| Hotline: 0983.970.780

Cá trên sông Vàm Cỏ chết hàng loạt

Thứ Ba 21/05/2024 , 18:25 (GMT+7)

TÂY NINH Những ngày gần đây, tỉnh Tây Ninh liên tiếp xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa khiến cá trên sông Vàm Cỏ chết hàng loạt, nguyên nhân nghi do doanh nghiệp lén xả thải.

Theo phản ánh của người dân ấp Tân Hội, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), cơn mưa lớn diễn ra vào chiều kéo dài đến tối ngày 20/5 khiến cá nuôi trong vèo, lồng bè và cá trong các ao, hầm cạnh sông Vàm Cỏ chết hàng loạt, bắt đầu bốc mùi hôi thối. Ngay từ sáng sớm ngày 21/5, người dân nơi đây đã vớt hàng tấn cá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cá chết bất thường tại ấp Tân Hội, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh: T.V.M.

Cá chết bất thường tại ấp Tân Hội, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh: T.V.M.

Anh Nguyễn Phước Hải ở ấp Tân Hội, xã Phước Chỉ cho biết, "đến hẹn lại lên", vào đầu mùa mưa là người nuôi cá lồng bè, cá trong vèo, cá nuôi trong hầm nơi đây lại đối mặt với tình trạng cá bị chết hàng loạt. Sau thời gian gác lại nghề nuôi cá, những năm gần đây, nước trên sông Vàm Cỏ Đông bắt đầu cải thiện, bằng chứng là cá tôm tự nhiên bắt đầy sinh sôi nảy nở. Từ đó, anh Hải bắt đầu trở lại với nghề. Hiện gia đình anh có 1 bè nuôi hơn 6.000 cá lóc thương phẩm gần đến tuổi thu hoạch cùng 2 bè nuôi cá rô giống, 1 ao nuôi cá diêu hồng giống.

Khi anh và người dân nơi đây chưa kịp vui mừng, cơn mưa vừa qua đã khiến toàn bộ đàn cá của gia đình chết hơn một nửa, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Chỉ trong buổi sáng ngày 21/5, gia đình anh đã phải vớt hơn 1 tấn cá lóc thương phẩm và hàng chục ký cá giống đổ bỏ. “Chúng tôi nghi ngờ cá chết là do nước thải của các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở đầu nguồn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước”, anh Hải nói.

Ngoài cá lớn, cá giống trong vèo của bà con cũng bị chết hàng loạt. Ảnh: T.V.M.

Ngoài cá lớn, cá giống trong vèo của bà con cũng bị chết hàng loạt. Ảnh: T.V.M.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Tấn Khoa cũng không khỏi xót xa vớt 6.000 cá lăng hồng vĩ cùng hàng chục ngàn cá chốt trâu giống, 2.000 cá lóc thương phẩm, ước tính thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Hiện anh đang tích cực các giải pháp để cứu đàn cá còn lại, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, dù di dời đàn cá lên bờ, liên tục sục khí oxy nhưng đàn cá quá lớn, một số cá lăng, cá chốt không đủ sức chống chọi. “Tôi mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để người dân vơi bớt khó khăn”, anh Nguyễn Tấn Khoa không kìm được xúc động.

Theo UBND xã Phước Chỉ, hiện nay trên địa bàn xã có 7 hộ nuôi cá lồng bè và cá trong vèo. Qua thống kê ban đầu, tại ấp Tân Hội có 4 hộ thiệt hại khoảng gần 700 triệu đồng, các ấp còn lại thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Lãnh đạo UBND xã này cũng chỉ ra nguyên nhân có thể do các nhà máy tinh bột sắn, cơ sở chăn nuôi ở thượng nguồn lợi dụng trời mưa xả thải trực tiếp ra môi trường.

Cán bộ địa phương kiểm tra nguồn nước và thống kê thiệt hại. Ảnh: T.V.M.

Cán bộ địa phương kiểm tra nguồn nước và thống kê thiệt hại. Ảnh: T.V.M.

