| Hotline: 0983.970.780

Hơn 2.100 tàu cá ‘3 không’ của Hà Tĩnh sẽ được đăng ký

Thứ Ba 10/09/2024 , 17:22 (GMT+7)

Sau khi rà soát tại các địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố danh sách các tàu cá không đủ hồ sơ, cần hoàn thiện để được đăng ký theo quy định.

Công bố 2.156 tàu cá “3 không”

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, gần 2 tháng qua, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền các địa phương đã tập trung rà soát, kiểm đếm các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên đã được đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng, cho trước ngày Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT có hiệu lực nhưng đang hoạt động không đủ thành phần hồ sơ để được đăng ký theo quy định.

Tỉnh Hà Tĩnh có 2.156 tàu cá '3 không' thuộc diện được đăng ký theo Thông tư 06. Ảnh: Thanh Nga.

Tỉnh Hà Tĩnh có 2.156 tàu cá “3 không” thuộc diện được đăng ký theo Thông tư 06. Ảnh: Thanh Nga.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 2.156 tàu cá “3 không” thuộc diện sẽ được đăng ký nhằm đảm bảo quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của nhà nước, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Ngư dân Nguyễn Trọng Phú, trú xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên đang sở hữu tàu cá có chiều dài 8m, công suất 24CV. Tàu của ông chủ yếu làm nghề rê, khai thác cá, mực, ruốc vùng lộng.

Từ trước đến nay, tàu của ông không đăng ký, đăng kiểm, mờ sáng ra khơi đến chiều tối cập bến cá Cửa Nhượng để nhập hàng. Do không khai báo sản lượng đánh bắt hàng ngày nên việc truy xuất nguồn gốc hải sản ngành chức năng không thực hiện được.

“Tàu chúng tôi nhỏ. Từ đời ông cha đến nay ra khơi, vào lộng tự do, cũng chưa quen khai báo hay đăng ký, đăng kiểm với ngành chức năng nên tàu không có số. Bây giờ quy định nhà nước bắt buộc phải đăng ký nên chúng tôi cũng thực hiện theo yêu cầu”, ông Phú nói.

Hiện ông Phú đang được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các hồ sơ, giấy tờ để đề nghị đăng ký tàu cá trước tháng 11/2024.

Cũng nằm trong diện được đăng ký theo Thông tư 06, tàu cá của ngư dân Nguyễn Viết Đoàn ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên có chiều dài hơn 12m, công suất 24CV làm nghề câu, rê. Ông Đoàn phấn khởi chia sẻ, ban đầu ông lo ngại tàu của mình không nằm trong diện được đăng ký sẽ không thể vươn khơi. Nay được đưa vào danh sách, lập hồ sơ đề xuất đăng ký, ông và các thuyền viên không lo thất nghiệp nữa.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đang tập trung nhân lực hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký tàu cá trước ngày 31/12/2024. Ảnh: Thanh Nga.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đang tập trung nhân lực hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký tàu cá trước ngày 31/12/2024. Ảnh: Thanh Nga.

Theo danh sách công bố, xã Cẩm Nhượng có 64 tàu cá được đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng, cho trước ngày 6/5/2024. Hiện chính quyền các địa phương đang tập trung hướng dẫn ngư dân hoàn tất hồ sơ trình Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện đăng ký tàu cá đối với các tàu đủ điều kiện.

Gấp rút cấp giấy chứng nhận đăng ký cho tàu cá

Ông Nguyễn Bùi Thanh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin, sau khi UBND tỉnh công bố số lượng tàu cá “3 không” đủ điều kiện đăng ký theo quy định, đơn vị đã tham mưu Sở NN-PTNT ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã ven biển thực hiện các bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đầu tiên, chủ tàu tới Chi cục Thuế tại địa phương thực hiện nộp thuế trước bạ của tàu. Sau đó chụp ảnh toàn tàu theo hướng hai bên mạn, mạn trái 1 ảnh, mạn phải 1 ảnh, yêu cầu 2 ảnh màu kích cỡ 9 x 12cm; ảnh phải chụp rõ ràng đầy đủ hình ảnh tàu. Đối với tàu cá có chiều dài 12m trở lên, chủ tàu liên hệ với các cơ sở đăng kiểm tàu cá tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá để được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu.

Tiếp theo, thực hiện nộp hồ sơ đăng ký tàu cá theo quy định tại Quyết định số 1657/QĐ-UBND ngày 9/7/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về Công bố Danh mục và Quy trình nội bộ thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ lĩnh vực thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của ngành NN-PTNT áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.

Việc xóa tàu cá '3 không' sẽ giúp công tác truy xuất nguồn gốc hải sản thuận lợi. Ảnh: Thanh Nga.

Việc xóa tàu cá "3 không" sẽ giúp công tác truy xuất nguồn gốc hải sản thuận lợi. Ảnh: Thanh Nga.

“Lưu ý, chủ tàu cần điền đầy đủ các thông tin đăng ký tại tờ khai theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT; mục công suất định mức tại tờ khai cần quy đổi từ cv sang kw (1cv = 0,736kw). Ngoài ra, chủ tàu thực hiện việc nộp hồ sơ sau khi hoàn thành các thành phần hồ sơ theo quy định; thời hạn nộp hồ sơ muộn nhất đến hết ngày 31/12/2024, sau thời gian trên sẽ không tiếp nhận hồ sơ liên quan đến đăng ký tàu cá theo quy định tại Thông tư số 06”, văn bản của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cũng yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện đăng ký tàu cá đối với các tàu cá đủ điều kiện, trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cần bổ sung, trả lại phải nêu rõ lý do kịp thời theo đúng quy định.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành xóa tàu cá “3 không” trước ngày 31/12/2024, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện, thị xã ven biển gồm Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh chỉ đạo các xã/phường/thị trấn hướng dẫn người dân làm các thủ tục hồ sơ để đăng ký, nộp hồ sơ đăng ký trên cổng dịch vụ công tỉnh. Phối hợp với các Chi cục Thuế trên địa bàn hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục về thuế…

Sau khi đã được đăng ký, chủ tàu cá thực hiện việc đánh dấu, kẻ vẽ biển số theo quy định tại Thông tư số 23/2018 của Bộ NN-PTNT; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá; trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải, an toàn cho tàu cá theo quy định tại Thông tư số 01/2022 của Bộ NN-PTNT. Thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.