| Hotline: 0983.970.780

Bàn cách xóa tình trạng mất cân bằng, bất bình đẳng khi phát triển hệ thống lương thực thực phẩm

Thứ Hai 24/04/2023 , 18:31 (GMT+7)

Bàn về công tác rà soát các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương, các đại biểu dự Phiên 3 đều nhất trí với quan điểm hợp tác đa bên.

Video: Quang Dũng, Phạm Huy.

Cần những kế hoạch cấp quốc gia

Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận thứ 3 với Chủ đề "Rà soát, các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương" tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững, bà Corinna Hawkes, Giám đốc Hệ thống Thực phẩm và An toàn thực phẩm (FAO) cho rằng, hiện nay đang tồn tại sự mất cân bằng, bất bình đẳng trong hệ thống LTTP.

Dẫn chứng cho thực trạng đó, bà Corinna Hawkes cho biết, 1/3 phụ nữ đang lao động trong hệ thống LTTP có mức lương thấp hơn nam giới. Ngoài ra, trong khi ở nhiều quốc gia, hệ thống LTTP có mức phát thải thấp thì không ít nước có mức phát thải cao. Hay như vấn đề trong hệ thống giống cây trồng, nhiều giống cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Corinna Hawkes phát biểu đề dẫn phiên thảo luận thứ 3 của Hội nghị toàn cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Corinna Hawkes phát biểu đề dẫn phiên thảo luận thứ 3 của Hội nghị toàn cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, đại diện FAO cho rằng giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề mất cân bằng, bất bình đẳng trong hệ thống LTTP là phải trao cơ hội, thu thập ý kiến, đổi mới sáng tạo, lắng nghe suy nghĩ quan điểm của những người yếu thế, những đơn vị liên quan trong hệ thống LTTP.

Từ đó, bà Corinna tin rằng có thể tìm ra những phương thức hài hòa lợi ích, cân bằng giữa xã hội, môi trường, phát triển bền vững trong hệ thống LTTP.

Đặt câu hỏi cho những đại biểu tham dự phiên thảo luận, bà Corinna tập trung vào những kễ hoạch, giải pháp mang tính tổng thể ở cấp quốc gia. Với nước chủ nhà Việt Nam, bà Giám đốc của FAO tỏ ra hào hứng trước Kế hoạch quốc gia về phát triển hệ thống LTTP, vừa được Thủ tướng ban hành kèm Quyết định 300 ngày 28/3.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam đã gặp nhiều sức ép, từ những yếu tố khách quan và chủ quan. Những vấn đề ấy bắt buộc quốc gia cần có những hành động, cam kết mạnh mẽ hơn, bên cạnh những cam kết đã đưa ra tại COP 26 hay hai cam kết khác liên quan tới ngành nông nghiệp về rừng và phát thải khí mê-tan.

"Việt Nam cần có chính sách xuyên suốt, và mong muốn cải thiện, xây dựng hình ảnh trên trường thế giới", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Việ Nam hiện là quốc gia xếp thứ 15 về xuất khẩu nông sản trên thế giới, với biên độ thị trường mở và dễ chịu tổn thương hơn từ các tác động thế giới. Qua cam kết về kế hoạch quốc gia, Việt Nam mong muốn có cơ chế điều phối cũng như các chỉ đạo xuyên suốt, các hợp tác ở mọi cấp độ từ Trung ương đến địa phương.

Bà Christine Campeau, Giám đốc vận động toàn cầu CARE (phải) trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Christine Campeau, Giám đốc vận động toàn cầu CARE (phải) trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Việt Nam, ngành nông nghiệp đã có những đối tác trong chương trình Một sức khỏe, theo ông Tuấn. Đó có thể là Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế bày tỏ mong muốn, ngoài đa ngành đa cấp, cần có thêm sự phối hợp với cả khối tư nhân, HTX, cũng như các đối tác quốc tế.

Trước đó, Việt Nam đã có một loạt hội thảo tham vấn cấp vùng, cấp quốc, với nhiều hội nghị chuyên đề khác nhau. Ít nhất khoảng 500 ý kiến đóng góp đã được gửi tới các cơ quan quản lý Việt Nam. Từ đó, các bên liên quan đã tổng hợp và trình Kế hoạch lên Thủ tướng.

Nguyên nhân cuối cùng khiến Việt Nam quyết liệt trong việc ban hành kế hoạch cấp quốc gia, đó là cả hứng từ cách tiếp cận mà Tổng thư ký Liên hợp quốc đề ra. Ông đã kêu gọi đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực chung tay xây dựng hệ thống LTTP bền vững, nhằm đạt 17 mục tiêu phát triển bền vững.

