Sương mù thường xuất hiện vào mùa đông ở Ấn Độ khi không khí lạnh giữ bụi, khí thải và khói từ các đám cháy do đốt rơm rạ trái phép ở một số bang lân cận.
Tầm nhìn giảm xuống còn 100m ở Delhi và Chandigarh, một thành phố phía tây bắc thủ đô, giới chức địa phương cho biết các chuyến bay và tàu hỏa vẫn tiếp tục hoạt động nhưng đôi lúc sẽ có tình trạng chậm chuyến.
Cơ quan kiểm soát ô nhiễm của Ấn Độ cho biết chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong 24 giờ ở thủ đô New Delhi ở mức 484, được xếp ở mức "rất nghiêm trọng", mức cao nhất trong năm nay.
Theo bảng xếp hạng trực tiếp của tập đoàn Thụy Sĩ IQAir, New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí ở mức "nguy hiểm" 1.081 điểm và nồng độ bụi mịn PM2.5 gấp 130,9 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Chính quyền Delhi đã yêu cầu tất cả các trường học chuyển sang hình thức học trực tuyến và thắt chặt các hạn chế đối với các hoạt động xây dựng và giao thông, với lý do điều kiện thời tiết xấu và ít gió.
Đốt rơm rạ là nguyên nhân gây ra đến 40% lượng khói ô nhiễm ở Delhi, SAFAR, một cơ quan dự báo thời tiết thuộc Bộ Khoa học Trái đất, cho biết.
Các vệ tinh đã phát hiện 1.334 vụ đốt rơm rạ ở 6 tiểu bang trong ngày 17/11, nhiều nhất trong 4 ngày qua, theo Hiệp hội Nghiên cứu Giám sát và Định hình Hệ sinh thái Nông nghiệp của Ấn Độ từ Không gian.
Dù chất lượng không khí ở mức rất xấu, nhiều người dân vẫn tiếp tục cuộc sống hàng ngày như bình thường. Nhiều tòa nhà hầu như không nhìn thấy được, bao gồm cả Cổng Ấn Độ, công trình mang tính biểu tượng của Delhi.
"Đi bộ buổi sáng thường rất dễ chịu, nhưng bây giờ không khí đang bị ô nhiễm và chúng tôi buộc phải đeo khẩu trang. Chúng tôi cảm thấy cay mắt và hơi khó thở", Akshay Pathak, một cư dân của thành phố nói với hãng tin ANI.
Cơ quan thời tiết Ấn Độ đã dự báo "tình trạng sương mù dày đặc đến rất dày đặc" đối với các bang miền bắc Uttar Pradesh, Haryana và Rajasthan trong ngày 18/11.