Ngày 2/7, một số báo đã đưa thông tin khẳng định Việt Nam sản xuất thành công vắcxin phòng dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên trao đổi với NNVN, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã bác bỏ thông tin này.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu của Học viện về vacxin DTLCP tại Bộ NN-PTNT hôm nay (2/7). |
Trước đó, tại cuộc họp về giải pháp sử dụng vacxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống DTLCP hôm nay (2/7) tại Bộ NN-PTNT, GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Học viện đã nghiên cứu và đã có vacxin DTLCP vô hoạt để tiến hành tiêm thử nghiệm tại 3 trai lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau tại vùng dịch của Hưng Yên.
Theo Kết quả bước đầu cho thấy: Toàn bộ 17/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình được tiêm vacxin đều sống khỏe mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khỏe mạnh. Những lợn không được tiêm vacxin của 3 hộ gia đình tiêm thử nghiệm đều chết do DTLCP. Bên cạnh đó, kết quả công cường độc virus DTLCP cho thấy, vacxin có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng…
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Lan cũng khẳng định: Với vacxin vô hoạt, nhóm nghiên cứu của Học Viện mới chỉ phân lập, lựa chọn được một số chủng virus, lựa chọn môi trường sản xuất vắcxin và xác định được chủng virus cường độc để đánh giá chất lượng vắcxin. Đây mới chỉ là kết quả bước đầu khả quan trong quy mô phòng thí nghiệm trong diện hẹp. Các kết quả thử nghiệm vacxin trên thực địa bước đầu cho thấy có triển vọng. Vì vậy, các loại vacxin vẫn cần nghiên cứu tiếp trên diện rộng và cần lặp lại...
Về các nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tại cuộc họp hôm nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã lưu ý: Từ nghiên cứu thử nghiệm đến SX thương mại được vacxin là một chặng đường dài, thực tế thế giới chưa SX được vacxin DTLCP bởi đây là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, đây chỉ là những kết quả bước đầu, không được chủ quan, quá lạc quan với những kết quả này. |