"Tại Việt Nam, có một sự phân cấp khá rõ giữa các cấp các ngành. Mỗi bên lại có một mối quan tâm và mục tiêu phấn đấu riêng. Để đạt được hiệu quả cao nhất, Việt Nam cần sức mạnh và tiếng nói tổng hợp từ các bên", ông Tuấn nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác đa bên

Ông Edward Walugembe, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Hệ thống Lương thực Quốc gia (NFSCC), nêu quan điểm, rằng để vận hành khâu đưa thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả, rất cần một cơ chế, chính sách hợp lý và những giải pháp mang tính tổng thể. Ông chỉ ra, vấn đề mấu chốt là phải thu hút được sự quan tâm và tham gia của những bên liên quan trong hệ thống LTTP.

Ông Tom Arnold, Đặc phái viên về hệ thống thực phẩm Ireland thì quan tâm hơn đến các biện pháp phát triển đa bên. Chia sẻ tại phiên thảo luận, chuyên gia người Ireland nhấn mạnh: "Đầu tiên phải rất rõ về các mục tiêu, cũng như tích lũy các giá trị từ trước đó.  Chẳng hạn, khi quan tâm đến khía cạnh bền vững, thì Ireland cần làm rõ cả 3 khía cạnh là kinh tế, xã hội, môi trường".

Lấy ví dụ về chiến lược phát triển hệ thống LTTP vừa được ban hành tại quốc gia này, ông Arnold kể lại rằng: Toàn bộ quá trình phát triển, xây dựng được xây dựng chặt chẽ, bắt đầu từ tham vấn công chúng vào tháng 4/2021. Qua đó, những mong muốn sát sườn nhất của người dân đều được thể hiện trong chiến lược.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tham luận. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tham luận. Ảnh: Tùng Đinh.

"Những chương trình hành động đều phải xây dựng từ người dân", bà Christine Campeau, Giám đốc vận động toàn cầu CARE đồng tình với quan điểm này. Bà cam kết, những hoạt động của CARE luôn tập trung vào quyền, việc làm thỏa đáng cho người lao động.

Tại Nepal khi được đề nghị phối hợp tổ chức đối thoại cấp địa phương, CARE đã mời nhiều đối tác để kết nối những người yếu thế, góp phần đưa tiếng nói của họ đến chính quyền. Dựa trên hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, những dịch vụ về tài chính, nhất là tại địa phương được đưa tới gần người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Từng tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, đặc biệt là phụ nữ, CARE cũng thừa nhận có một số thách thức trong quá trình thực hiện, chủ yếu nằm ở việc mục tiêu, yêu cầu của nhà tài trợ đôi khi không trùng với quy hoạch, phát triển của địa phương.

Cần những chính sách đặc thù cho vùng nông nghiệp

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội thông tin, tuy là thủ đô của Việt Nam nhưng Hà Nội luôn đứng top đầu những địa phương có ngành nông nghiệp phát triển trên cả nước. Theo ông Tường, với khoảng 12 triệu người, Hà Nội là một thị trường tiêu thụ LTTP lớn. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực luôn được thành phố quan tâm.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp của Thủ đô đang phát triển tập trung theo hướng nông nghiệp sinh thái, kết hợp các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt, TP Hà Nội luôn giữ gìn diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho thành phố và cho cả nước. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội chỉ ra, thực tế cho thấy vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách để phát triển chuỗi giá trị trong hệ thống LTTP bền vững, đặc biệt là khâu chế biến.

Bày tỏ quan điểm để giải quyết những thách thức trong xây dựng hệ thống LTTP bền vững, ông Tạ Văn Tường cho rằng cần có những quy chế, quy định cụ thể trong từng đơn vị cụ thể. Những quy chế, quy định đó cần phải nêu rõ trách nhiệm của từng bên để cả hệ thống vận hành một cách trơn tru và hiệu quả.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tạo dựng một đầu mối chỉ đạo các đơn vị có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ. Từ đó khắc phục được những thách thức từ việc thiếu đồng nhất trong phối hợp xây dựng hệ thống LTTP bền vững.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cũng chỉ ra, rằng một thách thức khác trong xây dựng hệ thống LTTP bền vững cũng được Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội chỉ ra là yếu tố tổ chức sản xuất. “Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Đó là dấu hiệu dễ nhận thấy của thách thức thiếu liên kết giữa những chuỗi sản xuất”, ông Tường phân tích.

Để có thể khắc phục được thách thức đó, theo ông Tường, giải pháp vô cùng quan trọng là phải thay đổi nhận thức của người tiêu dùng: “Người tiêu dùng cần sử dụng thực phẩm hết sức trách nhiệm, có ý thức bảo vệ và xây dựng hệ thống LTTP bền vững”.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, bà Marina Bortoletti, Cán bộ phụ trách chương trình của UNEP, cho rằng, cần có sự tham gia của đông đảo các quốc gia, các đơn vị, những thành phần trong xã hội để tạo dựng những chiến lược trong đa lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, xã hội… từ đó hướng đến xây dựng hệ thống LTTP bền vững.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khởi động dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong năm 2024 tại Đồng Nai

Đồng Nai Ngày 21/5, tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) diễn ra Lễ khởi động dự án xây dựng nhà ở xã hội, do Công ty CP Chương Dương Homeland tổ chức.