| Hotline: 0983.970.780

Huấn luyện viên Philippe Troussier 'đi săn' lồng chim nghệ thuật

Thứ Ba 23/05/2023 , 06:00 (GMT+7)

Hôm đó, thôn Trung Hòa bỗng có một đám đông vây quanh một ông Tây luống tuổi đang hỏi mua những chiếc lồng giá bằng cả vài tấn thóc nhưng không để nuôi chim.

Ông Tây 4 lần đến tận nhà để mua lồng chim

Đó chính là ông Philippe Troussier-huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Thúy và chồng là anh Đào Văn Dần- người chế tác ra những chiếc lồng chim siêu kỹ thuật này ở thôn Trung Hòa (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) kể: “Ông ấy tự đến đặt hàng và lấy lồng chim, đếm trả bằng tiền mặt. Khách nhà chúng tôi từ trước đến nay không mấy ai mặc cả bao giờ, thậm chí lắm người còn bo thêm nữa”…

Ông Philippe Troussier đến nhà chị Thúy nhận lồng chim. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Philippe Troussier đến nhà chị Thúy nhận lồng chim. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước đó, huấn luyện viên Philippe Troussier đã theo dõi trên facebook, thấy sản phẩm lồng chim của nhà chị Thúy chế tác quá cầu kỳ và nghệ thuật nên nảy sinh ý muốn phải sưu tầm cho bằng được. Cả thảy ông đã về tận nhà chị Thúy 4 lần để đặt mua 4 lồng chim với giá trung bình mỗi cái trên dưới 20 triệu đồng. Lần nào đến lấy hàng ông đều ngắm nghía rất lâu, tỏ ý hài lòng, thán phục tài năng của những nghệ nhân rồi vui vẻ chụp ảnh cùng họ cũng như ký tặng trên nhiều vật dụng. Không chỉ ông huấn luyện viên Philippe Troussier mà nhà chị Thúy còn đón nhiều khách Mỹ, Ấn Độ, Malaysia…đến mua lồng dù rằng họ không hề chơi chim mà chỉ thích sưu tầm những vật phẩm mang tính nghệ thuật.

Anh Đào Văn Dần bắt đầu làm lồng chim từ năm 1995. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng cái nghề này chịu biến động mạnh nhất là khi dịch cúm gia cầm bùng phát gần 20 năm trước, cả nước cấm nuôi chim, chính quyền còn sục vào các nhà để kiểm tra xem có chim hay không. Nhiều người khi đó phải đem áo ra trùm kín những cái lồng chim quý, cất vào buồng để chúng không còn hót được nữa, chỉ bày vài lồng chim thường ra ngoài cho chính quyền tịch thu.

Ông Philippe Troussier chăm chú lắng nghe các nghệ nhân giải thích về quá trình chế tác lồng chim. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Philippe Troussier chăm chú lắng nghe các nghệ nhân giải thích về quá trình chế tác lồng chim. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chừng 1 năm lệnh cấm ngặt nghèo như thế, anh Dần và chị Thúy không có nghề gì đành phải chuyển sang chạy chợ để kiếm cơm. Thời gian sau, khi tình hình yên yên họ mới dám hành nghề trở lại. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bị cấm túc ở nhà, nhiều người trước đây thích nuôi chim nhưng không có thời gian mới được dịp bung ra, chơi lớn. Số lượng đặt lồng gấp đôi, gấp ba thông thường khiến cho nhiều hôm anh Dần phải thức đến 2, 3 giờ sáng để đục chạm, mỗi buổi đốt hết 1 bao thuốc lá, uống cạn 2 ấm trà đặc. Làm nghề này anh thường phải thức đêm để đục, chạm cho đỡ phân tâm rồi ngủ ngày đến 9, 10 giờ sáng mới dậy.

Chị Thúy chuốt nan sao cho thật tròn trịa, óng ả rồi dựng lồng, còn anh đảm nhiệm những công việc khó hơn như đục, chạm. Ngoài ra, họ còn thuê thêm một thợ đục tích, một thợ đục triện, một thợ đục xương. Xương ở đây chính là xương động vật. Vợ chồng chị mất 1-2 tháng mới chế tạo xong 1 chiếc lồng chim nên bán ra trung bình 20-25 triệu đồng/cái. Tuy nhiên cũng có những cái riêng như việc độ các chi tiết bằng xương đã hết khoảng 20 triệu đồng nên giá bán lồng còn gấp đôi, gấp ba thế.