“Ngay sau sự việc xảy ra, UBND xã đã cử cán bộ đến các hộ để nắm tình hình, báo cáo lên huyện, tỉnh. Đồng thời liên tục cập nhật thông tin liên quan đến môi trường nước, khuyến cáo các hộ dân thu hoạch cá sớm, di dời cá vào hầm  trú ẩn…”, ông Lê Vũ Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết thêm.

Trước đó khoảng 5 ngày, đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ bến Lò Than thuộc ấp Bến Cừ đến bến phà Ninh Điền và An Bình thuộc ấp Gò Nổi (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh) cũng xuất hiện tình trạng một số loại thủy sản nổi đầu, đớp bóng liên tục một cách bất thường. Một số nơi xuất hiện cá chết nổi trắng trên mặt nước khiến người dân hết sức lo lắng.

Nước trên sông Vàm Cỏ đổi màu những ngày gần đây nghi do các nhà máy, cơ sở chăn nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Nước trên sông Vàm Cỏ đổi màu những ngày gần đây nghi do các nhà máy, cơ sở chăn nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Một số người dân nơi đây cho biết thêm, khi nước ròng thì cá đỡ chết, nhưng khi nước đứng là cá nổi lên chết trắng. Cá chết gồm nhiều loại khác nhau, chủ yếu là loài cá trắng, khả năng chịu ô nhiễm kém như cá chốt, cá chạch, lòng tong…, kể cả loại cá to như cá trắm cỏ cũng chết nổi lên mặt nước.

Sau khi nắm thông tin, Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xác minh từ người dân cũng như kiểm tra nguồn nước bước đầu xác định nguyên nhân khiến cá chết là do các trang trại nuôi heo khu vực cầu Máng (xã Tân Bình, TP Tây Ninh) và xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) có dấu hiệu xả nước thải chăn nuôi ra thượng nguồn mà không bảo đảm chất lượng theo quy định, làm nguồn nước khu vực này bị ô nhiễm.

Cá chết trên sông Vàm Cỏ đoạn qua huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Trần Trung.

Cá chết trên sông Vàm Cỏ đoạn qua huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Trần Trung.

Đại diện Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh hiện có một số cơ sở chăn nuôi heo và 64 nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn, đa số đều được cấp giấy phép môi trường. Tuy nhiên, Sở N-MT tỉnh liên tục tiếp nhận phản ánh của người dân sinh sống gần khu vực các nhà máy sản xuất  lĩnh vực này về việc các doanh nghiệp, nhà máy thường xuyên xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần vào cuộc xử phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chây ì, cố tình vi phạm, khiến người dân bức xúc.

“Từ năm 2022 đến năm 2023, Sở TN-MT tỉnh xử lý trên 20 doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có nhiều doanh nghiệp bị xử phạt trên 1,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 3 - 4 tháng. Đối với những doanh nghiệp có những hành vi vi phạm liên tục, ngoài việc đình chỉ hoạt động, Sở TN-MT tỉnh sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện di dời hoặc cấm hoạt động có thời hạn hoặc lâu dài để doanh nghiệp hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và khắc phục ô nhiễm”, ông Văn Tiến Dũng - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm.

Nhiều kênh rạch tại Tây Ninh bị đầu độc bởi các doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều kênh rạch tại Tây Ninh bị đầu độc bởi các doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Ảnh: Trần Trung.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Tây Ninh, thời gian gần đây, trên sông Vàm Cỏ xảy ra tình trạng cá tự nhiên, cá nuôi trong lồng, bè dọc bờ sông chết bất thường hàng loạt gây thiệt hại lớn nguồn lợi thủy sản tự nhiên và thiệt hại kinh tế cho người dân.

Để khắc phục tình trạng nói trên, tăng cường sự quản lý của nhà nước, sự phối hợp giữa người dân và cơ quan quản lý trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản tỉnh Tây Ninh đề nghị người dân sinh sống ven sông Vàm Cỏ Đông, các kênh rạch thuộc hệ thống sông Vàm Cỏ Đông khi phát hiện cá chết bất thường hàng loạt vui lòng liên hệ với Chi cục để Chi cục hỗ trợ xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất biện pháp xử lý và đưa ra khuyến cáo thích hợp để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.