùng đồi núi này mua đất để xây dựng trang trại”, ông Khôi kể.

Có đất, ông Khôi bắt tay vào công việc khai hoang xây dựng trang trại. Chỉ sau 2 năm, ông đã biến vùng đất đồi núi rộng lớn trước đây vốn dĩ cộc cằn thành một rừng quế rộng hơn 9ha và 1 ao nuôi cá rộng 5ha cũng nhiều loại cây ăn quả khác. Khi đã thấy công việc ở trang trại tạm ổn, ông giao lại cho người em họ chăm nom và quay lại TP. Hồ Chí Minh để thu xếp những công việc còn dang dở.

Cơ duyên với loại cây mang ký ức tuổi thơ

Năm 2014, khi cảm thấy tuổi đã cao, con cái cũng đã có công việc ổn định, ông Khôi cùng vợ trở về quê nhà tiếp tục phát triển trang trại.

Lúc về, nhìn thấy cây quế có diện tích lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, ông Khôi đã gọi người chặt bán tất cả để chuyển qua loại cây trồng khác.

“Thấy diện tích quế nhiều như vậy chứ lúc đó tôi cũng bán được hơn 1 tỷ đồng thôi”, ông Khôi nói.

Mỗi gốc sim nếu chăm sóc tốt sẽ cho từ 5 – 10kg quả, mỗi kg bán được khoảng 50.000 đồng. Ảnh: Lê Khánh.

Mỗi gốc sim nếu chăm sóc tốt sẽ cho từ 5 – 10kg quả, mỗi kg bán được khoảng 50.000 đồng. Ảnh: Lê Khánh.

Tuy nhiên, dường như vùng đất đồi núi quê ông quá nghèo chất dinh dưỡng nên các loại cây mà ông trồng thử sau đó đều không thể phát triển được. Dù có đầu tư nhiều phân bón cũng không có tác dụng là bao.

Đang băn khoăn suy nghĩ không biết trồng loại cây gì thì cách đây vài năm, trong một chuyến ra thăm người thân ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), hai vợ chồng ông được tham quan đồi sim phát triển xanh mướt. Sim sau khi có quả cũng có thể đem bán hoặc dùng để chế biến thành rượu và làm mật. Và rồi, ý tưởng trồng sim của ông Khôi cũng đã bắt đầu từ đây.

“Lúc đó, tôi chắc chắn rằng cây sim sẽ phát triển được trên đất của mình, bởi trước đây vùng đồi này cây sim mọc khắp nơi. Về sau họ phá hết để trồng rừng nên đến bây giờ cả huyện này hầu như không còn 1 cây nào.

Thấy thế, tôi quyết định trồng sim vì không những lại cây này phù hợp với đất ở đây, vừa có được hiệu quả kinh tế mà còn gợi về những ký ức tuổi thơ”, ông Khôi chia sẻ.

Nói là làm, ông Khôi bỏ ra hơn 200 triệu đồng đi các vùng lân cận để tìm mua hơn 500 gốc sim về đào hố trồng thử nghiệm.

Đúng như suy nghĩ của ông, loại cây này nhanh chóng thích nghi và phát triển rất tốt ở vùng đất đồi núi này. Sau 2 năm, cây đã cho hoa và kết trái.

“Năm ngoái là vụ đầu tiên tôi thu hoạch sim, do cây mới ra quả lứa đầu, chỉ khoảng 2/3 số cây có trái và sản lượng chưa lớn nên cũng chỉ thu được vài tạ. Giá sim bán cũng rất cao, lên đến 50.000 đồng/kg mà không có đủ để cung cấp vì bữa nay thị hiếu khách hàng rất ưa chuộng lại quả này. Thấy vậy nên tôi liền tiếp tục bỏ vốn đầu tư trồng thêm”, ông Khôi tâm sự.

Hiệu quả đầy triển vọng

Năm 2019 vừa qua, ông Khôi tiếp tục bỏ ra hàng trăm triệu đồng rồi tự mình đi hết các huyện ở Quảng Nam, Đà Nẵng đào được 3.000 gốc sim đem về trồng.

Hiện nay, đồi sim của ông đang phát triển rất tốt. Theo ông Khôi, với loại cây này thì khó khăn nhất vẫn là lúc tìm giống chứ đã đem về trồng thì rất dễ chăm sóc.

Ông Khôi dự tính sẽ điều chỉnh thời gian ra hoa của cây sim để trở thành cây cảnh bán dịp Tết. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Khôi dự tính sẽ điều chỉnh thời gian ra hoa của cây sim để trở thành cây cảnh bán dịp Tết. Ảnh: Lê Khánh.

“Vì là loại cây hoang dã nên khi sim đã sống rồi thì không cần tác động gì thêm cây cũng có thể phát triển và cho trái được.

Tuy nhiên, để tăng hiệu quả thì cần phải bỏ ra thêm chút công sức chăm bón như tưới nước, bón thêm phân. Làm như thế, cây sim sẽ cho nhiều trái và trái cũng căng tròn, chất lượng hơn” ông Khôi chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của ông Khôi, cây sim thường bắt đầu ra hoa từ tháng 3 và đến tháng 6 thì thu hoạch. Để sim đạt năng suất cao, trước thời điểm cây ra hoa khoảng 1 tháng thì ông bón phân vi sinh lượt đầu tiên. Đến khi hoa kết trái hết thì bón lượt thứ 2.

Bên cạnh đó, vì vụ sim diễn ra trong mùa hè nên phải thường xuyên tưới nước để lá cây xanh tươi và giúp quả mọng hơn.

“Thông thường, sau 2 - 3 năm trồng thì sim sẽ cho trái. Nếu chăm sóc tốt, 1 cây sim có thể thu từ 5 – 10kg quả. Với giá bán 50.000 đồng/kg thì cứ 1.000 sẽ cho thu nhập từ 250 - 500 triệu đồng. Như vậy thì lợi ích kinh tế của cây sim mang lại sẽ rất lớn trong khi chi phí bỏ ra thì không tốn bao nhiêu”, ông Khôi nhẩm tính.

Chưa dừng lại ở đây, ngoài trồng sim lấy quả thì ông Khôi đang có ý định phát huy hết hiệu quả từ loại cây này trong đó có cả việc biến loại cây hoang dại này thành cây cảnh.

"Tôi đang dự tính thử nghiệm một số cây bằng cách điều chỉnh thời gian ra hoa. Theo đó thì nếu trong mùa hè mà cây ra hoa thì sẽ ngắt hết để để điều chỉnh cho hoa ra đúng tháng Chạp. Khi làm được như thế thì chuyển cây vào chậu cảnh để bán Tết.

Hoa của sim có màu tím rất đẹp nên chắc chắn thị trường rất ưu chuộng. Với cây cảnh Tết thì mỗi chậu bán được tiền triệu là điều bình thường. Ngoài ra, trong trong thời gian tới, tôi cũng sẽ lấy sim ngâm rượu bán. Rượu sim có màu đẹp lại thơm nên nhiều ngươi rất thích uống”, ông Khôi tâm sự.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...