| Hotline: 0983.970.780

Hơn 800ha hoa, cây cảnh Văn Giang sẵn sàng phục vụ tết

Thứ Ba 28/11/2023 , 17:57 (GMT+7)

HƯNG YÊN Gần 800ha hoa, cây cảnh của huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã khoe sắc, sẵn sàng cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh sản xuất 440ha quất cảnh, bưởi cảnh đủ các kiểu dáng, kích cỡ đáp ứng nhu cầu dịp lễ tết cuối năm, các nhà nông Văn Giang còn trồng gần 350ha hoa và cây lá màu ngắn ngày, cây cảnh lâu năm và cây công trình, dùng trang trí nội thất, khuôn viên gia đình, công sở hoặc cây lấy bóng mát. Ngoài ra, địa phương này còn trồng gần 100.000 giò/chậu/cành phong lan, địa lan, lan hồ điệp bán ra thị trường suốt năm.

Quất cảnh Văn Giang sẵn sàng đáp ứng thị trường Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Hải Tiến.

Quất cảnh Văn Giang sẵn sàng đáp ứng thị trường Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Hải Tiến.

Hầu hết diện tích quất cảnh, bưởi cảnh ở Văn Giang hiện nay được trồng trong bể, chum, vại, ang, chậu, lọ, thống, hồ lô, sọ dừa, con giống, thân cây gỗ lũa... trông rất hấp dẫn, sinh động. Hoa và cây lá màu cũng có tới trên 200 chủng loại khác nhau, phổ biến nhất vẫn là hoa hồng, hoa trà, hoa giấy, đồng tiền, trạng nguyên, hải đường, mộc ta, dạ yến thảo... được ươm trồng trong các bầu giá thể hoặc giỏ treo, thuận lợi cho vận chuyển đi xa.     

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT Văn Giang cho biết, doanh thu từ sản xuất hoa, cây cảnh của huyện ước đạt 520 tỷ đồng, tương ứng giá trị thu nhập 650 triệu đồng/ha canh tác/năm. Riêng các dòng hoa cao cấp (phong lan, địa lan, lan hồ điệp) giá trị thu nhập đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.

Những vườn quất và bưởi cảnh đều đã có thương lái đến mua hoặc đặt cọc giữ hàng từ cách đây 2 tháng, giá bán tại vườn cũng tăng so với cùng kỳ năm trước từ 20 - 30%.

Nhà vườn Lý Văn Đức đang tạo sản phẩm bưởi cảnh 'khủng' và độc lạ. Ảnh: Hải Tiến.

Nhà vườn Lý Văn Đức đang tạo sản phẩm bưởi cảnh “khủng” và độc lạ. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Lý Văn Đức ở xã Liên Nghĩa (huyện Văn Giang) có 4 sào (sào 360m2) trồng 42 cây bưởi cảnh "khủng" và độc lạ, hiện đã xuất được 5 cây vào tỉnh Cà Mau, thu về 650 triệu đồng. Dự kiến bán hết số bưởi cảnh, năm nay ông Đức sẽ có trên 3 tỷ đồng.

Ông Đức kể, cùng diện tích này, năm 2022 ông chỉ sản xuất những cây bưởi cảnh nhỏ, dễ làm, số lượng nhiều hơn nhưng chỉ thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Năm nay đầu tư theo chiều sâu, tạo ra những bể bưởi cảnh “khủng”, giá trị thẩm mỹ cao nên lợi nhuận ước sẽ tăng gấp 3 - 4 lần năm trước.

Ông Thiều Xuân Hưng ở xã Thắng Lợi (huyện Văn Giang) trồng 4 sào quất cảnh trong các ang, thống và lọ gốm/sứ mới xuất sang Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) 500 cây với giá quân bình 600 nghìn đồng/cây, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 80 - 100 nghìn đồng mỗi cây.

“Bán hết số quất cảnh trong vườn, tôi sẽ có lãi khoảng 1,5 tỷ đồng, tăng 400 triệu đồng so với năm 2022”, ông Hưng nói chắc nịch.

Lan hồ điệp sản xuất tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Văn Giang. Ảnh: Hải Tiến.

Lan hồ điệp sản xuất tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Văn Giang. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Lý Bá Thể, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Văn Giang cho hay, Công ty có 4.000m2 nhà kính trồng lan hồ điệp, Tết Giáp Thìn tới cũng có 60.000 cành hoa xuất vườn, doanh thu dự kiến sẽ đạt ngót 12 tỷ đồng. Theo ông Thể, lan hồ điệp sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu vì để xây dựng 1.000m2 nhà kính trồng lan, nhà nông phải bỏ ra trên 1,5 tỷ đồng, chưa kể kỹ thuật trồng và chăm sóc rất khắt khe, đòi hỏi người sản xuất phải qua đào tạo chuyên ngành. 

Để trở thành vựa sản xuất hoa, cây cảnh trù phú như hiện nay, nhiều năm qua, huyện Văn Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, như cứng hóa mạng lưới giao thông nội đồng, đưa điện lưới tới các nhà vườn, chuyển giao kịp thời tiến bộ kỹ thuật trồng hoa - cây cảnh tới hộ dân, hỗ trợ thành lập các HTX hoa - cây cảnh… Nhờ đó, hệ thống giao thông nội đồng tại các xã trồng hoa, cây cảnh trọng điểm của huyện đều được thảm nhựa hoặc đổ bê tông kiên cố, đảm bảo xe vận tải từ 2 - 10 tấn có thể ra vào mua hoa, cây cảnh dễ dàng.

Toàn huyện có 5 xã  đã được công nhận là làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh. Việc sản xuất hoa, cây cảnh ở đây cũng theo hướng “buôn có bạn, bán có phường”. Theo đó, các loại quất cảnh, bưởi cảnh chỉ trồng tập trung tại các xã Tân Tiến, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở và thị trấn Văn Giang. Hoa, cây lá màu và cây công trình chủ yếu trồng ở xã Xuân Quan và Phụng Công.

Sản xuất hoa đồng tiền ở xã Xuân Quan (huyện Văn Giang). Ảnh: Hải Tiến.

Sản xuất hoa đồng tiền ở xã Xuân Quan (huyện Văn Giang). Ảnh: Hải Tiến.

Các xã được công nhận làng nghề đều có HTX hoặc tổ hợp tác về hoa, cây cảnh, giúp các nhà vườn cập nhật kịp thời thông tin thị trường và tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh các loại hoa, cây cảnh, đặc biệt còn giúp các hộ có tư cách pháp nhân trong xuất bán sản phẩm khi cần. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang vẫn thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất hoa, cây cảnh ở địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Giá thuê công lao động phổ thông tăng cao (300 - 500 nghìn đồng/người/ngày, tùy theo công việc); giá thuê ruộng cũng rất cao (7 - 100 triệu đồng/sào 360m2, tùy vị trí); quỹ đất canh tác của địa phương không còn; nhiều nơi khác cũng bắt đầu sản xuất được những cây hoa đơn giản, dễ làm và đang cạnh tranh quyết liệt với hoa, cây cảnh của Văn Giang. 

Bên cạnh đó, hoa, cây cảnh của Trung Quốc đang nhập vào nước ta với giá rất rẻ, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của người dân địa phương.

“Nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức đang đặt ra, huyện khuyến khích các hộ đi thuê ruộng để sản xuất hoa, cây cảnh ở địa phương khác, mang thành phẩm về tiêu thụ tại Văn Giang. Đồng thời tăng cường giao lưu, học hỏi công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh trong nước và thế giới, phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều chủng loại hoa, cây cảnh mới, lạ”, ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.