| Hotline: 0983.970.780

Hướng tới số hoá trong quản trị sản xuất ngành hàng trái cây ở ĐBSCL

Thứ Sáu 13/05/2022 , 08:58 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện nay, một số Sở NN-PTNT ở ĐBSCL cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ số hoá trong quản trị sản xuất ngành hàng trái cây.

Mới đây, Đoàn công tác của Cục Trồng trọt đã làm việc với Sở NN-PTNT một số tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng ThápTiền Giang về tình hình sản xuất và tiêu thụ trái cây.

Tại các địa phương này, cơ quan chức năng nắm rất rõ số liệu về sản lượng và diện tích của từng loại cây trồng, thậm chí có cả số liệu dự báo từng tháng, mùa vụ trong năm. Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng thừa nhận mức độ chính xác của số liệu không cao bởi đây là số liệu ước tính dựa trên diện tích và năng suất bình quân.

Bên cạnh đó, mức độ cụ thể của số liệu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu quản trị của cơ quan quản lý. Một số vấn đề như: địa chỉ, mức độ hợp tác tiêu thụ, giá thành, chu kỳ kinh doanh khai thác cây trồng… chưa được cụ thể hoá cũng như việc phân tích lợi nhuận cho bà con nông dân ở từng nhóm cây trồng hầu như chưa có. Do đó, trước thông tin giá cả của một loại trái cây nào đó biến động thì các cơ quan chức năng hoàn toàn bị động và chưa có khuyến cáo, phân tích đối với dư luận, nông dân, doanh nghiệp.

Tỉnh Tiền Giang đang tiến hành thực hiện số hoá trên các loại cây trồng chủ lực, trong đó có cây thanh long. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh Tiền Giang đang tiến hành thực hiện số hoá trên các loại cây trồng chủ lực, trong đó có cây thanh long. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Chúng ta phải tham gia vào công tác quản trị sản xuất của ngành hàng trái cây để chủ động hơn. Các ngành chức năng ở ĐBSCL đều nhận thấy thời gian tới cần thực hiện sớm vấn đề này trên tinh thần vẫn tôn trọng quy luật thị trường”.

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái trên 85.000ha, lớn nhất ĐBSCL. Những loại cây ăn trái chủ lực có diện tích, sản lượng lớn như: thanh long trên 9.800ha, sầu riêng trên 16.000ha, mít trên 15.100ha, khóm trên 14.200ha, xoài trên 3.200ha, bưởi gần 5.300ha. Tổng sản lượng hàng năm trên 1,2 triệu tấn. Trong hai tháng 5 và 6 này, các loại trái cây chủ lực vào thời điểm chính vụ cho sản lượng thu hoạch lớn, ước trên 254.000 tấn. Sáu tháng cuối năm, sản lượng còn lại trên 546 nghìn tấn.

Theo ông Trịnh Công Minh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, tỉnh này đang tập trung nâng cao chất lượng các mặt hàng chủ lực, trong đó cây ăn trái là ngành hàng lợi thế. Hiện nay, Tiền Giang cũng như các địa phương khác ở ĐBSCL, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ khó quản lý, thị trường tiêu thụ phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Trong khi đó, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, đóng vai trò kết nối sản xuất tiêu thụ không cao.

Để quản lý hiệu quả hơn, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đang thực hiện số hoá dữ liệu quản lý cây trồng, vật nuôi chủ lực. Theo ông Minh cho biết, Sở NN-PTNT Tiền Giang đang đặt hàng Tổng Công ty Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng phần mềm quản lý, thực hiện số hoá ngành nông nghiệp tỉnh.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết Cục đang thực hiện thí điểm phần mềm quản trị cây ăn trái vùng trồng ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết Cục đang thực hiện thí điểm phần mềm quản trị cây ăn trái vùng trồng ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Thí điểm ứng dụng phần mềm quản trị cây ăn trái vùng trồng ĐBSCL

Trong năm 2021, Cục Trồng trọt đã xây dựng công cụ (app - phần mềm) quản trị vùng trồng cây ăn trái tại ĐBSCL với tên gọi “Quản trị cây ăn trái, vùng trồng ĐBSCL”, đang được thí điểm tại một số địa phương.

Đối với vấn đề thực hiện công cụ quản trị cây ăn trái vùng trồng ĐBSCL, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết thêm sẽ báo cáo lãnh đạo Sở để xin ý kiến thực hiện thí điểm trên 2 cây trồng chủ lực của tỉnh đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ là thanh long và mít. Ông Minh kỳ vọng, công cụ này sẽ giúp địa phương cũng như nông dân phát triển sản xuất tiêu thụ cây ăn quả hiệu quả hơn.

Công cụ này giúp thống kê toàn bộ sản lượng các loại cây ăn trái trong một vùng trồng cụ thể, giới hạn địa lý nhỏ nhất đến cấp xã. Từ đó, tiến tới quản trị sản lượng của một vùng trồng tại một huyện, tỉnh và vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, công cụ cũng giúp tính toán được giá thành và dự báo thời gian thu hoạch cũng như tuổi cây và lợi nhuận mang lại.

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng cho hay, công cụ còn cung cấp những loại trái cây đã được cấp mã số vùng trồng, thị trường xuất khẩu, số hợp tác xã đang hoạt động. Ngược lại, những diện tích chưa được cấp sẽ giúp cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi, động viên và hỗ trợ bà con nông dân tiếp thực hiện.

Chúng ta có bao nhiêu sản lượng, đạt những tiêu chuẩn nào, mức độ liên kết với doanh nghiệp. Sản lượng xuất khẩu, tiêu thụ nội địa để cung cấp thông tin cho những người tham gia trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ trái cây trong toàn vùng như doanh nghiệp, nông dân, thương lái và cả khách du lịch.

Quan trọng nhất, chúng ta ước lượng được sản lượng dư thừa và có cảnh báo. Đó là sự tham gia của quản trị vùng trồng trong việc tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL, ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.