| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Lúa hữu cơ DT 18 hiệu quả cao

Thứ Hai 21/09/2020 , 08:15 (GMT+7)

Mô hình sản xuất giống lúa DT18 theo hướng hữu cơ vụ hè thu trên vùng đất khô xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cho năng suất cao…

Vụ hè thu (HT) năm nay, Cty CP Thực phẩm xanh Đông Dương (Quảng Bình) thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất khô thôn Hàm Hòa (xã Hàm Ninh - huyện Quảng Ninh).

Ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng ban dự án của Cty cho biết: “Đây là mô hình lúa hữu cơ đầu tiên thực hiện trên vùng đất Hàm Ninh. Chúng tôi chọn giống lúa DT 18 đưa vào sản xuất. Hy vọng từ mô hình này, người nông dân cùng Công ty mở rộng sản xuất có hiệu quả cao”.

   

Mô hình lúa hữu cơ DT18 cho năng suất khoảng 60 tạ/ha. Ảnh: N.Tâm.

Mô hình lúa hữu cơ DT18 cho năng suất khoảng 60 tạ/ha. Ảnh: N.Tâm.

Ông Nguyễn Văn Giới, Bí thư Chi bộ thôn Hàm Hòa cũng là người thực hiện mô hình cho hay, trước đó, Cty đã cho ông đi tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ giống DT 18 tại một số tỉnh phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng trên đồng ruộng.

"Mô hình ban đầu này, chúng tôi chọn gần 2 ha trên vùng đất cao, đất không được màu mỡ và thiếu nước để đánh giá được sát thực hiệu quả”, ông Giới nói.

Quá trình thâm canh, ông Giới chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Mỗi sào (500m2), ông sử dụng 2 đợt bón lót và bón thúc khoảng 50 kg phân hữu cơ.

“Nếu trên cùng diện tích đất, thâm canh được nhiều vụ thì lượng phân bón cũng sẽ giảm dần chứ không nhiều như ban đầu. Giống lúa DT 18 sinh trưởng rất khỏe, đẻ nhánh tốt và chống chịu được sâu bệnh. Cho đến tại thời điểm thu hoạch, lúa chỉ bị hiện tượng sâu đục thân nhẹ với tỷ lệ bị dưới 5%”, ông Giới nói.

Trên cánh đồng lúa chín sắp thu hoạch, nhiều nông dân đến tham quan mô hình cũng tấm tắc khen cây lúa cứng cáp, bông dài và chắc hạt. Với kinh nghiệm làm nông, ông Giới và nhiều nông dân thảo luận và đồng ý với nhau về năng suất.

“Thực tế lúa DT 18 ở đây có năng suất khoảng 60 tạ/ha. Trong thời tiết khô hạn kéo dài vụ HT mà được như vậy là quá tốt rồi. Trong khi đó sản xuất lúa sử dụng phân bón vô cơ của thôn là 54 tạ/ha”, ông Giới hồ hởi.

Theo ông Giới, mô hình lúa hữu cơ ban đầu chi phí phân bón cao hơn phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm và năng suất cao sẽ mang lại lợi ích cho nông dân.

Ông Nguyễn Lê Minh bày tỏ: "Vấn đề quan trọng là khi sản xuất hữu cơ ngoài có sản phẩm sạch, môi trường sạch còn bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Doanh nghiệp cũng mong muốn nông dân hiểu và liên kết để sản xuất lúa gạo hữu cơ ngay trên chính đồng ruộng của mình”.

Mô hình lúa hữu cơ DT18 tại thôn Hàm Hòa là điểm nhấn cho việc phát triển rộng mô hình trong khu vực. Ảnh: N.Tâm

Mô hình lúa hữu cơ DT18 tại thôn Hàm Hòa là điểm nhấn cho việc phát triển rộng mô hình trong khu vực. Ảnh: N.Tâm

Ông Nguyễn Tuấn Đạt, Tổng Giám đốc Cty CP Thương mại Thái Thành (Hà Nội), đơn vị sản xuất và cung ứng giống lúa DT18 cho biết, đã đưa vào canh tác ở nhiều tỉnh trong nước. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 105-115 ngày trong vụ đông xuân, 90-95 ngày trong vụ HT.

Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, công ty đã đưa giống DT18 vào canh tác tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Qua vụ HT, năng suất DT18 đạt từ 60-70 tạ/ha.

Qua tham quan mô hình lúa hữu cơ DT18 ở thôn Hàm Hòa, nhiều nông dân muốn thử nghiệm ngay trong vụ tới. Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết, sẽ chỉ đạo các thôn triển khai nhân rộng mô hình.

“Trong định hướng phát triên nông nghiệp, xã chúng tôi xây dựng thương hiệu dưa hấu Hàm Ninh và lúa hữu cơ Hàm Ninh. Do vậy, vụ đông xuân tới, chúng tôi sẽ triển khai làm 5 mô hình lúa hữu cơ tại 5 thôn trong xã với tổng diện tích khoảng 25 ha sử dụng giống lúa DT18”, ông Hưng cho hay.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.