Ông Philippe Troussier ký tặng gia đình chị Thúy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Philippe Troussier ký tặng gia đình chị Thúy. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một tay chơi chim khét tiếng Hà Nội là Chương tailor cũng đã đặt mua vài lồng chòe than của anh Dần: “Anh ấy còn đặt những chiếc lồng chim từ Trung Quốc trị giá hàng trăm triệu. Thực ra mà nói, giá của chúng đắt bởi qua tay nhiều người và vật liệu, kỹ thuật làm cũng kỹ hơn hàng Việt.

Người ngoài nhìn hai cái lồng chim có thể thấy giống nhau nhưng người trong nghề nhìn thoáng cái là biết nghệ nhân nào làm ngay. Nhiều khách của chúng tôi kỹ tính đến mức yêu cầu những thông số kỹ thuật chính xác đến từng milimet. Đến ngày lấy, họ hết đặt lồng trên bàn ngắm nghía, rồi lại treo lồng lên ngắm xiên ngắm xẹo cả tiếng đồng hồ. Có người còn sợ chúng tôi cầm vào sẽ hỏng mất lồng của họ, cứ dặn lên dặn xuống là phải cầm thật nhẹ tay, làm cho vợ chồng tôi cảm thấy sướng lâng lâng”.

Khác với nhiều người làng chỉ bán trực tiếp, chị Thúy còn đầu tư hình ảnh, trang phục rất kỹ càng trong các buổi livestream trên các mạng xã hội như tiktok, facebook để tương xứng với những chiếc lồng chim đầy tính nghệ thuật của nhà mình.

Nguyên liệu được chọn lọc rồi trải qua các công đoạn như ngâm tre, luộc tre, hun tre, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng. Cầu kỳ hơn cả là công đoạn chạm đường viền cho các vanh lồng, đục các tích với những đường nét tỉ mỉ và sống động.

Chị Thúy đang dựng một chiếc lồng chim. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Thúy đang dựng một chiếc lồng chim. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cấm người chế tác được tiết lộ về người mua

Làng Vác có khoảng 150 hộ làm lồng chim nhưng đục thủ công, chế tạo ra được những tác phẩm siêu kỹ thuật trị giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu thì ngoài vợ chồng anh Đào Văn Dần ra còn có vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Thế Hiển. Anh kể, ngày xưa làng Vác chủ yếu chỉ làm quạt giấy, 50, 60 năm trước có ông Lộng, ông Mùi bắt đầu khởi nghề đan lồng chim nhưng hồi ấy, người đói chẳng có cái ăn nữa là chơi chim, thành ra bán được rất ít.

Ông Lộng, ông Mùi cũng đã về với tổ tiên vài chục năm nay rồi, không được chứng kiến giai đoạn thịnh hành, vàng son rực rỡ của nghề đan lồng quê mình. 30 năm nay, do nhu cầu chơi chim phát triển khiến nhiều nhà trong làng đua nhau đan lồng. Đó cũng là thời của thế hệ thợ mới như anh Nguyễn Văn Tuấn.

Năm 1993 anh thường chở mươi cặp lồng tòng teng đằng sau xe đạp ra tận chợ Đồng Xuân ngoài nội thành Hà Nội để bán. Giá mỗi cái lồng hồi đó trung bình 20-25.000 đồng, trong khi giá vàng khoảng 400-500.000 đồng/chỉ. “Ban đầu lồng không có đục chạm, không đòi hỏi độ tinh xảo gì cả. Lồng càng ngày càng đẹp lên là do khách hàng yêu cầu mỗi lúc một khó như thêm hoa văn, chạm trổ đủ các tích như long ly quy phượng, tùng cúc trúc mai, nho sóc, mai điểu…

Những phụ kiện bằng xương của một chiếc lồng đắt tiền nhà anh Tuấn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những phụ kiện bằng xương của một chiếc lồng đắt tiền nhà anh Tuấn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hồi trước khách yêu cầu miệng với thợ rồi tôi tự mình tưởng tượng ra mà làm, những năm gần đây họ chụp ảnh gửi cho xem những hình có sẵn để làm theo. Có những cái lồng vợ chồng tôi làm 5-6 tháng mới xong. Nguyên liệu được chọn lọc rất kỹ. Tre già chặt ra phải có màu đỏ, nổi vân, bổ ra thành nan, ngâm dưới bùn vài tháng, vót thành nan rồi lại luộc 4-5 tiếng cho sạch nhựa. Xương ống chân trâu, chân bò chọn loại thật già, to và dày, ngâm tẩy cho hết gân, hết mỡ rồi phơi nắng, đục chạm xong lại phải tẩy trắng cho đẹp.

