Người chăn nuôi không chỉ khốn khổ vì giá heo, gà đang xuống thấp mà còn thực sự phát hoảng khi TĂCN bị làm giả được buôn bán tràn lan trên thị trường!
Mới đây, trong một báo cáo hoạt động của đoàn kiểm tra thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, tuy chỉ mang tính chất thông báo “nội bộ”, nhưng đọc lướt qua bảng kê xử phạt hành chính một số DN trong và ngoài tỉnh sản xuất kinh doanh TĂCN không đạt như công bố khiến chúng tôi thực sự “sốc”, bởi không chỉ có thức ăn kém chất lượng mà còn có cả… thức ăn giả. Người ta mới chỉ nghe nói đến phân bón giả, thuốc BVTV giả, bây giờ xuất hiện thêm TĂCN giả. Nhưng điều đáng nói là TĂCN giả được làm ra bởi những DN thật, tức DN có tên tuổi hẳn hoi.
Cụ thể như công ty TNHH Japfa Comfeed Long An (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) làm giả thức ăn hỗn hợp dạng viên cho gà thịt lông màu 28-42 ngày tuổi 622 và cho heo thịt từ 30-60 kg 653; công ty CP TĂCN Nông Lâm-Vina (ấp 3, An Thạnh, Bến Lức) làm giả thức ăn hỗn hợp Vietcom Feed 004 cho heo từ 30-60kg và thức ăn “cao cấp” cho vịt đẻ thương phẩm A-Max 5656; công ty TNHH TĂCN Thiên bang Đặc khu (cụm CN Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) sản xuất giả thức ăn dạng viên cho heo từ 60 kg đến xuất chuồng AH105 và heo thịt từ 15-30kg G115AH03; công ty TNHH ANT (LA) cũng ở cụm CN Long Cang làm giả thức ăn tổng hợp dạng viên cả heo, gà và vịt gồm heo thịt từ 30-60 kg 803V, gà tam hoàng, gà ta từ 43 ngày đến xuất chuồng 63701 và vịt đẻ giai đoạn đẻ trứng 5720… Các DN vi phạm nói trên bị ngành chức năng địa phương xử phạt hành chính số tiền khá cao, thấp nhất 18 triệu, cao nhất là 25 triệu đồng!
Trên thị trường đang xuất hiện loại thức ăn chăn nuôi dùng cho heo, gà, vịt giả
Nhận định về việc này, ông Nguyễn Văn Cường (trưởng đoàn kiểm tra) cho biết thêm: “Nhiều loại TĂCN có chất lượng rất thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả của người sử dụng trong quá trình nuôi, kiểm tra 44 mẫu thức ăn có 21/44 mẫu không đạt, đặc biệt có 15 mẫu thức ăn giả, 6 mẫu không đạt chất lượng như công bố”. Nhưng từ đó, đoàn kiểm tra lại kết luận nghe nhẹ hều: “Đa số các mẫu TĂCN không đạt chất lượng là do các cơ sở nhỏ sản xuất”. Thật ra không phải như vậy, bởi các công ty nói trên đều ít nhiều đã có thương hiệu trong ngành thức ăn gia súc, thậm chí công ty TNHH ANT (LA) là một DN 100% vốn nước ngoài.
Thế nên, dù ngành chức năng đã có thông báo xử phạt đóng dấu mộc đỏ chót, nhưng các DN như công ty TNHH ANT (LA), công ty CP TĂCN Nông Lâm-Vina… khi nghe chúng tôi hỏi “xác minh” lại vấn đề trên vào ngày 18/7, đều giả vờ như không biết gì, thậm chí còn ngạc nhiên về thông tin đơn vị mình sản xuất thức ăn giả không hiểu lấy ở đâu ra (!?).
