| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/10/2019 , 09:04 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:04 - 14/10/2019

Hối lộ trá hình

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao trước vụ công an tỉnh Cao Bằng nhận “quà” là chiếc ô tô trị giá gần 4 tỷ đồng, do một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tặng.

Ảnh mang tính minh họa.

Đây là hành vi nhận quà trái quy định. Sau khi nhận, chiếc xe đã được công an tỉnh Cao Bằng đăng kí và đã sử dụng một thời gian. Vụ việc đã xảy ra từ lâu, nhưng tháng 7/2019 mới được UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo với Thanh tra Chính phủ.

Thế nhưng cho đến nay, điều làm dư luận bức xúc chính là những thông tin như doanh nghiệp đó tên là gì, ai là chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc, giám đốc, trụ sở ở đâu, kinh doanh trong lĩnh vực nào, là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân(?)... vẫn bị các cơ quan dấu kín.

Nhưng dù có dấu kín danh tính doanh nghiệp đến đâu, thì người dân cũng hiểu rằng mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp là lợi nhuận. Bất cứ một hoạt động nào của doanh nghiệp cũng đều mang tính trao đổi, kiểu “cái bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Nghĩa là mọi thứ cho đi đều phải thu về một cái gì đó lớn hơn, thậm chí lớn gấp nhiều lần thứ đã cho. Và trước khi cho, doanh nghiệp đều phải cân nhắc, tính toán rất kỹ để sau khi cho, chắc chắn họ sẽ thu về một món lợi lớn nhất.

Khi “tặng” cho công an tỉnh Cao Bằng một cái ô tô trị giá gần 4 tỷ đồng, thì chắc chắn doanh nghiệp kia không bao giờ cho không. Vậy họ nhằm đến cái gì mà công an tỉnh Cao Bằng có?

Công an là lực lượng thực thi pháp luật. Cái mà cơ quan công an có, chỉ là quyền sử dụng công cụ pháp luật. Nếu sử dụng quyền đó một cách đúng đắn, thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đều phải bó tay.

Còn ngược lại, làm ngơ, không sử dụng công cụ pháp luật đối với một tổ chức, cá nhân nào đó, hoặc sử dụng công cụ pháp luật để tiếp tay cho một ai đó, thì tổ chức hoặc cá nhân đó sẽ tha hồ lộng hành, coi pháp luật như không có, và hậu quả là tài sản công bị biến thành tài sản riêng, tài nguyên quốc gia bị moi móc đến cạn kiệt, là hàng giả, hàng lậu tràn lan, và không biết bao nhiêu hệ lụy khác nữa, khiến nền kinh tế đất nước bị phá hoại, người dân bị đẩy vào cảnh bần cùng... mà trường hợp Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) là một ví dụ điển hình.

Phải chăng việc tặng chiếc ô tô có giá trị lớn của doanh nghiệp bí mật trên ở Cao Bằng chính là nhằm để mua sự làm ngơ đó của công an tỉnh Cao Bằng? Và đó có phải là hành vi hối lộ, núp dưới danh nghĩa quà tặng?

Thế mà khi vụ việc bị phát hiện, thì chỉ có một số cán bộ trong công an tỉnh đứng ra tiếp nhận chiếc ô tô đó bị kỷ luật? Thật là khôi hài. Đến một người dân thường cũng hiểu được rằng nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, thì liệu những cán bộ kia có dám nhận chiếc ô tô đó không?