| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Sáu 08/10/2021 , 14:15 (GMT+7)

Tỉnh Bạc Liêu sẽ sớm hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Việt.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Việt.

Sau khi Nghị quyết 120 ra đời năm 2017, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo biến đổi khí hậu. Qua đó, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Tỉnh Bạc Liêu xác định kế họach và đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, trong đó, sẽ sớm hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 600.000 tấn, lúa đạt 1.175.000 tấn và muối đạt 55.000 tấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, cho biết: Để đạt các mục tiêu đề ra, địa phương sẽ rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện chính sách đất đai theo thẩm quyền, điều chỉnh quy hoạch theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra, sẽ đề xuất hủy bỏ những quy hoạch không khả thi, thu hồi đất đối với những dự án không hiệu quả hoặc chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện.

Nông dân nuôi tôm công nghệ cao phấn khởi vì trúng vụ tôm. Ảnh: Quốc Việt.

Nông dân nuôi tôm công nghệ cao phấn khởi vì trúng vụ tôm. Ảnh: Quốc Việt.

Đồng thời, rà soát, phân loại dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn xoay quanh nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp trước tác động của BĐKH, bên cạnh xây dựng cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã huy động nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI, vốn từ các thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp để hạn chế rủi ro trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới tư duy, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn là hết sức cần thiết và cấp bách trước BĐKH như bất thường như hiện nay.

Người dân cần phải được hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật, thị trường, nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật . Tỉnh tiếp tục tuyển chọn dự án đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Trong đó, đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch, xem xét thẩm định, quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Chia sẻ với NNVN ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tỉnh Bạc Liêu sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu như: kè hai bên bờ sông TP. Bạc Liêu, kè chống sạt lở cửa sông, ven biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát, TP. Bạc Liêu (phía bờ Tây kênh 30/4).

Đồng thời, xây dựng hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập cho Tp. Bạc Liêu và vùng lân cận (cống Nhà Mát, cống Chùa Phật). Có thể gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu... cùng dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất lúa - tôm của huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai.

Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu cũng dành kinh phí thực hiện các dự án cảng cá, bến cá kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão. Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, ưu tiên cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây dựng mới hệ thống đê sông, đê biển, đảm bảo phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường gây ngập lụt, sạt lở đất, xâm nhập mặn do nước biển dâng, nhất là đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A và vùng ven biển.

Nhiều tuyến tuyến giao thông kết nối được đầu tư nhằm tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng được Bạc Liêu phối hợp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau để thực hiện.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Việt.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Quốc Việt.

Hiện nay, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Bạc Liêu chiếm 44% tổng số lao động. Các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Đông Hải đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Giá Rai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất