Kết quả trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban khu vực Tây Nam Bộ do Ngân hàng Agribank Việt Nam tổ chức ngày 29/8, tại TP Cần Thơ.
Là một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm, ngân hàng Agribank Tây Nam Bộ, với vai trò là đơn vị tín dụng chủ lực trong đầu tư lĩnh vực “tam nông”, triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông Trần Ngọc Hải, Trưởng văn phòng đại diện (VPĐD) ngân hàng Agribank Tây Nam Bộ, 7 tháng đầu năm 2022, các chi nhánh khu vực Tây Nam Bộ đã triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm, nỗ lực hoàn thành tiến độ chỉ tiêu hoạt động kinh doanh. Phấn khởi, nguồn vốn huy động của ngân hàng Agribank Tây Nam Bộ đạt 178.184 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 212.104 tỷ đồng; thu dịch vụ đạt 509,63 tỷ đồng.
Nổi bật dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong khu vực theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ đạt hơn 151 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,25% tổng dư nợ, với trên 640 nghìn khách hàng được tiếp cận.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, các chi nhánh ngân hàng Agribank trong khu vực Tây Nam Bộ đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 14.500 khách hàng, với dư nợ gần 6.000 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị cũng thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 145 khách hàng.
Ông Phạm Đức Ấn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các chi nhánh khu vực Tây Nam Bộ, góp phần duy trì năng lực cạnh tranh của ngân hàng Agribank trên địa bàn.
Trong thời gian tới, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, ông Ấn đề nghị các đơn vị triển khai linh hoạt các giải pháp phù hợp với đặc thù địa bàn hoạt động, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Hơn nữa, chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ liên kết giữa ngân hàng – bảo hiểm, ngân hàng – chứng khoán, nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ đặc thù dành cho từng đối tượng khách hàng.