Không chỉ có xương động vật mà một số khách hàng còn yêu cầu đục chạm cả những bộ phận khác của động vật, quý hiếm hơn nên lồng chim thường có giá rất đắt. Từ những nguyên liệu được chọn kỹ đó tôi lại phải lọc ra xem những nan tre, miếng xương nào đồng màu để rồi soạn cho đủ làm một cái lồng khuyên, lồng chòe, lồng mi, lồng yến…”, anh Tuấn bộc bạch.

Mỗi cái lồng chim có một hình dáng, kích thước riêng nhưng tất thảy đều đòi hỏi độ tinh xảo rất cao. Ví dụ chạm một con chim to bằng cái cúc áo nhưng những chi tiết còn nhỏ hơn hạt gạo như mắt, mỏ, móng, lông phải rõ nét, sống động như con chim thật đang muốn vươn cổ lên mà hót. Không dùng kính lúp mà phải bằng mắt thường bởi thế thị lực của người thợ chế tác lồng chim ngang cỡ phi công và bàn tay của họ ngang cỡ bác sĩ phẫu thuật với những cái đục còn nhỏ hơn cả nan hoa xe đạp. Khi nào mắt kém, tay run là bị tổ nghề loại thải ngay.

Anh Tuấn bên một chiếc lồng chim loại trung bình, vừa hoàn thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Tuấn bên một chiếc lồng chim loại trung bình, vừa hoàn thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình làm nghề hễ ngơi tay đục người thợ phải ngắm nghía, soi từng chi tiết một xem đã thật hoàn hảo hay chưa. Cầu kỳ như vậy nên mỗi năm nhà anh Tuấn chỉ chế tác được 2-3 chiếc lồng chim, có những chiếc giá lên tới 150 triệu tùy theo chất liệu trang trí bằng xương hay bằng những bộ phận quý khác của động vật.

Khách có cả người nước ngoài, biết qua facebook, nhắn tin bằng tiếng Anh rồi anh dùng phần mềm dịch trả lời. Họ thỏa thuận mẫu mã, giá cả xong thì đặt cọc 30%. Lồng chim khi được vận chuyển xuyên biên giới được bảo vệ bằng ba lớp, ngoài là thùng gỗ, trong là thùng xốp, cuối cùng là nylon. Phí mỗi lần chuyển đi như thế mất khoảng 5-6 triệu đồng.

“Với những cái lồng chim trị giá hàng trăm triệu thì cỡ 70% người chơi ở trong Nam, còn 30% người chơi ở phía Bắc. Có những ông khách kỹ tính đến mức không chỉ ngắm, sờ bên ngoài chiếc lồng chim mà còn thò cả tay vào bên trong sờ xem có láng mịn hay không, nếu không tôi phải chuốt lại. Giá bán tuy cao nhưng tính ra mỗi ngày công của chúng tôi chỉ hơn 200.000 đồng mà thôi.

Một số khách hàng đặt mua những chiếc lồng chim cả trăm triệu nhưng khi tôi chụp ảnh quảng bá trên facebook về mẫu đó, họ liền xin gỡ xuống ngay bởi sợ có người làm theo sẽ... đụng hàng. Thâm chí họ còn dặn nếu ai hỏi thì tôi không được nhận rằng mình đã làm ra chiếc lồng này để còn độc quyền mẫu đó. Chưa bao giờ tôi đem sản phẩm của mình đi dự một cuộc thi nào về thủ công mỹ nghệ cả. Có những thời điểm khó khăn cũng muốn bỏ nghề đấy, nhưng rồi nghĩ về gia đình, tôi lại phải cố mà theo.”

Với nghề làm lồng chim đắt tiền, những người phụ nữ thường chỉ làm những khâu phụ như vót nan, tay xách, dựng cắm lồng, đánh giấy ráp, còn cánh đàn ông làm những khâu về kỹ thuật.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.