| Hotline: 0983.970.780

Hội chợ Làng nghề lần thứ 20: Ngày hội của các làng nghề

Thứ Ba 01/10/2024 , 16:10 (GMT+7)

HÀ NỘI Ngày 3/10, Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 sẽ khai mạc tại thành phố Hà Nội. Hội chợ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 6/10.

Lễ khai mạc Hội chợ được tổ chức từ 8h30 - 10h30 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). 

Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp do Bộ NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức, đơn vị phối hợp tổ chức gồm Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT).

Các phiên livestream với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng là một trong những điểm nhấn của Hội chợ lần này. Ảnh: Trung Quân.

Các phiên livestream với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng là một trong những điểm nhấn của Hội chợ lần này. Ảnh: Trung Quân.

Hội chợ nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống; các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu, giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Đồng thời, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Hội chợ lần này có quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp cả nước tham gia và trên 1.000m2 trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt.

Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình như gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ (Hà Nội); chiếu cói Nga Sơn; gốm Chu Đậu; gỗ Đông Giao; bạc Châu Khê; gốm Phù Lãng; tranh ghép gỗ, thổ cẩm Mai Châu; sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên; gỗ lũa mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam; mỹ nghệ từ vỏ quế, sò ốc Bà Rịa - Vũng Tàu...

Hội chợ sẽ là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, quảng bá sản phẩm các làng nghề truyền thống. Ảnh: NNVN.

Hội chợ sẽ là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, quảng bá sản phẩm các làng nghề truyền thống. Ảnh: NNVN.

Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, tiềm năng của các địa phương trong cả nước.

Khu gian hàng triển lãm chung tại Hội chợ có diện tích 100m2 được bố trí tại khu vực trung tâm Hội chợ, trưng bày tôn vinh làng nghề truyền thống như mỹ nghệ kim hoàn (vàng, bạc, đồng, khảm tam khí); gốm sứ, pha lê thuỷ tinh; điêu khắc trạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; mây song, tre nứa lá, mây tre đan; thêu, dệt thổ cẩm, lụa... và trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu đạt giải tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ do TP Hà Nội tổ chức.

100 gian hàng khác tại Hội chợ là của sở NN-PTNT, văn phòng nông thôn mới, chi cục PTNT... của các tỉnh trong cả nước; các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam. Khu gian hàng là nơi các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị trực tiếp trưng bày và giới thiệu sản phẩm; xây dựng không gian quảng bá và giới thiệu sản phẩm, văn hoá địa phương; trải nghiệm, thử nếm sản phẩm đặc sản vùng miền; tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối giao thương sản phẩm...

Tại Hội chợ, các nghệ nhân sẽ trực tiếp 'trổ tài' phục vụ khách tham quan. Ảnh: NNVN.

Tại Hội chợ, các nghệ nhân sẽ trực tiếp "trổ tài" phục vụ khách tham quan. Ảnh: NNVN.

Khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu gồm 8 gian hàng đặc biệt bằng chất liệu tre với diện tích khoảng 80m2. Tại đây, 8 nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tham gia thao diễn nghề trực tiếp tại Hội chợ: Dệt thổ cẩm Lùng Tám, gốm sứ Giang Cao, thêu tay Thường Tín, chế tác gỗ Thiết Úng, nặn tò he Xuân La, nón làng Chuông, cốm Mễ Trì, mây tre đan Phú Vinh.

Trong thời gian Hội chợ, sẽ diễn ra Diễn đàn "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” (8h30 - 11h30 ngày 4/10); hoạt động livestream bán sản phẩm làng nghề và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok (quý khách hàng có thể theo dõi và mua nông sản, sản phẩm OCOP trực tiếp trên TikTok tại kênh “Chợ phiên OCOP” trong khung giờ 10h00 - 13h00 ngày 4/10).

Ban tổ chức cũng hỗ trợ kinh phí tổ chức đưa các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công, cán bộ nông nghiệp các địa phương đến tham quan và học tập tại Hội chợ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.