| Hotline: 0983.970.780

Huy động nguồn vốn hợp pháp cho phòng chống sạt lở

Thứ Ba 16/08/2022 , 10:42 (GMT+7)

Kinh phí xử lý, phòng chống sạt lở ở Nam Bộ đã tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, và cần được huy động thêm từ các nguồn hợp pháp khác.

Kè chống sạt lở bờ biển Tây tại khu du lịch Đá Bạc, Cà Mau. Ảnh: Thanh Sơn.

Kè chống sạt lở bờ biển Tây tại khu du lịch Đá Bạc, Cà Mau. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Vụ Kiểm soát An toàn thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động của phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững, tình hình sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển khu vực Nam Bộ đã và đang diễn biết rất phức tạp. Mỗi năm, khu vực Nam Bộ xảy ra hàng trăm vụ sạt lở bờ sông, bờ biển.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chi huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cà Mau, cho biết, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp. Qua quan trắc ở biển Tây, tốc độ sạt lở trung bình từ 20-25m/năm; ở biển Đông trung bình từ 45-50m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 80m/năm, với tổng chiều dài sạt lở rất nghiêm trọng là 172km. Hiện nhiều đoạn đê biển Tây không còn rừng phòng hộ hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, đê biển sẽ vỡ bất cứ lúc nào.

Trước tình hình đó, nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng công trình phòng chống sạt lở và xử lý sạt lở cấp bách ở khu vực Nam Bộ đã được bổ sung trong những năm gần đây. Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2016 đến nay, bằng các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ các tỉnh khu vực miền Nam tổng số 8.175 tỷ đồng để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 180,7km.

Như vậy, so với 5 năm trước (từ năm 2011-2015), kinh phí đầu tư để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Nam Bộ đã tăng 3.578 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng là 77,8%.

Ngoài ra, từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ NN-PTNT dự kiến tiếp tục bố trí 2.680 tỷ đồng để xử lý 11 điểm sạt lở; từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ bố trí 2.660 tỷ đồng để xử lý 21 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho xây dựng công trình phòng chống sạt lở và xử lý sạt lở cấp bách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện khu vực Nam Bộ vẫn còn 85 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 129 km (bờ sông 60 điểm/ 59 km; bờ biển 25 điểm/70 km).

Bên cạnh đó, việc phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển tại nhiều nơi chưa hợp lý, dẫn đến nhiều công trình được đầu tư nhưng hiệu quả đạt được thấp, hoặc gây lãng phí trong đầu tư. Việc xử lý sạt lở thời gian qua chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, nên nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm chưa được đầu tư xử lý ...

Chính vì vậy, Vụ Kiểm soát An toàn thiên tai cho rằng, để công tác phòng chống sạt lở bờ sông bờ biển thời gian tới đạt hiệu quả cao, đối với những khu vực sạt lở cần thiết phải xây dựng công trình để bảo vệ bờ, các tỉnh, thành Nam Bộ cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, xây dựng phương án cụ thể, từ đó huy động các nguồn lực hợp pháp của địa phương để tổ chức xử lý. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Đặc biệt, một giải pháp quan trọng để giải bài toán kinh phí mà các địa phương cần tính tới là tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, nhất là từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).