| Hotline: 0983.970.780

HTX kiểu mới tiêu biểu: Cuộc lột xác rướm máu

Thứ Năm 21/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

Đã mấy tháng nay, ở Giao Nhân (Giao Thủy, Nam Định) người ta đã dần quen với hình ảnh một giám đốc chân đất như thế của HTX mới thành lập mang tên Tường Mai A...

HTX không biên giới

Mặc những cơn gió bấc thốc tháo thổi đến buốt cả xương tủy, ông giám đốc Lê Thống Nhất vẫn cúi khom người lo che chắn cho mấy luống mạ trước sân vì sợ chúng chết rét. Ngày 22 - 24/1 tới đây nông dân toàn huyện sẽ đổ về để tham quan chuyện xưa nay hiếm: Cấy máy. Gọi là máy cho sang chứ thực ra chỉ chạy hoàn toàn bằng sức người đẩy, cứ sau mỗi cú giật tay là mấy cây mạ lại cắm phầm phập xuống bùn. Đều tăm tắp. Năng suất gấp 5 - 7 lần kiểu còng lưng cấy thông thường mà giá bán chỉ có 4 triệu.


Giám đốc HTX Tường Mai A

Đã mấy tháng nay, ở Giao Nhân (Giao Thủy, Nam Định) người ta đã dần quen với hình ảnh một giám đốc chân đất như thế của HTX mới thành lập mang tên Tường Mai A. Ông Nhất trước làm cán bộ chuyển giao tiến bộ KHKT của một viện nghiên cứu nên thừa biết các công ty đang kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay phần đa chỉ muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách còn nông sản làm ra tiêu thụ ở đâu, bất biết.

Đúng dịp nghỉ hưu non về quê, ông càng thêm thấm thía chuyện nông sản ế thừa, bán một yến thóc mới mua nổi một bát phở trên phố.

Ông nghĩ đến chuyện thành lập HTX để giảm chi phí đầu vào và nhất là tổ chức lại sản xuất cho bà con từ chọn giống, chọn phân, chọn thuốc BVTV, chọn quy trình đến bao tiêu sản phẩm. Nông dân thời nay muốn tồn tại bằng nghề phải làm ra sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu chứ kiểu được chăng hay chớ sẽ không có lãi, sẽ bỏ ruộng, bỏ làng. Mang cái lý đó ông đi thuyết phục các ông chủ nhiệm HTX khác trong vùng tụ họp lại với nhau, tổ chức lại nông dân trong chính các HTX cũ của mình.

Bản thân các ông chủ nhiệm HTX dạng này còn đang lúng túng như gà mắc tóc bởi không biết chuyển đổi theo luật mới thế nào, nhưng thức thời nên vẫn đồng lòng góp tiền tham gia vào HTX mới với số vốn điều lệ 1,9 tỉ đồng.

Lúc đầu HTX có 9 thành viên, sau mấy tháng hoạt động giờ đã lên tới 15, người đóng góp ít nhất cũng 10 triệu đồng.

Ông Đỗ Ngọc Hiên - nguyên Chủ tịch UBND xã Giao Nhân, trước nữa là nguyên Chủ nhiệm HTX Giao Nhân đóng góp tới 50 triệu đồng. Ngoài ra Tường Mai A còn có 4 chủ nhiệm HTX đương chức nữa của các xã khác cũng tham gia vào, còn số thành viên trải dài tới 6 xã như Giao Hải, Giao Long, Giao Hà, Giao Tân… không phân chia địa giới hành chính. Mỗi chủ nhiệm thành viên là một nòng cốt để vực dậy đội ngũ sản xuất ở chính quê hương mình.

Ông Nguyễn Hữu Thanh - Chủ nhiệm HTX Giao Long lúc đồng ý tham gia đã bí mật chẳng kém gì hoạt động cách mạng ngay… trong lòng địch vì sợ tiếng là cán bộ địa phương lại đi phát triển kinh tế cá nhân. Sau này hiểu ra ông lại xung phong vào hội đồng quản trị, tích cực nhất trong việc vận động dân. Với Luật HTX mới, một người có thể tham gia nhiều HTX chứ không hề bó buộc.

Đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, cử nhân tài chính, cao đẳng kinh tế, sơ cấp nông nghiệp là nguồn chất xám vô giá cho bộ máy cốt cán của HTX. Lao động trong HTX được chia thành hai nhóm: Nhóm 1 hưởng lương đồng thời hưởng khoán sản phẩm, vừa điều hành vừa lao động, số lượng khống chế gồm 4 - 6 thành viên. Nhóm 2 hưởng lương theo hợp đồng dịch vụ thỏa thuận, số lượng tham gia khuyến khích tăng theo nhu cầu với kỳ vọng hàng năm kết nạp thêm được 150 - 200 người dựa vào sự phát triển của vùng nguyên liệu. Điều này sẽ làm thay đổi dần nhận thức, tập quán, phương pháp sản xuất nông nghiệp của người dân từ theo phong trào sang theo nhu cầu, đòi hỏi của thị trường.