+ “Sở NN-PTNT Tiền Giang cũng có quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Cty Rank Feed Co (Thủ Dầu Một, Bình Dương) vì sản xuất thức ăn hỗn hợp dạng viên cho heo nái RIGHT 10 (loại 25 kg/bao) giả và bị ngành chức năng phát hiện tại DNTN Năm Long (Bình Tân, Gò Công Tây). Đồng thời, xử phạt 15 triệu đồng đối với Cơ sở Đông Phương (Tân Lý Tây, Châu Thành) cũng sản xuất thức ăn hỗn hợp giả cho heo nái hậu bị, nái mang thai, đực giống hiệu ECO 10 (loại 20kg/bao)” (Ông Lê Công Định, Phó Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Tiền Giang). + “Tôi chưa hiểu kết luận thức ăn chăn nuôi giả hiện nay của thanh tra ngành nông nghiệp địa phương là dựa trên tiêu chí nào. Tuy nhiên, điều 158 của Bộ luật Hình sự qui định rất rõ về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc BVTV, vật nuôi. Ngoài việc xử phạt hành chính, nếu phạm tội có tổ chức, hàng giả có số lượng rất lớn… thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề...” (Luật sư Trần Văn Đức - Trưởng VP LS Cần Giờ, TPHCM). + “Thức ăn chăn nuôi nào mà không có dinh dưỡng, chỉ có kém hoặc không đạt chất lượng thôi, còn thức ăn giả thì tôi chưa nghe, không rõ khái niệm đó là gì?” (Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN). |
TS. Vương Nam Trung (Trưởng phòng Nghiên cứu dinh dưỡng và Thức ăn gia súc - Viện KHKT NN miền Nam) cho biết, ông cũng rất bất ngờ vì lần đầu tiên nghe chúng tôi thông tin về TĂCN giả. Theo TS Trung, thức ăn giả chỉ xảy ra trong trường hợp nguyên liệu hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng được DN đưa vào như bột lông vũ, bột đất sét, cao lanh, vỏ trấu, lõi ngô… nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
“Heo, gà, vịt là động vật dạ dày đơn nên những chất trên không có giá trị, không có khả năng tiêu hóa. Nhưng khi hàm lượng nó vào sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa của các chất dinh dưỡng hữu ích trong nguyên liệu. Thậm chí, có trường hợp DN còn đưa vào cả phân urê vào thức ăn để nâng cao tỉ lệ prôtêin thô trong nguyên liệu (bột cá) nhưng thực chất giá trị dinh dưỡng bằng không!” - TS Trung nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Đổi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, nơi có trên 70 hộ chăn nuôi vịt đứng cao nhất huyện, sau khi nghe thông tin về thức ăn cho vịt vỗ béo 8115 giả của DNTN TĂCN Thành Lợi (Tân Uyên, Bình Dương) bán cho người chăn nuôi thông qua đại lý cấp 2 của bà Phạm Thị Bân (ấp Tây) đã bức xúc nói: Người nuôi không thể tự xác định được chất lượng thức ăn nên chỉ chọn mua theo thương hiệu cũng như thói quen lâu nay. Chỉ khi sử dụng mới biết mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng vì con vịt chẳng những không béo mà còn chậm lớn, chậm đẻ không giống như lời quảng cáo trên bao bì.
“Giá thức ăn cho vịt vỗ béo cao lắm, 1 bao 25 kg đại lý bán hơn 180.000 đồng. Bình quân mỗi hộ ở đây nuôi 100 con vịt trở lên, 1 ngày cho ăn 250-270 gr/con, như vậy phải mất cả bao cám vịt/ngày. Nếu gặp thức ăn giả thì rõ ràng người chăn nuôi đã bỏ tiền ra để “vỗ béo” cho DN không hơn, không kém!” - ông Đổi nói.
Tiếp xúc với chúng tôi, một số DN SX TĂCN chân chính bị “vạ lây” về chuyện thức ăn giả đặt vấn đề rằng, nếu công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng thức ăn được các cơ quan chức năng trung ương và địa phương thực hiện thường xuyên, khách quan và khoa học hơn thì chắc chắn sẽ còn phát hiện nhiều “thức ăn giả” nữa. Ngoài ra, có một thực tế là sau khi xử phạt, lẽ ra cơ quan chức năng nên công khai tên tuổi, địa chỉ DN vi phạm cho cơ quan báo chí nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi, thì có một số DN TĂCN cỡ bự lại tìm cách đối phó dư luận, bưng bít thông tin xấu nên không ai biết, cuối cùng sự việc chỉ dừng lại ở mức “phạt cho tồn tại” rồi thôi.