Thông báo được đưa ra trong chuyến thăm 3 ngày (từ 26 - 28/3) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Brazil. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trực tiếp đón tiếp đoàn công tác Pháp tại Belem, trung tâm rừng nhiệt đới Amazon.
Chính phủ hai nước cho biết trong một tuyên bố chung, rằng số tiền 1,1 tỷ euro sẽ được phân bổ trong thời hạn 4 năm để bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Dự án bảo vệ rừng được coi là sự hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa các ngân hàng nhà nước Brazil và cơ quan đầu tư của Pháp. Brazil và Pháp cũng hoan nghênh nguồn lực tư nhân từ các bên thứ ba.
“Gặp mặt tại Belem, trái tim của khu rừng Amazon, Brazil và Pháp nhất trí hợp tác thúc đẩy lộ trình quốc tế nhằm bảo vệ các khu rừng nhiệt đới”, tuyên bố chung nêu rõ.
Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực Belem sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 30 (COP 30), tuyên bố này mở ra cơ hội mới cho hợp tác quốc tế.
Theo đó, Pháp và Brazil cam kết cùng nhau ngăn chặn nạn phá rừng ở Amazon vào năm 2030. Theo tuyên bố chung, hai tổng thống nhất trí bảo tồn, phục hồi và quản lý bền vững các khu rừng nhiệt đới trên thế giới và đồng ý thực hiện một chương trình nghị sự quy mô lớn, bao gồm phát triển các công cụ tài chính đổi mới, cơ chế thị trường và thanh toán cho các dịch vụ môi trường.
Cũng trong khuôn khổ buổi gặp mặt, Tổng thống Macron và Lula đến thăm dự án sản xuất socola bền vững tại một hòn đảo gần Belem, gặp gỡ chính quyền địa phương.
Nhân dịp này, Tổng thống Pháp Macron đã trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, huân chương cao quý nhất của Pháp cho Trưởng tộc 92 tuổi Raoni Metuktire, ghi nhận công ơn của ông trong công cuộc bảo vệ rừng nhiệt đới và các quyền của người bản địa.
Tổng thống Macron cũng nhận lại từ Tộc trưởng Raoni một số tài liệu quan trọng do người bản địa nghiên cứu nhiều năm qua. Trong đó, ông nêu rõ tác động môi trường và xã hội của tuyến đường sắt Ferrograo đang được quy hoạch, cho rằng sẽ ảnh hưởng tới đời sống của nông dân trồng đậu nành.
Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Pháp, Tộc trưởng Raoni kiến nghị Tổng thống Brazil Lula không phê duyệt việc xây dựng tuyến đường sắt dài 1.000km.