Những nút thắt cần phải cởi

Ám ảnh về các HTX kiểu cũ vẫn còn đè nặng lên tư tưởng của đội ngũ lãnh đạo địa phương, bởi thế một số nơi vẫn không nhận thức được đầy đủ về bản chất của HTX kiểu mới nên coi thường, xem nhẹ, nhưng ở Giao Thủy thì không. Hôm thành lập HTX Tường Mai A, đích thân Bí thư Huyện ủy xuống chỉ đạo trực tiếp, đại ý: Một là HTX này đúng là mô hình kiểu mới cần phải thúc đẩy. Hai là cán bộ của các xã không được can thiệp vào chuyện nội bộ bầu ai làm lãnh đạo HTX. Nói thế để biết rằng HTX kiểu mới ngày nay không phải là cánh tay nối dài của chính quyền xã như trước nữa mà là một đơn vị độc lập. Muốn cho nó phát triển tốt nhất là đừng can thiệp vào.

08-58-14_dsc_1414
Niềm vui của xã viên khi mua được sản phẩm tốt

Luật mới ra đời, chủ nhiệm HTX được học, được phổ biến mà nhiều người còn chưa thông, vẫn muốn bấu víu vào cái cũ, muốn có chút phụ cấp dù là nhỏ huống hồ người dân không được học nên không hề biết đến lợi ích. Thế nên khi đi vận động mọi người tham gia vào HTX Tường Mai A, người ta nhìn ông Nhất như một kẻ… kinh doanh đa cấp đang lừa phỉnh. Họ thầm bảo nhau HTX toàn xã là HTX của nhà nước còn HTX mới thành lập là HTX của tư nhân. HTX của Nhà nước còn được bảo hộ, có gì bắt đền được, còn HTX của tư nhân có gì mà bấu víu?

Ông Nhất phải nói hết nước hết cái rằng: “Các bác mua 1kg thóc giống, 1kg phân, 1 gói thuốc sâu là đang làm giàu cho đại lý còn mua của HTX là làm giàu cho HTX và cho chính mình bởi là một thành viên trong đó, hàng năm sẽ được phân phối, chia lãi theo tỷ lệ vốn góp. Đã vậy sản phẩm đảm bảo là hàng thật, đã được lựa chọn phù hợp với ruộng đồng quê mình, được hướng dẫn kỹ thuật, ghi chép nhật ký, bảo lãnh đàng hoàng, bao tiêu sản phẩm. Vậy cái nào lợi nào hơn?”.

Dân không hiểu đã đành, cán bộ cơ sở nhiều nơi cũng không hiểu nốt. Chỉ đạo phương án sản xuất không đưa HTX Tường Mai A vào, các ưu đãi nếu có cũng chỉ “rót” xuống HTX toàn xã kiểu cũ khiến cho ông Nhất cứ tha thiết với tôi rằng: “Chúng tôi không yêu cầu được ưu đãi mà chỉ muốn được đối xử bình đẳng như các HTX khác, muốn địa phương đưa HTX mình vào kế hoạch triển khai sản xuất, muốn được công nhận là mô hình kinh tế tập thể chứ không phải là tư nhân”.

Ưu đãi về vốn, về đất đai trên khuyến khích nhưng dưới chưa thông nên Tường Mai A vẫn đang phải tạm thuê trụ sở, nhà kho trong khuôn viên trường mẫu giáo cũ. Nhưng không phải vì thế mà họ nản chí. Trước nhu cầu về lúa hàng hóa chất lượng cao ngày càng nhiều, HTX nghĩ hướng phục tráng giống Bắc Thơm 7, đưa giống mới Japonica, nếp thơm, lúa dinh dưỡng về.

Trước tình trạng giá nhân công đắt đỏ, HTX áp dụng các kỹ thuật mới như mạ khay, máy cấy, gặt đập liên hợp để giải phóng sức lao động. Trước cảnh ruộng đồng bị đầu độc, HTX bàn nhau chỉ dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học để có sản phẩm sạch. Vụ đầu nên HTX ký bảo lãnh giá thu mua thóc cho bà con cao hơn 500 đ/kg so với Bắc Thơm 7, năng suất cao hơn 1,2 - 1,3 lần so với Bắc Thơm 7 khiến nông dân rất phấn khởi. Nếu làm ra hạt thóc chất lượng nhưng không nguồn gốc, không tên tuổi bán sẽ rất thiệt nên Tường Mai A nghĩ đến chuyện phải đóng bao, xây dựng thương hiệu riêng rồi đem gạo đi chào hàng.

Một chuỗi sản xuất lúa khép kín từ cấy hái đến bán hàng được hình thành. Bước đầu HTX đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ gạo Nhật tại Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định thông qua các đại lý. Mấy chục tấn vụ sản xuất vừa rồi bị “vét sạch” cho bằng hết nên giám đốc Lê Thống Nhất phải tìm mãi trong kho mới được một túi gạo nhỏ dúi vào tay tôi, bẽn lẽn: “Chú ăn thử đi! Gạo Nhật trồng ở đây được đối tác Úc đánh giá là ngon nhất Việt Nam đấy!”.

Xem thêm
Bất thường giá vé máy bay, Cục Hàng không vào cuộc

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không vừa lập đoàn kiểm tra hoạt động bán, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.