Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T cho biết, Tập đoàn Sunwah không chỉ mạnh về xuất nhập khẩu nông sản mà còn có kênh phân phối bán lẻ tại Trung Quốc, là tiền đề để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
“Sau lễ ký kết này, mục tiêu hợp tác chiến lược giữa 2 bên trong năm 2023 là sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đạt 4.500 container, tương đương 90.000 tấn; sẽ liên kết với nhiều HTX hơn nữa để có nguồn cung ứng sản phẩm sầu riêng ổn định xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, 2 bên cùng nhau xây dựng vùng trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc, cam kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg ở cùng thời điểm” ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, tín hiệu đang rất lạc quan cho sản phẩm trái cây của Việt Nam như trái bưởi có vùng nguyên liệu lớn, thu hoạch quanh năm và được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, trái sầu riêng được Trung Quốc ký Nghị định thư và sắp tới sẽ còn nhiều loại trái khác đều là những loại trái chiến lược.
Tổng giám đốc Tập đoàn Sunwah Khu vực Đông Nam Á Jesse Choi cũng đánh giá cao chất lượng sầu riêng Việt Nam ngày càng cải thiện trong những năm qua và đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu nên đang có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc.
“Để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, 2 bên sẽ cùng hợp tác để tập huấn nông dân trong quá trình canh tác, thu hoạch để bảo đảm chất lượng; Sunwah cũng sẽ cử đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ Vina T&T trong kỹ thuật đóng gói, vận chuyển, bảo quản để bảo đảm chất lượng cũng như cải thiện hơn nữa chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Sự hợp tác không chỉ dừng lại ở một sản phẩm cụ thể như mặt hàng sầu riêng mà còn đẩy mạnh cả chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam vào sâu trong thị trường Trung Quốc. Hai bên sẽ cùng nhau xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc để tăng sự nhận diện trên thị trường”, ông Jesse Choi chia sẻ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai khẳng định: Đồng Nai đang có sự đột phá mạnh về ngành nông nghiệp, về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hướng hữu cơ và chế biến sâu để phục vụ xuất khẩu. Do vậy, với sự kiện ký kết này càng tạo thêm niềm tin về thu hút đầu tư, hợp tác của các doanh nghiệp đến với Đồng Nai; hy vọng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sầu riêng sẽ được minh bạch thông tin, công khai, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch để nâng cao giá trị và người dân có được lợi nhuận cao hơn.
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu chính ngạch không thể thiếu vai trò cực kỳ quan trọng của các doanh nghiệp dẫn đầu, giúp lan tỏa hình ảnh nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, HXT, nông dân… cần tuân thủ quy định thị trường để giữ uy tín sản phẩm sầu riêng Việt Nam, nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu chính ngạch vừa được mở ra.
Theo ông Bình, so với các nước khác, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia, vì đường vận chuyển ngắn hơn, giá thành sản xuất và chi phí xuất khẩu thấp hơn, mang lại lợi ích rất lớn cho các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh trái cây.
Để bảo đảm sầu riêng xuất khẩu, Vina T&T đã tiến hành ký kết hợp tác bao tiêu các vùng trồng gồm: tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Hòa Phát (Đắk Lắk); trang trại Gia Trung (Đắk Nông); HTX Nông nghiệp Trường Phát (Cần Thơ) ; HTX cây ăn trái - dịch vụ Long An Minh Hưng (Bình Phước).
“Tháng 9 năm nay, lô sầu riêng đầu tiên của các vùng trồng và nhà máy đóng gói của Việt Nam chính thức có mã xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ trong vòng hai tháng, khoảng 10.000 tấn sầu riêng đã được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thông qua các kênh chính ngạch và đã thành công chiếm được thị phần tại đây. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường rất lớn của sầu riêng Việt Nam. Trung Quốc cũng kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tiêu thụ trái sầu riêng tươi lớn nhất của Việt Nam”, Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah Hồng Kông nói.